Dị ứng bột ngọt là tình trạng tế bào miễn dịch bị kích thích bởi các thành phần có trong bột ngọt (mì chính). Ngay sau khi dùng thức ăn chứa loại gia vị này, da sẽ xuất hiện các nốt phát ban, mề đay, ngứa ngáy đi kèm với tình trạng đau đầu, chân tay bủn rủn, ngứa cổ họng,…
Dị ứng bột ngọt là gì?
Bột ngọt (mì chính) thực chất là MSG – monosodium glutamate là chất điều vị được sử dụng trong chế biến các món ăn. Bột ngọt được sản xuất bằng cách lên men các nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật như ngô, củ cải đường, sắn và mía. Mặc dù là loại gia vị được sử dụng phổ biến nhưng mì chính có thể gây ra tình trạng ngộ độc và dị ứng.
Ngộ độc bột ngọt khác với dị ứng. Ngộ độc là tình trạng dùng quá nhiều bột ngọt khiến glutamate bị dư thừa dẫn đến rối loạn hoạt động của não bộ, đồng thời gây ảnh hưởng đến chức năng của gan và thận. Sau khi sử dụng một lượng lớn bột ngọt, glutamate sẽ xúc tác với coenzyme trong não bộ và chuyển hóa thành acid aminobutyric – chất gây ức chế thần kinh trung ương. Ngộ độc mì chính thường gây choáng váng, tức ngực, buồn nôn, chóng mặt, hoa mắt và thậm chí là co giật.
Ngoài tình trạng ngộ độc, dị ứng cũng là hiện tượng hay gặp phải khi sử dụng loại gia vị này. Dị ứng thực chất là phản ứng thái quá của hệ miễn dịch đối với các thành phần có trong bột ngọt. Khi các chất này được dung nạp vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ sản sinh kháng thể để đối kháng. Tuy nhiên, kháng thể được sản sinh quá mức sẽ hoạt hóa dẫn đến giải phóng các chất trung gian trong phản ứng dị ứng.
Trên thực tế, tất cả các loại thực phẩm, gia vị đều có khả năng dị ứng. Phản ứng dị ứng phụ thuộc vào cơ địa của từng người, hầu như không có liên quan đến cách chế biến hay liều lượng. Trong khi đó, ngộ độc thường xảy ra do sử dụng mì chính quá mức.
Dấu hiệu nhận biết dị ứng bột ngọt
Dị ứng bột ngọt có triệu chứng khá điển hình và dễ nhận biết. Các triệu chứng này xảy ra sau khi dùng các món ăn có bột ngọt khoảng vài phút đến khoảng 1 giờ. Dị ứng bột ngọt có biểu hiện lâm sàng đa dạng và có sự khác biệt ở từng trường hợp.
Một số dấu hiệu nhận biết dị ứng bột ngọt:
- Nổi mề đay, phát ban da
- Đau đầu, chóng mặt
- Đỏ mặt
- Nghẹt mũi, sổ mũi
- Sưng mí mắt
- Có cảm giác tê rát bên trong khoang miệng
- Buồn nôn
- Chân tay bủn rủn
- Mệt mỏi
- Đổ nhiều mồ hôi
Đôi khi, các triệu chứng của dị ứng có thể đi kèm với ngộ độc mì chính nếu sử dụng quá mức. Mặc dù không xảy ra thường xuyên nhưng đã có trường hợp bị sốc phản vệ do dùng các món ăn chứa loại gia vị này. Nếu nhận thấy các triệu chứng nặng như khó thở, tim đập nhanh, tức ngực và cổ họng sưng tấy, bạn nên đến ngay bệnh viện hoặc gọi cấp cứu để được hỗ trợ kịp thời.
Nguyên nhân gây dị ứng bột ngọt
Dị ứng bột ngọt là phản ứng dị ứng type 1 hay còn gọi là quá mẫn nhanh hay quá mẫn type 1. Phản ứng này xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên (chất gây dị ứng). Tuy nhiên, dị nguyên ở mỗi cá thể là hoàn toàn khác nhau. Trong đó, người có cơ địa nhạy cảm có nguy cơ dị ứng cao hơn so với những người khỏe mạnh.
Đến nay, nguyên nhân gây dị ứng nói chung và dị ứng bột ngọt nói riêng vẫn chưa thể xác định. Hầu hết chỉ có thể tìm được chất gây dị ứng mà trong trường hợp này là bột ngọt.
1. Cơ chế dị ứng bột ngọt
Khi sử dụng món ăn chứa bột ngọt, các tế bào lympho (tế bào miễn dịch) bị kích thích nhằm tạo ra kháng thể để đối kháng với chất gây dị ứng. Kháng thể IgE được sản sinh quá mức sẽ liên kết với các thụ thể trên bề mặt của tế bào mast và bạch cầu ưa kiềm (basophils). Hệ quả là giải phóng hàng loạt các chất trung gian gây viêm, dị ứng như prostaglandin, leukotriene, histamin,…
Tác dụng chính của các chất trung gian hóa học là giãn mạch và gây co thắt cơ trơn. Giãn mạch khiến cho da xuất hiện các đốm phát ban, mề đay kèm theo ngứa ngáy và khó chịu. Trong khi đó, tác dụng co thắt cơ trơn là nguyên nhân gây khó thở, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp giãn mạch nặng còn có thể dẫn đến hạ huyết áp đột ngột.
2. Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân trực tiếp gây dị ứng bột ngọt là do sử dụng thức ăn chứa loại gia vị này. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị dị ứng với mì chính. Dù không tìm được nguyên nhân cụ thể nhưng các nghiên cứu cho thấy, nguy cơ bị dị ứng bột ngọt tăng lên đáng kể ở những đối tượng sau:
- Người có cơ địa nhạy cảm (đặc biệt là người từng có tiền sử dị ứng thực phẩm)
- Trẻ em
- Người có hệ miễn dịch kém
- Tiền sử gia đình có người thân bị dị ứng bột ngọt
Dị ứng bột ngọt có nguy hiểm không?
Mức độ nguy hiểm của tình trạng dị ứng phụ thuộc hoàn toàn vào cơ địa của từng người. Dị ứng bột ngọt có thể ở mức độ nhẹ với những triệu chứng như nổi mề đay, phát ban, ngứa da, đau bụng và chóng mặt. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị dị ứng nặng dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng như sưng mí mắt, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, ngứa họng, khó thở và hạ huyết áp.
Nếu sử dụng quá nhiều bột ngọt, các triệu chứng dị ứng có thể đi kèm với những biểu hiện ngộ độc mì chính. Trong trường hợp này, các triệu chứng thường có mức độ nặng, thậm chí dẫn đến sốc phản vệ. Chậm trễ trong việc xử trí có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Vì vậy nếu gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng, nên chủ động thăm khám và điều trị sớm để tránh biến chứng.
Dị ứng bột ngọt ở lần thứ hai thường nặng và diễn tiến nhanh hơn so với lần đầu tiên. Do đó sau khi xác định chất dị ứng là bột ngọt, cần tránh sử dụng thực phẩm chứa loại gia vị này. Với những người mắc các bệnh lý liên quan đến cơ chế dị ứng, dị ứng bột ngọt có thể khiến triệu chứng của bệnh bùng phát.
Dị ứng bột ngọt phải làm sao?
Hiện tại, không có cách chữa trị dị ứng bột ngọt dứt điểm. Biện pháp hiệu quả nhất để tránh tái phát là không sử dụng thức ăn chứa loại gia vị này. Trong trường hợp bị dị ứng, điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc để phòng tránh sốc phản vệ và cải thiện các triệu chứng do phản ứng dị ứng gây ra.
Các phương pháp điều trị dị ứng bột ngọt:
1. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị dị ứng bột ngọt. Tùy theo triệu chứng mà bạn gặp phải, bác sĩ/ dược sĩ sẽ xem xét dùng một số loại thuốc sau:
- Epinephrine (Adrenaline): Epinephrine là một loại hormone nội sinh do tuyến thượng thận sản xuất. Hormone này có tác dụng tăng nhịp tim và huyết áp. Vì vậy, Epinephrine thường được sử dụng trong trường hợp sốc phản vệ do dị ứng bột ngọt và các dạng dị ứng khác. Thuốc thường được dùng ở dạng tiêm hoặc hít.
- Thuốc kháng histamin H1: Thuốc kháng histamine H1 là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến khi điều trị dị ứng. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm triệu chứng bằng cách ức chế histamin – chất trung gian trong phản ứng dị ứng. Các loại thuốc kháng histamin H1 thường được sử dụng bao gồm Loratadin, Cetirizin, Chlorpheniramin,…
- Một số loại thuốc khác: Nếu dị ứng bột ngọt gây mệt mỏi, nổi mề đay và ngứa nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm một số loại thuốc như viên uống bổ sung vitamin C, thuốc bôi chứa Menthol, Zinc oxide,…
2. Cách ly với dị nguyên
Cách ly với dị nguyên là biện pháp quan trọng nhất trong điều trị và phòng ngừa dị ứng bột ngọt. Vì vậy ngoài sử dụng thuốc, bạn cần tránh sử dụng bột ngọt nêm nếm thức ăn. Khi mua đồ hộp, nên đọc kỹ bảng thành phần để đảm bảo sản phẩm không chứa mì chính.
3. Các biện pháp hỗ trợ
Dị ứng bột ngọt có thể kéo dài trong khoảng vài ngày cho đến khi dị nguyên bị đào thải hoàn toàn. Bên cạnh sử dụng thuốc, bạn cũng có thể cải thiện các triệu chứng dị ứng bằng một số biện pháp hỗ trợ như:
- Nên uống nhiều nước để hỗ trợ đào thải bột ngọt ra khỏi cơ thể hoàn toàn. Ngoài nước lọc, bạn có thể dùng thêm nước ép rau xanh và trái cây để bổ sung thêm vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
- Ăn uống hợp lý và nghỉ ngơi điều độ để nâng cao sức đề kháng. Một số nghiên cứu cho thấy, hệ miễn dịch suy yếu làm tăng phản ứng thái quá của cơ thể đối với các chất dị ứng, kích ứng.
- Nếu da nổi nhiều mề đay, phát ban và ngứa ngáy, có thể tắm lá chè xanh, trầu không,… để kháng viêm và kiểm soát cơn ngứa. Đồng thời cần hạn chế gãi cào, chà xát và tránh mặc quần áo bó sát.
Dị ứng bột ngọt là tình trạng khá ít gặp nhưng những năm gần đây, tỷ lệ người bị dị ứng với loại gia vị này đang có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, người bị dị ứng với bột ngọt cũng có nguy cơ cao dị ứng với nhiều loại thực phẩm khác. Nếu cần thiết, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được tư vấn về chế độ ăn uống phù hợp nhằm hạn chế tối đa nguy cơ dị ứng.
Tham khảo thêm: