Đo mật độ xương phát hiện kịp thời tình trạng loãng xương

2 năm trước 27

Loãng xương là bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi, bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sớm. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp kiểm soát, hạn chế gãy xương gây thương tật cho người cao tuổi.

1. Đo mật độ xương là gì?

Đo mật độ xương bằng kỹ thuật DEXA hay DXA là phương pháp dùng để đo mật độ xương, không xâm lấn, đơn giản và nhanh chóng. Kỹ thuật này là sử dụng một nguồn tia X kép có năng lượng thấp đi qua một vùng xương cần đo mật độ xương( thường là cột sống hay cổ xương đùi), do tia X bị hấp thụ khi đi qua xương, nên mô xương nào có đậm độ càng cao thì tia X đi xuyên qua mô nó càng thấp, nếu mật độ xương thấp thì tỷ lệ tia X xuyên qua cao. Kỹ thuật đo mật độ xương giúp nhận định được mô xương nào có độ khoáng thấp, đánh giá tính trạng loãng xương và nguy cơ gãy xương.

Chỉ định đo mật độ xương:

Phụ nữ trên 50 tuổi và nam giới trên 60 tuổi dù có hay không các yếu tố nguy cơ gây loãng xương cũng cần thực hiện đo mật độ xương, cách này giúp đánh giá sớm kịp thời tình trạng loãng xương ngay khi chưa có bất kỳ triệu chứng nào.

Người có các yếu tố nguy cơ loãng xương sau:

  • Phụ nữ tiền mãn kinh, sau mãn kinh không dùng liệu pháp hormon.
  • Tiền sử bị gãy xương, đau lưng mạn tính
  • Tiền sử gia đình bị gãy xương vùng chậu
  • Có bệnh lý nội khoa như: Bệnh lý tuyến giáp, tuyến cận giáp, bệnh gan, thận, đái tháo đường tuýp 1, viêm khớp dạng thấp...
  • Giảm chiều cao cột sống do xẹp cột sống, gãy cột sống
  • Điều trị các bệnh lý sử dụng corticoid từ 3 tháng trở lên
  • Biến dạng cột sống: Gù, vẹo cột sống
  • Người gầy, có chỉ số BMI thấp hơn 19,

Kỹ thuật đo mật độ xương tương đối an toàn, nhưng do tác dụng không tốt của tia X lên một số đối tượng và một số trường hợp làm ảnh hưởng tới khả năng xuyên qua mô của tia X nên chống chỉ định đo mật độ xương trong các trường hợp:

  • Phụ nữ có thai
  • Dùng thuốc cản quang đường uống hay tiêm tĩnh mạch trong vòng 2 tuần trước đó
  • Vị trí cần đo có kim loại

2. Phát hiện sớm loãng xương bằng phương pháp đo mật độ xương

Đo mật độ xương phát hiện kịp thời tình trạng loãng xương

Phương pháp đo mật độ xương giúp bệnh nhân phát hiện sớm tình trạng loãng xương

Loãng xương liên quan đến việc giảm dần chất khoáng trong xương khiến xương trở nên mỏng hơn, yếu hơn và tăng nguy cơ gãy xương. Bệnh loãng xương thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng gì đặc biệt, cho nên rất khó phát hiện bằng các triệu chứng lâm sàng. Bệnh thường được chẩn đoán khi bệnh đã nặng hoặc xảy ra biến chứng gãy xương. Việc điều trị lúc này chủ yếu là điều trị chứng, phòng ngừa bệnh nặng thêm và điều trị hậu quả do bệnh loãng xương gây ra.

Do vậy, việc phát hiện sớm tình trạng loãng xương và dự phòng loãng xương ở những bệnh nhân có nguy cơ cao là điều hết sức quan trọng.

Những người bệnh có nguy cơ bị loãng xương nên được kiểm tra sớm, từ đó có phương pháp dự phòng thích hợp điều trị, hạn chế sự tiến triển và ngăn ngừa biến chứng do loãng xương gây ra.

Đo mật độ xương là phương pháp đơn giản, nhanh gọn, không xâm lấn và hiệu quả cao trong chẩn đoán phát hiện sớm tình trạng loãng xương, đánh giá nguy cơ gãy xương và theo dõi việc đáp ứng điều trị loãng xương.

Những lợi ích của phương pháp đo mật độ loãng xương:

  • Đo mật độ xương đơn giản, nhanh chóng và không xâm lấn.
  • Không cần gây mê.
  • Độ chính xác cao.
  • Lượng phóng xạ (tia X) được sử dụng ít hơn một ngày tiếp xúc với bức xạ tự nhiên.
  • Hiện tại là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán loãng xương, nguy cơ gãy xương và theo dõi đáp ứng điều trị.

3. Các bước tiến hành đo mật độ xương

Đo mật độ xương phát hiện kịp thời tình trạng loãng xương

Quy trình đo mật độ xương thường diễn ra nhanh chóng khoảng 10 đến 30 phút

3.1 Chuẩn bị

  • Đánh giá toàn trạng người bệnh, hỏi các thông tin loại các trường hợp không được đo mật độ xương
  • Tháo những vật bằng kim loại ra khỏi cơ thể (ví dụ như: Thắt lưng, chìa khóa, điện thoại di động ...)

3.2 Tiến hành đo mật độ xương

Quy trình đo mật độ xương thường diễn ra nhanh chóng khoảng 10 đến 30 phút

  • Bệnh nhân nằm lên giường đo theo các tư thế tùy theo vị trí đo
  • Trong suốt quá trình đo, bệnh nhân cần phải giữ nguyên tư thế cơ thể, có thể được yêu cầu nín thở trong vài giây giảm khả năng hình ảnh bị mờ để có kết quả chính xác nhất.
  • Sau khi đo người bệnh được trả và đọc kết quả

Việc xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện ngay từ khi có biểu hiện sẽ giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương và các biến chứng do loãng xương gây ra. Để phát hiện sớm được tình trạng đó cách tốt nhất hiện nay là tiến hành đo mật độ xương khi có yếu tố nguy cơ bị loãng xương.

Đọc toàn bộ bài viết