Thoát vị bẹn chiếm khoảng 75% trong số các loại thoát vị thành bụng. Ống bẹn nằm ở vùng háng. Ở nam giới, tinh hoàn thường đi qua ống bẹn xuống bìu trong thời gian ngắn trước khi sinh. Ở nữ, ống bẹn là vị trí của các dây chằng tử cung.
1. Thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn xảy ra ở vùng háng khi mỡ (mạc nối lớn) hoặc ruột chui xuống ống bẹn. Nếu bạn có thoát vị, nó tạo ra một khối phồng ở vùng háng, bìu và có thể gây đau khi cử động.
Nhiều người không tìm cách điều trị thoát vị bẹn bởi vì nó có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, điều trị kịp thời có thể giúp ngăn ngừa khối thoát vị to hơn, gây nghẹt và khó chịu.
2. Triệu chứng của thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn là loại thoát vị gây chú ý nhất bởi sự xuất hiện của nó. Thoát vị gây ra khối phồng dọc nếp bẹn (ở vùng háng), có thể tăng kích thước khi bạn đứng lên hay ho, rặn (những nguyên nhân làm tăng áp lực trong ổ bụng). Đây là loại thoát vị có thể gây đau hoặc nhạy cảm khi chạm vào.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Đau khi ho, tập thể dục, hoặc cúi xuống
- Cảm giác nóng rát
- Đau nhói
- Cảm giác nặng hoặc căng tức ở bẹn
- Sưng bìu ở nam giới
3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của thoát vị bẹn là gì?
Không có nguyên nhân gây bệnh nhưng những điểm yếu ở các cơ bụng và háng được cho là có vai trò lớn trong sự hình thành thoát vị. Cùng với áp lực cao ở vùng này của cơ thể cuối cùng có thể gây thoát vị. Một số yếu tố gây bệnh chính bao gồm:
- Những yếu tố nguy cơ có thể tăng cơ hội mắc bệnh thoát vị bẹn bao gồm: Di truyền; Tiền sử bị thoát vị; Nam giới; Sinh non; Thừa cân hoặc béo phì...
- Những yếu tố làm tăng áp lực trong ổ bụng: Mang thai, thường xuyên đứng trong thời gian dài, táo bón thường xuyên, rặn khi đi cầu hoặc đi tiểu, nâng vật nặng nặng, ho mãn tính hoặc hắt hơi
- Một điểm yếu tồn tại trước đó ở thành bụng
- Một sự kết hợp của tăng áp lực trong ổ bụng và một điểm yếu tồn tại trước đó ở thành bụng
- Dịch ổ bụng (cổ trướng)
4. Biến chứng của bệnh là gì?
Hầu hết thoát vị bẹn to dần theo thời gian nếu không được phẫu thuật. Khối thoát vị to chèn ép lên các mô xung quanh. Ở nam giới, thoát vị to có thể xuống tới bìu, gây đau và sưng.
Thoát vị bẹn cũng có thể bị kẹt hoặc nghẹt. Thoát vị kẹt xảy ra khi tạng thoát vị bị mắc kẹt ở vùng háng, bìu không thể chui trở lại vào ổ bụng. Thoát vị bẹn nghẹt nghiêm trọng hơn do tạng thoát vị bị siết chặt không trở vào được mà mạch máu nuôi tạng cũng bị chèn ép, khiến tạng thoát vị có thể hoại tử. Thoát vị bẹn nghẹt là một cấp cứu ngoại khoa vì nó đe dọa tính mạng.
5. Có bao nhiêu loại thoát vị bẹn?
Thoát vị bẹn có thể là gián tiếp hoặc trực tiếp. Thoát vị bẹn gián tiếp là loại phổ biến nhất. Nó thường xảy ra ở trẻ sinh non, trước khi ống bẹn có thể phát triển đầy đủ. Tuy nhiên, thoát vị có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống của bạn.
Thoát vị bẹn trực tiếp thường xảy ra ở người lớn, có lẽ là do cơ thành bụng suy yếu ở tuổi trưởng thành. Loại thoát vị này chủ yếu gặp ở nam giới.
6. Chẩn đoán thoát vị bẹn bằng cách nào?
Chẩn đoán chủ yếu dựa vào khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đứng hoặc ho khi đứng để kiểm tra khối thoát vị khi nó lớn nhất. Bác sĩ có thể dễ dàng đẩy những tạng thoát vị trở lại ổ bụng của bạn khi bạn đang nằm. Tuy nhiên, nếu không đẩy tạng thoát vị vào được, bạn có thể bị thoát vị bẹn kẹt hay nghẹt.
7. Điều trị thoát vị bẹn như thế nào?
Phẫu thuật là cách điều trị thoát vị bẹn chính. Đó là một phẫu thuật rất phổ biến và tỉ lệ thành công cao khi được thực hiện bởi một bác sĩ phẫu thuật được đào tạo tốt. Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên sửa chữa thành bẹn bằng mổ mở hay mổ nội soi.
8. Cách phòng ngừa và tiên lượng của thoát vị bẹn là gì?
Mặc dù bạn không thể ngăn ngừa các khuyết tật bẩm sinh nhưng có thể làm giảm diễn tiến của khối thoát vị bằng cách:
- Duy trì cân nặng phù hợp
- Chế độ ăn uống nhiều chất xơ
- Không hút thuốc
- Tránh nâng vật nặng
Điều trị sớm có thể giúp chữa khỏi thoát vị bẹn. Tuy nhiên, luôn có nguy cơ tái phát và biến chứng như nhiễm trùng sau phẫu thuật, sẹo.