Điều trị tích cực đột quỵ não - bệnh viện 103

3 năm trước 27

1. Đại cương

1.1. Định nghĩa đột qụy não theo Tổ chức Y tế Thế giới năm 1989

Đột qụy não là tình trạng mất đột ngột hoặc cấp tính các chức năng của não, tồn tại trên 24 giờ hoặc dẫn tới tử vong trước 24 giờ, các triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với sự cấp máu và nuôi dưỡng của động mạch não, loại trừ yếu tố chấn thương sọ não.

1.2. Nguyên nhân

1.2.1.  Nguyên nhân chảy máu não

  • Do tăng huyết áp
  • Do vỡ túi phình động mạch não
  • Do dị dạng động – tĩnh mạch
  • Rối loạn đông cầm máu
  • Chảy máu trong ổ nhồi máu não
  • Chảy máu không xác định rõ nguyên nhân

1.2.2.  Nguyên nhân nhồi máu não

  • Huyết khối (thrombosis)
  • Tắc mạch (embolism)
  • Co thắt mạch (vasoconstriction)

1.3. Phân loại lâm sàng đột qụy não

1.3.1.  Đột qụy chảy máu não

  • Chảy máu trong nhu mô não
  • Chảy máu não – tràn máu não thất
  • Chảy máu não thất nguyên phát
  • Chảy máu dưới màng nhện
  • Chảy máu não sau nhồi máu não

1.3.2. Đột qụy nhồi máu não

  • Huyết khối
  • Nhồi máu ổ khuyết
  • Tắc mạch não. (cục tắc từ tim hoặc từ mạch đến mạch)

2. Lâm sàng

Các triệu chứng lâm sàng tùy thuộc vào vị trí tổn thương ở bán cầu đại não, tiểu não, hay thân não.

Đặc điểm lâm sàng chung của đột qụy não là:

Tiền sử: tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, đái tháo đường, hẹp van 2 lá, loạn nhịp hoàn toàn, lạnh đột ngột, căng thẳng tâm lý, sau uống rượu bia…

Tiền triệu: mệt mỏi, choáng váng, hay đau đầu âm ỉ.

Khởi phát:

  • Đột ngột đối với chảy máu não, tắc mạch não và chảy máu dưới nhện
  • Cấp tính tăng dần từng nấc đối với huyết khối động mạch não

Triệu chứng báo hiệu đột qụy:

  • Đột ngột đau đầu, chóng mặt
  • Nôn hoặc buồn nôn
  • Có thể rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau: lú lẫn, ngủ gà, hôn mê
  • Rối loạn ngôn ngữ: khó khăn trong nói, đọc, viết và tính toán
  • Rối loạn thị lực: nhìn mờ hoặc mất thị lực một mắt
  • Liệt dây thần kinh số VII (méo miệng), lác mắt, sụp mi (tổn thương dây III, VI, VII…)
  • Liệt một chân, một tay hay liệt nửa người
  • Rối loạn cảm giác tay chân hoặc nửa người
  • Rối loạn cơ vòng: tiểu tiện không tự chủ hay bí tiểu tiện
  • Hội chứng màng não: khi có máu vào hệ thống não thất

3. Cận lâm sàng

– Xét nghiệm dịch não – tủy:

  • Chảy máu não – não thất, chảy máu dưới nhện: dịch não – tủy có máu đỏ đều không đông cả 3 ống nghiệm
  • Nhồi máu não: các chỉ tiêu về cảm quan, sinh hóa, huyết học trong giới hạn bình thường

– Chụp cắt lớp vi tính sọ não:

  • Đây là xét nghiệm cần thiết đầu tay để chẩn đoán phân biệt giữa đột qụy chảy máu não và đột qụy nhồi máu não
  • Chảy máu não: hình ảnh tăng tỷ trọng trong tổ chức não hoặc não thất và khoang dưới nhện
  • Nhồi máu não: hình ảnh ổ giảm tỷ trọng có hình tam giác, hình thang đáy quay ra ngoài hoặc hình bầu dục, hình dấu phẩy. Trong những giờ đầu có thể có 5 dấu hiệu sớm như mờ nhân đậu, mất dải đảo, mờ rãnh cuộn não, tăng đậm động mạch bị tắc, giảm tỷ trọng quá 1/3 phân vùng của động mạch não giữa
  • Chụp cộng hưởng từ, cộng hưởng từ mạch: xác định nhồi máu não giai đoạn sớm và các phình mạch, dị dạng mạch
  • Chụp mạch máu não cho thấy rõ các dị dạng mạch máu não như phình mạch, tắc, hẹp động mạch não

4. Chẩn đoán

Chẩn đoán lâm sàng đột qụy não dựa vào định nghĩa đột qụy não của WHO đã nêu ở trên.

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng của từng thể đột qụy não

Chẩn đoán thể đột qụy não:

  • Ngoài các triệu chứng lâm sàng của từng thể đột qụy não, có thể áp dụng thang điểm chẩn đoán đột qụy não của Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Minh Hiện và Phạm Thị Thanh Hòa (2006) (Clinical Stroke Scale – CSS)
  • Cần chú ý chẩn đoán quyết định đột qụy não vẫn phải dựa vào các triệu chứng  lâm sàng kết hợp với cận lâm sàng (dịch não – tủy, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp mạch máu não)

5. Các phương pháp điều trị đột qụy não

Điều trị đột qụy não phải tuân theo các nguyên tắc điều trị sau:

  • Hồi sức cấp cứu theo quy trình ABC
  • Chống phù não tích cực
  • Điều trị đặc hiệu theo thể (chảy máu não hay nhồi máu não)
  • Điều trị triệu chứng: chống co giật, điều chỉnh đường huyết, hạ thân nhiệt xuống dưới 370C…
  • Điều chỉnh nước – điện giải và thăng bằng kiềm – toan
  • Phòng chống bội nhiễm phổi và đường niệu
  • Dinh dưỡng: đảm bảo đủ calo cho bệnh nhân hàng ngày
  • Phục hồi chức năng, chống loét, chống teo cơ, cứng khớp…
  • Điều trị phẫu thuật, điều trị phục hồi nhu mô não bằng tế bào gốc

Đây là tổng hợp các biện pháp đáp ứng mục tiêu điều trị nhằm vào các quá trình: bảo vệ tế bào thần kinh, dinh dưỡng tế bào thần kinh, tăng cường tính mềm dẻo của tế bào thần kinh và tính tái sinh của tế bào thần kinh sau khi bị tổn thương do đột qụy não gây ra đang được các nhà thần kinh Thế giới quan tâm nghiên cứu.

Nguồn: Bệnh viện 103

Đọc toàn bộ bài viết