Dị ứng thuốc có những đặc điểm gì? - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

3 năm trước 22

I. Dị ứng thuốc có những đặc điểm gì?

Nên lưu ý một số đặc điểm của dị ứng thuốc như sau:

  • Dị ứng thuốc không phụ thuộc vào liều lượng nên sẽ xảy ra dị ứng dù thuốc được dùng đúng liều hoặc thậm chí dùng rất ít. Đây là những phản ứng không đoán trước được của hệ miễn dịch. Trường hợp bị dị ứng thuốc thì hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra mức độ nhạy thuốc cực lớn, nhất là khi dùng thuốc lần đầu nhưng cũng có trường hợp dùng thuốc lần đầu không bị dị ứng nhưng những lần tiếp theo lại có thể bị dị ứng.
  •  Phản ứng dị ứng chỉ xảy ra ở một số ít bệnh nhân được gọi là người dễ dị ứng hoặc người có “cơ địa dị ứng”. Cho nên, có thuốc nhiều người dùng chẳng việc gì nhưng ở người khác thì bị dị ứng, thậm chí dị ứng rất nặng.
  • Trong thuốc, ngoài dược chất còn có tá dược, chất bảo quản, kể cả tạp chất và người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thành phần nào trong đó.
  • Phản ứng dị ứng sẽ biến mất khi ngưng dùng thuốc.
  • Dị ứng thuốc không phải là tác dụng phụ của thuốc. Tất cả các loại thuốc chữa bệnh đều có thể có những tác dụng phụ không mong muốn và những tác dụng phụ đó đều được ghi cụ thể bên ngoài nhãn mác, trong khi đó dị ứng thuốc lại ít xảy ra hơn, chiếm 5-10% các trường hợp điều trị.
  • Dị ứng thuốc cũng không phải là trường hợp tích lũy thuốc do dùng môt số thuốc lâu dài như: thuốc có chứa thủy ngân, vàng, arsen, belladone (cà độc dược),  strychnine (mã tiền).

II. Thuốc nào gây dị ứng? 

  • Tất cả các thuốc đều có khả năng gây ra phản ứng có hại. Trong số các loại thuốc gây dị ứng, kháng sinh là nhóm thuốc xếp "đầu bảng" chiếm tới hơn 50%. 
  • Các thuốc kháng sinh thường gây dị ứng là  Penilicilin,  Ampicillin, Streptomicine, Sulfonamide. Kế đến là các thuốc điều trị động kinh, thuốc giảm đau,  kháng viêm, giảm sốt, vitamin, các thuốc có nguồn gốc từ chất đạm (protein, peptid) như các hormon…
  • Một số thuốc ảnh hưởng trên hệ tim mạch như thuốc tê novocain, lidocain, vitamin C chích, vitamin B1 chích... có thể gây choáng phản vệ.
  • Ngay cả aspirin uống cũng có thể gây choáng phản vệ. Có thuốc dùng nhiều lần trước đó không việc gì nhưng sau lại bị phản ứng.
  • Đặc biệt lưu ý có hiện tượng gói là phản ứng chéo giữa thuốc gây dị ứng với thuốc khác cùng nhóm. Thí dụ, người đã bị dị ứng với kháng sinh amoxicillin thì có thể bị dị ứng với các thuốc khác nằm cùng nhóm beta-lactam (gọi là nhóm penicillin, nhóm cephalosporin).
  • Người đã dị ứng với aspirin cũng có thể bị dị ứng với các thuốc khác nằm trong nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID).
  • Dị ứng thuốc do đường uống nhiều nhất (hơn 70%), thường gây ra các hội chứng loại hình dị ứng muộn, tiếp đó là đường tiêm chích (gần 20%). Các loại thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, bôi ngoài da, tẩy-nhuộm lông,tóc… cũng đều có khả năng gây ra các dị ứng tại chỗ và toàn thân như dùng đường uống, đường tiêm chích.
  • Trong các trường hợp dị ứng với kháng sinh thường xảy ra, đáng lo ngại nhất là Penicillin và nhóm beta-lactam. Đây là kháng sinh đầu được tìm ra và áp dụng vào điều trị và cũng chính Penicillin gây sốc phản vệ do dùng kháng sinh.
  • Sốc phản vệ là tai họa khủng khiếp, là trường hợp nặng nhất của dị ứng thuốc, có thể dẫn đến khó thở, hạ huyết áp, trụy mạch và tử vong có thể xảy ra trong vài phút nếu không cấp cứu đúng và kịp thời. Vì thế có kiến thức về tình trạng dị ứng thuốc và sốc thuốc là điều rất cần thiết cho tất cả mọi người.
  • Thuốc đông y đứng thứ ba trong số các nhóm thuốc gây dị ứng. Đây thực sự là điều rất đáng báo động vì người dân vẫn thường quan niệm không những các thuốc đó lành tính, không độc mà còn mát, bổ và hợp với tạng người Việt. 

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Đọc toàn bộ bài viết