HPV và HIV đều lây truyền qua đường tình dục nhưng đây là hai loại virus khác nhau hoàn toàn.
HPV và HIV là gì?
HPV và HIV đều lây truyền qua đường tình dục nhưng đây là hai loại virus khác nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, một số yếu tố, hành vi làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV cũng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HPV và ngược lại.
HPV là gì?
HPV là viết tắt của human papillomavirus (virus u nhú ở người) – một trong những loại virus lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Có hơn 150 chủng HPV khác nhau đã được phát hiện. Loại virus này có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, gồm có cả mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung.
Virus này phổ biến đến mức hầu hết những người có quan hệ tình dục đều bị nhiễm ít nhất một chủng HPV vào một thời điểm nào đó trong đời.
HIV là gì?
HIV là viết tắt của human immunodeficiency virus (virus gây suy giảm miễn dịch ở người), cũng là một virus lây truyền qua đường tình dục. Virus này tấn công và phá hủy các tế bào T-CD4, đây là các tế bào bạch cầu có vai trò bảo vệ cơ thể bằng cách tìm kiếm và chống lại nhiễm trùng.
Nếu không có tế bào T khỏe mạnh thì lớp hàng rào phòng thủ chống lại các bệnh nhiễm trùng cơ hội sẽ bị suy yếu.
Nếu không được điều trị, HIV sẽ tiến triển sang giai đoạn 3 (giai đoạn cuối) hay được gọi là AIDS.
Các triệu chứng khi nhiễm HPV và HIV
Nhiều người nhiễm HPV và HIV không gặp phải bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào.
Các triệu chứng nhiễm HPV
Thông thường, ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh thì cơ thể có thể tự chống lại HPV nên không gặp phải bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.
Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch bị suy yếu thì cơ thể sẽ không thể chống lại HPV và dẫn đến các vấn đề như mụn cóc sinh dục. Không chỉ có ở bộ phận sinh dục, mụn cóc còn có thể hình thành ở các bộ phận khác của cơ thể, gồm có:
- Bàn tay
- Cẳng chân và bàn chân
- Mặt
Các chủng HPV được chia làm hai nhóm là HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao. Các chủng gây mụn cóc là HPV nguy cơ thấp. Các chủng HPV nguy cơ cao làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung cũng như là các bệnh ung thư khác như ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư dương vật, ung thư hậu môn và ung thư khoang miệng.
Các bệnh ung thư do HPV phát triển dần dần trong vòng vài năm kể từ thời điểm bị nhiễm virus. Vì vậy, cần phải đi khám định kỳ để phát hiện bệnh ngay từ sớm. Phụ nữ nên tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên bằng xét nghiệm Pap.
Các triệu chứng nhiễm HIV
Nhiều người nhiễm HIV cũng không biết rằng mình bị nhiễm virus vì bệnh không biểu hiện dấu hiệu đặc trưng.
Các dấu hiệu có thể xuất hiện sau từ 1 – 6 tuần kể từ khi phơi nhiễm và gồm có:
- Sốt
- Phát ban
- Sưng hạch bạch huyết
- Đau khớp
Các yếu tố nguy cơ
Cả hai loại virus đều lây truyền qua sự tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh. Virus có thể xâm nhập vào cơ thể qua bất kỳ lỗ hoặc vết thương hở nào.
Các yếu tố nguy cơ nhiễm HPV
Một người có thể bị nhiễm HPV khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, đường hậu môn hoặc đường miệng nếu không sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su hoặc kể cả khi chỉ tiếp xúc da.
Nguyên nhân là do HPV xâm nhập vào các tế bào nằm ở bề mặt của da, chẳng hạn như bàn tay và bàn chân hoặc niêm mạc ở miệng và bộ phận sinh dục. Bất cứ bộ phận nào tiếp xúc với HPV thì đều có thể bị nhiễm virus.
Các yếu tố nguy cơ nhiễm HIV
HIV có thể lây truyền qua nhiều con đường khác nhau, bao gồm đường máu, đường cho con bú và qua sự trao đổi chất dịch cơ thể khi quan hệ tình dục.
Có thể bị nhiễm HIV kể cả khi quan hệ tình dục không thâm nhập. Chỉ cần tiếp xúc với dịch tiết âm đạo hoặc dương vật của người bị HIV là cũng đủ để bị nhiễm loại virus này. Nguy cơ nhiễm HIV khi quan hệ tình dục thâm nhập qua đường âm đạo, đường miệng và hậu môn sẽ càng cao hơn nữa.
Dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy cũng là một con đường lây truyền HIV.
Mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác cũng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HIV và những người nhiễm HIV sẽ dễ bị nhiễm HPV hơn.
HPV và HIV được chẩn đoán bằng cách nào?
Bác sĩ có thể chẩn đoán nhiễm HPV bằng cách quan sát các mụn cóc nếu có. Tuy nhiên, để chẩn đoán nhiễm HIV thì cần xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước bọt.
Chẩn đoán HPV
Ở một số người, có thể phát hiện nhiễm HPV nhờ sự xuất hiện mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, nhiều người lại chỉ biết mình bị nhiễm HPV khi gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư.
Nếu có mụn cóc thì bác sĩ sẽ chẩn đoán HPV bằng cách kiểm tra trực quan các tổn thương này. Nếu không nhìn thấy mụn cóc thì dùng dung dịch giấm (axit axetic) để biến những vùng mô bất thường thành màu trắng và từ đó xác định được mụn cóc.
