Đại cương
- Tỷ lệ: 1-2 % trong tổng số các loại ung thư.
- Tần xuất: 3/100.000 dân/ năm, nữ >nam: 1/ 2,5
Phân loại giải phẫu bệnh lý
Chia làm 2 thể chính đó là K tuyến thể biệt hoá và thể không biệt hoá.
Ung thư tuyến giáp thể biệt hoá
Hay gặp ở người trẻ tuổi, phát triển chậm, ít di căn xa.
– Ung thư biểu mô tuyến thể nhú (palpillary carcinoma): Chiếm 70 – 80%, thông thường ung thư tuyến giáp thể nhú là nhiều ổ (maltifocal) hay di căn vùng hạch lân cận (hạch cổ, ít di căn xa), tiến triển chậm. Nữ gặp nhiều hơn nam 2 -3 lần. Theo Woolner tần xuất sống thêm 10 năm, tỷ lệ tử vong là 1% , trên 40 năm tỷ lệ tử vong là 3%. Đặc biệt ung thư tuýen giáp thể nhú có di căn thì thời gian sống thêm vẫn dài, nhưng nếu có di căn vào não, phổi thì tỷ lệ tử vong tăng cao. Những bệnh nhân tuổi trên 40 tiên lượng tốt hơn .
– Ung thư biểu mô tuyến thể nang (follicular carcinoma): Chiếm 10 – 20 %, ung thư thể nang đơn thuần có tiên lượng xấu hơn ung thư thể nhú, hay di căn xa xương, phổi, thận não…vv, và tỷ kệ tử vong cao hơn. Ung thư thể nhú có xu hướng xâm nhập rất mạnh vào thành mạch. Tần xuất sống trên 10 năm theo Woolner chỉ 34% ở những bệnh nhân ung thư thể nang có xâm lấn. Nếu không có xâm lấn tần xuất sông thêm là 97%. Cũng như ung thư thể nang, những bệnh nhân tuổi trên 40 tiên lượng tốt hơn.
Ung thư tuyến giáp loại không biệt hoá
- Loại tế khổng lồ (giant cell): Là thể ác tính nhất, trên 50% bệnh nhân được chẩn đoán chết trong vòng 6 tháng.
- Tế bào nhỏ (small cell). Hay gặp ở người cao tuổi, tiến triển bệnh nhanh và thường có di căn xa, tỷ lệ sống trên 5 năm là rất thấp.
- Thể tuỷ (medullary carcinoma): Là loại ung thư tuyến giáp hiếm gặp chiếm tỷ lệ 5 -10 %, bệnh mang tính chất gia đình có những người bị tân sinh đa nội tiết (multiple endocrine neoplasia – MEN) phát sinh từ tế bào cận nang tuyến tiết ra calcitonin, và các chất peptit khác. Việc định lượng calcitonin là có lợi cho chẩn đoán và tiên lượng, theo dõi kết quả điều trị. Mặc dù bệnh tiến triển chậm nhưng thời gian sống thêm 5 năm chỉ chiếm 5 %
Thể hỗn hợp:
Chiếm khoảng 5 %, hay gặp là:
- Thể nhú + thể nang
- Thể nhú + thể tuỷ
- Thể nang + thể tuỷ
Nguyên lý
Các tế bào biểu mô tuyến giáp biệt hoá mới có khả năng bắt giữ iod
Mục đích:
- Huỷ tổ chức tuyến giáp còn sót lại sau phẫu thuật.
- Diệt ổ UTTG di căn xa.
Ý nghĩa:
- Chống tái phát tại chỗ: UTTG thường nhiều ổ và có cả ở hai thuỳ tuyến
- Điều trị triệt căn UTTG: Huỷ mô giáp còn lại sau PT và diệt các ổ di căn
- Phát hiện sớm UTTG tái phát và/hoặc di căn UTTG: Xét nghiệm Tg
Kỹ thuật
- Bệnh nhân được chẩn đoán xác định ung thư giáp bằng giải phẫu bệnh lý thể nhú hoặc thể nang, thể hỗn hợp nhú + nang.
- Thời gian: Tiến hành cho điều trị bằng Na131I sau phẫu thuật 6 tuần (mục đích để kích thích tuyến yên tiết TSH làm cho tuyến giáp tăng hấp thu 131I).
