Mụn có Plantar hay mụn cóc ở lòng bàn chân rất phổ biến và có thể điều trị được bằng nhiều biện pháp khác nhau. Những trường hợp nhẹ có thể tự xử lý nhưng nếu nặng thì cần đi khám để bác sĩ điều trị.
Mụn cóc Plantar là gì?
Mụn cóc Plantar hay còn gọi là là mụn cóc verrucae, là loại mụn cóc phổ biến hình thành ở lòng bàn chân. Mụn cóc Plantar là do virus u nhú ở người (HPV) gây ra, cụ thể là các chủng 1, 2, 4, 60 và 63. Các chủng virus này tấn công vùng da dưới lòng bàn chân.
HPV phát triển mạnh ở những nơi ẩm ướt, chẳng hạn như sàn phòng thay đồ và xung quanh hồ bơi. Những vũng nước nhỏ trên bề mặt sàn quanh hồ bơi là nơi sinh sôi lý tưởng của HPV.
Virus này lây truyền qua sự tiếp xúc trực tiếp và nguy cơ lây nhiễm sẽ càng cao hơn khi có vết thương hở trên da.
Các đặc điểm của mụn cóc Plantar
Mụn cóc Plantar mọc vào bên trong da thay vì hướng ra bên ngoài giống như hầu hết các loại mụn cóc khác. Khi loại mụn cóc này hình thành, chúng sẽ tạo thành vết lõm trên da vơi với vùng da cứng bao xung quanh giống như vết chai, có màu trắng hoặc vàng, đôi khi còn có đốm đen ở giữa.
Mụn cóc Plantar có thể vô cùng đau đớn. Một trong những dấu hiệu đầu tiên là đau hoặc cộm vướng ở bàn chân khi đi lại.
Chẩn đoán bằng cách nào?
Nếu nghi ngờ mình bị mụn cóc Plantar thì nên đi khám bác sĩ da liễu để kiểm tra. Rất khó có thể biết được mụn đã ăn sâu vào bên trong da bao nhiêu.
Nếu như bị đau đớn hoặc mụn cóc lan sang các vị trí khác thì cần phải đi khám ngay.
Bác sĩ sẽ xác định đúng vấn đề và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp nhất dựa trên mức độ hình thành mụn cóc. Ví dụ, nếu mụn cóc tái phát thì sẽ cần điều trị bằng cách kết hợp các phương pháp lại với nhau.
Cách điều trị mụn cóc Plantar
Trong nhiều trường hợp, mụn cóc ở lòng bàn chân sẽ tự tiêu biến nhưng cũng có những trường hợp cần phải điều trị. Có nhiều cách để xử lý mụn cóc Plantar, có thể thực hiện tại bệnh viện hoặc tại nhà. Các phương pháp điều trị phổ biến gồm có:
- Kem bôi axit salicylic. Axit salicylic làm bong dần dần các lớp mô của mụn cóc
- Đông lạnh mụn cóc bằng nitơ lỏng (liệu pháp áp lạnh)
- Đốt điện và cạo bỏ mụn cóc
- Bôi hóa chất trực tiếp lên mụn cóc
- Đốt bằng laser để phá hủy các mạch máu nuôi mụn cóc
- Các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như dùng tinh dầu
Kem axit salicylic và áp lạnh mụn cóc là những phương pháp điều trị phổ biến nhất. Cả hai đều cần thực hiện nhiều lần trong thời gian một vài tuần để loại bỏ mụn cóc hoàn toàn.
Axit salicylic có các mức nồng độ khác nhau. Loại nồng độ thấp có thể tự mua tại các hiệu thuốc và loại nồng độ cao cần dùng theo đơn của bác sĩ. Cần làm theo đúng hướng dẫn đi kèm và sử dụng thuốc trong ít nhất 12 tuần để có hiệu quả.
Một nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của axit salicylic nồng độ thấp và axit salicylic nồng độ cao thì kết quả cho thấy rằng hai loại cho hiệu quả điều trị mụn cóc tương đương nhau.
Nếu mụn cóc ăn sâu vào trong hoặc tái phát thì cần đi khám. Bác sĩ sẽ kết hợp các phương pháp điều trị với nhau, chẳng hạn như liệu pháp áp lạnh với axit salicylic.
Một số bằng chứng cho thấy rằng các biện pháp tự nhiên, chẳng hạn như sử dụng tỏi hay giấm cũng giúp điều trị mụn cóc. Có thể thử đắp tỏi tươi đập dập trực tiếp lên mụn cóc và dùng băng keo dán lên hoặc thấm dung dịch giấm vào bông rồi đắp lên nốt mụn.
Tuy nhiên, việc sử dụng tỏi có thể gây bỏng, đặc biệt là ở trẻ em nên cần hết sức cẩn thận.
Bao lâu thì khỏi?
Hầu hết các phương pháp điều trị mụn cóc Plantar đều phải sau ít nhất vài tuần thì mới bắt đầu cho hiệu quả. Khi điều trị mụn cóc thì điều quan trọng nhất là phải kiên trì.
Mụn cóc Plantar là một trong những loại mụn cóc khó xử lý và thường dễ hình thành trở lại nên cần phải tuân thủ quá trình điều trị một cách cẩn thận.
Liệu pháp áp lạnh thường cần thực hiện từ 2 đến 3 lần còn phương pháp đốt bằng laser có thể cho hiệu quả sau từ 1 – 3 buổi điều trị.
Sau khi cắt mụn cóc thì phải tránh đứng hay đi lại trong khoảng một ngày và băng kín vùng mới điều trị để không bị nhiễm trùng.
Cách ngăn ngừa mụn cóc
Để ngăn ngừa mụn cóc thì cần:
- Không đi chân trần ở những nơi công cộng, chẳng hạn như hồ bơi, phòng thay đồ hay ký túc xá.
- Tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV. Loại vắc-xin này giúp ngăn ngừa mụn cóc sinh dục và một số bệnh ung thư do HPV như ung thư cổ tử cung
- Nếu có mụn cóc thì phải che lại và rửa tay sau mỗi lần chạm vào mụn cóc
- Rửa tay thường xuyên
- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn lau với người khác