Dừa là một trong những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng giống như bất kỳ loại thực phẩm nào khác, dừa cũng có thể gây dị ứng và thậm chí còn có gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng. Ở những người bị dị ứng với dừa, bất kỳ sản phẩm nào từ dừa như nước cốt dừa hay dầu dừa đều có thể kích hoạt phản ứng dị ứng. Mặc dù không phổ biến như các loại dị ứng khác, chẳng hạn như dị ứng đậu phộng nhưng dị ứng dầu dừa hoàn toàn có thể xảy ra.
Triệu chứng dị ứng dầu dừa
Các triệu chứng dị ứng dầu dừa cũng tương tự như các loại dị ứng khác, gồm có:
- Buồn nôn
- Nôn
- Nổi mề đay
- Bùng phát viêm da cơ địa
- Tiêu chảy
- Phát ban
- Sốc phản vệ - một dạng phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng, có các dấu hiệu như thở khò khè, khó thở, chóng mặt và tim đập nhanh
Sốc phản vệ do ăn dừa và dầu dừa rất hiếm gặp.
Ở những người bị dị ứng, tiếp xúc với dừa hoặc dầu dừa ngoài da cũng có thể gây phản ứng (viêm da tiếp xúc) nhưng các triệu chứng thường nhẹ hơn, chẳng hạn như mẩn đỏ, ngứa hoặc nổi mụn nước trên da. Phản ứng da chủ yếu xảy ra do sử dụng các sản phẩm chăm sóc da hoặc tóc có chứa dầu dừa, chẳng hạn như kem dưỡng hoặc kem ủ tóc.
Dị ứng dầu dừa và các loại dị ứng khác
Dị ứng dầu dừa là vấn đề rất hiếm gặp và hơn nữa, dừa chứa một loại protein đặc biệt mà nhiều loại thực phẩm khác không có. Điều này giúp giảm nguy cơ dị ứng chéo. Dị ứng chéo có nghĩa là khi bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó, cơ thể thường cũng có phản ứng dị ứng với những loại thực phẩm khác có chứa protein tương tự. Ví dụ, những người bị dị ứng đậu phộng có thể cũng sẽ gặp các triệu chứng dị ứng khi ăn các sản phẩm từ đậu nành. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp dị ứng các loại hạt khi còn nhỏ và khi lớn lên bị dị ứng với dừa.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phân loại dừa vào nhóm “hạt” (tree nut) nhưng trên thực tế, dừa là một loại trái cây, cụ thể là thuộc nhóm quả hạch (những loại trái cây có thịt bên trong và hạt có lớp vỏ cứng bao ngoài, chẳng hạn như đào, cherry, xoài, hạt điều và hạnh nhân). Hầu hết những người bị dị ứng các loại hạt đều vẫn có thể ăn dừa và các sản phẩm từ dừa.
Một nghiên cứu của Hiệp hội Dị ứng và Miễn dịch Nhi khoa Châu Âu (European Society of Pediatric Allergy and Immunology) cho thấy rằng dị ứng hoặc nhạy cảm với các loại hạt hoặc đậu phộng không làm tăng nguy cơ dị ứng dừa. (1) Nhưng nếu trẻ bị dị ứng các loại hạt, nhất là khi bị dị ứng nghiêm trọng thì bố mẹ vẫn nên thận trọng khi cho con ăn các sản phẩm từ dừa. Nếu có các dấu hiệu như thở khò khè, khó thở, ra nhiều mồ hôi hay ngất xỉu thì phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
Những thực phẩm và sản phẩm cần tránh khi bị dị ứng dừa
Dừa là thành phần có trong rất nhiều loại thực phẩm nhưng không phải lúc nào cũng được ghi trên nhãn ở mặt trước. Do đó, nếu bị dị ứng thì luôn phải đọc kỹ danh sách thành phần khi mua đồ để tránh ăn phải những sản phẩm có chứa dừa và dầu dừa.
Một số sản phẩm có thể chứa dừa và các thành phần từ dừa như bơ dừa, dầu dừa hay nước cốt dừa gồm có:
- Bắp rang bơ
- Bánh ngọt
- Sô cô la
- Kẹo
- Sữa bột trẻ em
Dầu dừa cũng là một thành phần phổ biến trong nhiều sản phẩm dưỡng da và tóc nên cần kiểm tra kỹ bảng thành phần của sản phẩm trước khi mua.
Cần làm gì khi bị dị ứng dầu dừa?
Nếu gặp các triệu chứng dị ứng nhẹ, chẳng hạn như mẩn đỏ hay ngứa và nghi ngờ thủ phạm là do dừa thì hãy ghi lại các món ăn hàng ngày và thời gian xuất hiện các triệu chứng để xác định nguyên nhân gây dị ứng.
Ngoài ra cũng nên ghi lại tất cả các sản phẩm đang sử dụng mà bạn nghi ngờ có chứa thành phần gây dị ứng, ví dụ như kem dưỡng, dầu xả hay nước giặt.
Khi đã xác định được nguyên nhân gây dị ứng, hãy tránh xa tất cả các sản phẩm có chứa thành phần đó, bao gồm cả đồ ăn thức uống và sản phẩm dùng ngoài da. Nếu vẫn không chắc chắc có phải bị dị ứng dừa hay không thì nên đi khám.
Khi có các triệu chứng nghiêm trọng như tức ngực, khó thở, ra nhiều mồ hôi, tim đập nhanh hay choáng váng thì phải gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa đến bệnh viện khẩn cấp.