- Hạn chế việc sử dụng muối iốt hoặc các chế phẩm có iốt (T3, T4) trước khi điều trị bằng Na131I (mục đích nhằm tăng cường mức hấp thu iốt của tổ chức tuyến giáp và tổ chức ung thư giáp còn sót lại sau phẫu thuật).
- Thuốc chống nôn, giảm đau, an thần trước khi cho uống thuốc Na131I.
- Tiêm hormone TSH để cho nồng độ TSH huyết thanh máu đạt 30 mIU/ml.
Xác định liều lượng I-131
- Huỷ mô tuyến giáp còn lại sau phẫu thuật, không có di căn: 50 – 100 mCi.
- Có di căn phổi: Liều < 100mCi để tránh xơ hoá phổi.
- Có di căn xa: Liều dùng 150 – 250 mCi (lưu ý trường hợp có di căn vào não không điều trị bằng 131I để tránh phù não do bức xạ ion)
Tiến hành ghi xạ hình toàn thân:
Sau 3 hoặc 7 ngày nhận liều điều trị để tìm ổ di căn xa không thấy được trước khi điều trị (chụp xạ hình toàn thân liều nhỏ có thể không cho ta thấy được tổ chức ung thư di căn)
Định kỳ 6 tháng kiểm tra 1 lần:
Khám lâm sàng và làm các xét nghiệm để theo dõi sau điều trị (đặc biệt là định lượng hormone Thyroglogulin (Tg 7,3 ± 3,6 ng/ml) nếu thấy nống độ Tg tăng thì chụp xạ hình toàn thân bằng Na131I cố gắng tìm thật kỹ để thấy ổ di căn, tránh bỏ sót di căn ung thư giáp.
Biến chứng
Biến chứng sớm
- Viên tuyến giáp cấp: 20 % phải điều trị bằng chống viêm, giảm đau steroid
- Viêm tuyến nước bọt mang tai 12 % ( 24 -48 giờ đầu), biến chứng này hay gặp khi điều trị với liều 150 – 200 mCi không cần điều trị gì. Để phòng tránh biến chứng này, cho bệnh nhân nhai kẹo cao su để kích thích tiết nước bọt. Biến chứng này xảy ra trong thời gian ngắn nhưng vị giác có thể thay đổi lâu dài.
- Viêm dạ dầy, thực quản: Phòng chống bằng cách cho bệnh nhân uống nhiều nước, ăn nhẹ trước khi uống Na131I.
- Đặc biệt là biến chứng phù não và tắc đường hô hấp (do phù nề) khi bệnh nhân có di căn não và phổi.
Biến chứng muộn
- Gây suy tuỷ xương, bệnh bạch cầu.
- Xơ phổi: Khi bệnh nhân có di căn phổi rải rác.
- Viêm bàng quang: Phòng tránh bằng cách cho bệnh nhân uống nhiều nước trước và sau điều trị bằng 131I.
- 70 % nam giới bị giảm tinh trùng hoặc không có tinh trùng trong vòng 3 – 4 năm, sau đó phục hồi
- Phẫu thuật triệt để tuyến giáp càng nhiều càng tốt, nhưng đảm bảo được tuyến cận giáp, sau đó điều trị bằng 131I và theo dõi nhiều năm. Với liều lượng 131I có thể 70- 100 mCi (2700 – 3700 MBq), có thể dùng lại lần II, sau 3 tháng một lần.
- Giữa các đợt điều trị dùng T3 liều 60 – 120 mg / ngày, ngừng thuốc 3 tuần trước khi vào điều trị lần II.
- Tổng liều điều trị 131I là 270 – 540 mCi (10.000 – 20.000MBq) kéo dài từ 6 tháng đến 5 năm chia làm 5 đợt hoặc tối thiểu 2 đợt.
Các chỉ tiêu để ngừng điều trị bằng 131I
- Dấu hiệu lâm sàng tốt: Xuất hiện triệu chứng nhược giáp
- Xét nghiệm T3, T4 giảm, TSH tăng cao, Tg bình thường
- Dấu hiệu X quang và xạ hình toàn thân bằng 131I tốt: Không thấy có ổ di căn
- Tăng thải 131I qua nước tiểu (90%).
Nguồn: Bệnh viện 103