HPV có thể khiến các tế bào cổ tử cung biến đổi và điều này có thể được phát hiện bằng phương pháp xét nghiệm Pap smear. Một số chủng HPV cũng có thể được xác định bằng phương pháp xét nghiệm DNA trên các tế bào cổ tử cung.
Chẩn đoán HIV
HIV thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước bọt nhưng những phương pháp xét nghiệm này có thể dẫn đến kết quả âm tính giả nếu được thực hiện quá sớm. Có thể phải sau 12 tuần thì cơ thể mới tạo ra các kháng thể chống lại HIV. Âm tính giả có nghĩa là kết quả xét nghiệm âm tính dù đã bị nhiễm bệnh.
Hiện nay có phương pháp xét nghiệm mới có khả năng phát hiện HIV sớm hơn bằng cách kiểm tra một loại protein được sản sinh ra chỉ sau một thời gian ngắn kể từ khi bị nhiễm virus.
Ngoài ra còn có bộ dụng cụ xét nghiệm HIV tại nhà được thực hiện trên mẫu dịch lấy từ nướu răng. Nếu kết quả âm tính thì cần đợi và làm xét nghiệm lại sau 3 tháng. Nếu kết quả dương tính thì cần đến bệnh viện để làm xét nghiệm máu xác nhận. Càng chẩn đoán sớm thì việc điều trị càng có thể được bắt đầu sớm. Xét nghiệm số lượng tế bào CD4, tải lượng vi-rút và xét nghiệm kháng thuốc là những công cụ giúp xác định giai đoạn bệnh và từ đó đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất.
HPV và HIV được điều trị bằng cách nào?
Không phải lúc nào HPV cũng cần điều trị. Tuy nhiên, khi bị nhiễm HIV thì sẽ cần dùng thuốc để ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Các lựa chọn điều trị khi nhiễm HPV
Hiện chưa có phương pháp nào có thể tiêu diệt HPV nhưng trong nhiều trường hợp, virus sẽ biến mất do bị hệ miễn dịch loại bỏ.
Tuy nhiên, có nhiều biện pháp để xử lý mụn cóc sinh dục, điều trị ung thư và các vấn đề khác do HPV gây ra.
Tìm hiểu thêm về các lựa chọn điều trị này
Các lựa chọn điều trị khi nhiễm HIV
Nhiễm HIV tiến triển qua ba giai đoạn:
- Giai đoạn cấp tính
- Giai đoạn mãn tính
- Giai đoạn cuối (AIDS)
HIV giai đoạn cấp tính thường có những biểu hiện giống cúm, ví dụ như sốt, mệt mỏi, đau đầu, sưng hạch bạch huyết, đau nhức cơ,…
Ở giai đoạn mãn tính, virus không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
Ở giai đoạn cuối, hệ miễn dịch của cơ thể bị tổn hại nặng và dễ bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV thì cần dùng thuốc ngay. Các loại thuốc được dùng phổ biến nhất gồm có:
- Thuốc ức chế enzyme phiên mã ngược (RTIs)
- Thuốc ức chế protease
- Thuốc ức chế virus xâm nhập
- Thuốc ức chế integrase
Đa phần bệnh nhân sẽ cần điều trị bằng cách kết hợp nhiều loại thuốc.
Mặc dù mỗi loại thuốc chống lại HIV theo một cách khác nhau nhưng đều có tác dụng ngăn cản virus xâm nhập vào tế bào hoặc ngăn virus sao chép.
Việc dùng thuốc và thực hiện các biện pháp kiểm soát thích hợp sẽ giúp ngăn HIV tiến triển sang giai đoạn sau.
Triển vọng điều trị
Hiện chưa có phương pháp nào có thể chữa trị HIV và HPV.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp thì HPV không gây ra vấn đề sức khỏe nào về lâu dài. Triển vọng điều trị sẽ phụ thuộc vào những vấn đề do HPV gây ra và giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán (đối với bệnh ung thư).
Với các phương pháp điều trị hiện tại, người nhiễm HIV có thể kiểm soát tình trạng bệnh và giảm tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện. Việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị sẽ giúp kéo dài tuổi thọ người bệnh một cách đáng kể.
Ngăn ngừa nhiễm HPV và HIV
Cả nam và nữ đều có thể tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV.
Độ tuổi được khuyến nghị tiêm vắc-xin là 11 đến 12. Tuy nhiên, có thể tiêm vắc-xin trong độ tuổi từ 9 đến 26. Những người dưới 15 tuổi chỉ cần tiêm 2 mũi trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng. Những người từ 15 trở lên sẽ cần tiêm đủ 3 mũi.
Ngoài ra còn có một loại vắc-xin cho những người từ 27 đến 45 tuổi chưa từng tiêm vắc-xin trước đây, đó là vắc-xin Gardasil 9. Loại vắc-xin này gồm có ba mũi, được tiêm trong khoảng thời gian 6 tháng. Tuy nhiên, những người trong độ tuổi này nếu muốn tiêm vắc-xin thì cần nói chuyện với bác sĩ trước để được tư vấn xem có tiêm hay không.
Mặc dù các nghiên cứu đang được tiến hành nhưng hiện vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa HIV. Những người có nguy cơ cao bị nhiễm HIV có thể dùng các loại thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Những loại thuốc này có dạng viên uống dùng hàng ngày.
Để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV thì cần tránh dùng chung bơm kim tiêm và phải quan hệ tình dục an toàn. Sử dụng bao cao su bất cứ khi quan hệ tình dục, dù là qua đường âm đạo, đường miệng hay đường hậu môn và làm xét nghiệm sàng lọc HIV cũng như là các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác để phát hiện bệnh từ sớm và có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời.