Đột quỵ não (Tai biến mạch máu não) là một bệnh lý rất nguy hiểm: là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh lý tim mạch và ung thư; tỷ lệ và mức độ di chứng nặng nề nhất trong các bệnh lý nội khoa; chi phí điều trị rất tốn kém; thời gian điều trị dai dẳng.
Loạt bài “Bệnh đột quỵ não” nhằm cung cấp những kiến thức thiết yếu về dự phòng và xử trí sớm đột quỵ não sẽ giúp giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và hạn chế tác hại của bệnh lý đột quỵ cho cộng đồng.
1. Một số đặc điểm của bộ não
Bộ não là cơ quan có chức năng điều khiển hoạt động chức năng hầu hết cơ quan trong cơ thể. Não người trưởng thành nặng 1,3-2,4kg. Bộ não có khoảng 130 tỉ tế bào thần kinh và phân chia thành các phân khu đảm nhiệm các chức năng khác nhau: vận động, cảm giác, trí nhớ, tư duy… Do vậy, khi tổn thương các khu vực khác nhau thì triệu chứng biểu hiện rất khác nhau.
Não được nuôi dưỡng nhờ sự cấp máu của hệ thống mạch máu não. Mặc dù não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng não lại cần đến 20-25% tổng lượng
máu của cơ thể để hoạt động bình thường. Tế bào thần kinh được gọi là tế bào “quý phái” do khả năng chịu đựng rất kém, nếu bị ngừng cấp máu trong thời gian ngắn (4-6 phút) đã bị tổn thương nặng nề và chết.
2. Đặc điểm hệ thống mạch máu não
Não được tưới máu bởi hai hệ động mạch là hệ động mạch cảnh và hệ động mạch sống – nền.
Hệ động mạch cảnh: có 2 động mạch cảnh chạy 2 bên phía trước cổ đi lên, cấp máu cho 2/3 toàn bộ não. Có thể thấy động mạch cảnh đập dưới tay bằng cách sờ dọc từ hầu bệnh nhân sang 2 bên tới vị trí hõm phía trước cổ. Khi động mạch cảnh bị chít hẹp (ví dụ do vữa xơ động mạch) sẽ gây cản trở tưới máu lên não, thậm chí gây đột quỵ não.
Hệ động mạch sống – nền: hai động mạch đốt sống chạy phía gáy, chui qua các lỗ mỏm ngang của đốt sống cổ. Khi qua đốt sống cổ trên cùng, chúng hợp nhất thành một động mạch gọi là động mạch thân nền.
Động mạch thân nền đi vào hộp sọ cấp máu cho phần sau của bộ não. Do đường đi như vậy nên ở những người bị thoái hóa cột sống cổ có thể gây chít hẹp các lỗ mỏm ngang, gây chèn ép động mạch đốt sống. Khi đó bệnh nhân có những triệu chứng thiểu năng tuần hoàn não.
3. Đột quỵ não là gì?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới: Đột quỵ là một hội chứng lâm sàng được đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng biểu hiện tổn thương khu trú của não, tồn tại trên 24 giờ hoặc tử vong trước 24 giờ.
Những triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với vùng não do động mạch bị tổn thương phân bố, loại trừ nguyên nhân chấn thương.
Như vậy, đột quỵ não có 4 đặc điểm:
- Xảy ra đột ngột, có thể trong điều kiện bệnh nhân đang hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. Ví dụ đang ngồi nghỉ, đang ngủ, đang ăn cơm…
- Có biểu hiện tổn thương chức năng của não: liệt chân tay một bên; liệt mặt; tê bì nửa người; nói ngọng – nói khó; lú lẫn …
- Triệu chứng tồn tại quá 24 giờ hoặc bệnh nhân tử vong trước 24 giờ
- Nguyên nhân do tổn thương mạch máu não, loại trừ nguyên nhân chấn thương
Đột quỵ não là một bệnh lý do tổn thương mạch máu cấp máu cho não. Nên theo cơ chế tổn thương mạch máu thì đột quỵ não được chia 2 thể chính:
- Đột quỵ nhồi máu não: do các nguyên nhân hẹp hoặc tắc động mạch não. Dẫn tới vùng não bị giảm hoặc ngừng cấp máu bị tổn thương.
- Đột quỵ chảy máu não: do mạch máu bị vỡ ra, máu chảy tràn vào tổ chức não hoặc các khoang chứa dịch bao quanh tổ chức não.
5. Hậu quả của đột quỵ não:
- Đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 sau các bệnh tim mạch và ung thư. Điều trị cũng đòi hỏi thời gian lâu dài, rất tốn kém.
- Đột quỵ não là bệnh để lại nhiều di chứng nặng nề nhất trong các bệnh nội khoa.
- Đột quỵ não mức độ nhẹ: để lại di chứng ít và nhẹ
- Liệt nửa người: thường bắt đầu hồi phục sau 2-4 tuần và kéo dài nhiều tháng tiếp sau.
- Co cứng cơ: sau khoảng 4-6 tuần thì chuyển sang giai đoạn liệt cứng (cơ vùng liệt tăng trương lực) gây vận động khó khăn, đau nhức cơ khớp. Đặc biệt hay gặp đau khớp vai.
- Rối loạn ngôn ngữ: nói khó hơn bình thường hoặc không hiểu lời nói
Các trường hợp đột quỵ mức độ nặng, di chứng nhiều và rất nặng nề:
- Rối loạn ý thức: tri giác, trí nhớ suy giảm
- Rối loạn tâm thần, trầm cảm
- Suy dinh dưỡng
- Viêm phổi: nguyên nhân do bệnh nhân nằm một chỗ do liệt, suy giảm sức đề kháng, dễ nuốt sặc…
- Loét vùng tì đè: những vùng bị tì đè trực tiếp xuống mặt giường khi nằm rất dễ bị loét (gót chân, vùng xương cùng – cụt, vùng lưng, vùng chẩm…)
- Đại tiện – tiểu tiện không tự chủ
- Một số hậu quả khác: co giật động kinh; huyết khối tĩnh mạch sâu; biến dạng tư thế; tăng huyết áp; loạn nhịp tim…
- Đặc biệt, bệnh nhân đã bị đột quỵ não thì nguy cơ bị đột quỵ tái diễn rất cao so với người chưa từng bị đột quỵ
Nguồn: Bệnh viện 103