Polyp túi mật còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến túi mật, là một tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Đây là một bệnh khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi (nhưng chủ yếu gặp ở người trưởng thành, rất hiếm gặp ở trẻ em) và không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc giữa nam và nữ.
1. Tỷ lệ mắc polyp túi mật
Tỷ lệ polyp túi mật trong cộng đồng hiện nay dao động từ 0,03% đến 9%. Nếu so với sỏi túi mật thì polyp túi mật ít gặp hơn sỏi túi mật, hay gặp ở phụ nữ độ tuổi từ 30-50. Số lượng và kích thước của polyp túi mật cũng rất đa dạng, thường gặp nhất là có một polyp trong túi mật với kích thước nhỏ hơn 10 mm.
Một số người có thể có nhiều polyp ở trong túi mật hoặc có kích thước polyp lên đến 20-40mm, hay vừa có polyp vừa có sỏi túi mật. Polyp túi mật lành tính chiếm khoảng 92% các trường hợp, gồm có hai loại: u thật như u tuyến, u cơ, u mỡ...; u giả như u cholesterol, u cơ tuyến, viêm giả u... Polyp túi mật ác tính chiếm khoảng 8%, gồm có ung thư tuyến, u sắc tố, di căn ung thư...
2. Đối tượng nguy cơ bệnh Polyp túi mật
Cũng như nguyên nhân hình thành, yếu tố nguy cơ dẫn đến polyp túi mật cũng chưa được tìm ra rõ ràng và cụ thể. Các yếu tố nguy cơ của bệnh có thể là:
- Độ tuổi trên 60
- Bệnh nhân có chức năng gan mật kém
- Bệnh nhân có nồng độ đường máu, nồng độ mỡ máu cao.
- Bệnh nhân béo phì.
- Bệnh nhân nhiễm virus viêm gan
- Bệnh nhân có thói quen ăn uống nhiều chất béo, làm tăng thêm lượng cholesterol trong cơ thể.
- Bệnh nhân đã bị sỏi mật
- Bệnh nhân mắc phải viêm đường mật nguyên phát
- Các yếu tố nguy cơ polyp: kích thích lớn hơn 6mm, duy nhất và không có cuống.
3. Điều trị polyp túi mật hiệu quả
Túi mật là một cấu thành của hệ thống đường dẫn mật, có vai trò tham gia điều hòa bài tiết mật và tiêu hóa thức ăn, do vậy không thể tùy tiện tiến hành cắt bỏ khi chưa có chỉ định. 92% polyp túi mật có bản chất lành tính (không ung thư), do vậy người bệnh không cần đến sự can thiệp điều trị cắt bỏ túi mật.
- Với polyp nhỏ dưới 1cm có thể chỉ cần theo dõi thường xuyên mỗi 3-6 tháng mà không cần phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
- Polyp lớn hơn 1cm có khả năng tiến triển thành ung thư, đặc biệt là những polyp lớn hơn 1,5cm, do đó, cắt bỏ túi mật có thể được đề nghị để ngăn chặn sự phát triển ung thư túi mật.
Theo các nghiên cứu trong và ngoài nước thì polyp túi mật nếu xác định trên siêu âm có kích thước nhỏ hơn 10mm hầu hết lành tính. Ngoài ra những hình ảnh gợi ý tính chất ác tính khi thấy polyp có chân lan rộng, hình không đều đặn, phát triển nhanh. Khi đó phải chỉ định can thiệp phẫu thuật ngoại khoa để cắt bỏ túi mật.
Do không thể có một thăm dò nào chẩn đoán chính xác bản chất của polyp túi mật nếu chưa có can thiệp phẫu thuật, vì vậy các bác sĩ thống nhất phác đồ điều trị đối với polyp túi mật như sau:
- Nếu nghi ngờ polyp túi mật phát hiện qua siêu âm mà bệnh nhân không có triệu chứng như đau sốt... thì nên kiểm tra lại sau 6 tháng hay 1 năm để khẳng định.
- Nếu sau thời gian đó không còn hình ảnh của polyp thì không cần phải xử trí gì thêm. Nếu trường hợp hình ảnh polyp còn rõ, cần theo dõi định kỳ bằng siêu âm 6 tháng nếu khối u lớn trên 10mm, hoặc có phát hiện các biểu hiện ác tính qua xét nghiệm máu, các thăm dò khác hoặc polyp đã có biểu hiện lâm sàng như đau sốt tái phát nên chỉ định phẫu thuật sớm.
Ngày nay, với sự phát triển của phẫu thuật nội soi, cắt túi mật nội soi là phẫu thuật ít xâm hại, ít đau và bệnh nhân hồi phục nhanh, ít biến chứng.
4. Điều trị polyp túi mật bằng mổ nội soi cắt túi mật
Chỉ định: Các trường hợp túi mật mất chức năng.
Chống chỉ định:
- Người bệnh có chống chỉ định bơm hơi ổ bụng
- Người bệnh có tiền sử tim mạch, nội khoa nặng nề
Quy trình mổ nội soi cắt túi mật:
- Người bệnh gây mê nội khí quản, nằm ngửa
- Phẫu thuật viên chính đứng bên trái người bệnh ngang mức rốn
- Vào bụng theo phương pháp kín hoặc hở theo đường rạch 1cm trên hoặc dưới rốn đặt camera, duy trì bơm áp lực CO2 (nhỏ hơn 15mm Hg).
- Đặt thêm các trocar dưới giám sát của camera đảm bảo nguyên tắc thuận lợi nhất cho phẫu thuật, (thường đặt thêm 2 trocar ở dưới mũi ức và dưới sườn phải)
- Dùng các dụng cụ không sang chấn phẫu tích bộc lộ túi mật
- Phẫu tích bộc lộ ống cổ túi mật và động mạch túi mật. Ống cổ túi mật và động mạch túi mật được xử trí bằng clip hoặc buộc chỉ
- Cắt túi mật ra khỏi giường túi mật bằng dao đốt điện đơn cực
- Đối với những trường hợp khó xác định ống cổ túi mật có thể tiến hành cắt giường túi mật trước bằng dao đơn cực rồi thắt, cắt động mạch túi mật và ống cổ túi mật sau
- Kiểm tra kỹ ống cổ túi mật, giường túi mật, ống mật chủ và động mạch túi mật
- Lau sạch ổ bụng, lấy túi mật ra ngoài bằng túi nilon
- Tháo hết khí CO2 đóng lại các lỗ trocar.