Đột quỵ tắc mạch là gì?
Đột quỵ tắc mạch là tình trạng xảy ra khi cục máu đông hình thành ở những vị trí khác trong cơ thể bị bong ra và theo dòng máu di chuyển đến não. Khi cục máu đông kẹt trong động mạch, nó sẽ chặn dòng máu và gây ra đột quỵ.
Đột quỵ tắc mạch là một loại đột quỵ do thiếu máu não cục bộ hay nhồi máu não. Đây là tình trạng xảy ra khi một động mạch đến não bị chặn. Não bộ của chúng ra hoạt động được là nhờ vào các động mạch đưa máu từ tim và phổi. Dòng máu này mang oxy và chất dinh dưỡng cung cấp cho não. Khi một trong những động mạch này bị nghẽn, não không thể tạo ra năng lượng cần thiết để hoạt động. Sau vài phút, nếu sự lưu thông máu không được khôi phục thì những tế bào não sẽ bắt đầu chết đi.
Nguyên nhân gây đột quỵ tắc mạch?
Các cục máu đông gây ra loại đột quỵ này có thể hình thành ở bất cứ đâu trong cơ thể nhưng chủ yếu là ở tim hoặc động mạch ở vùng ngực trên và cổ.
Sau khi thoát ra, cục máu đông sẽ đi theo dòng máu đến não và khi đi vào một mạch máu nhỏ, nó sẽ bị kẹt lại, gây cản trở sự lưu thông máu đến não.
Tình trạng tắc mạch máu còn có thể là do các nguyên nhân khác gây nên như bọt khí, cục chất béo hoặc mảng bám bong ra từ thành động mạch. Tắc mạch máu cũng có thể là hậu quả do một dạng rối loạn nhịp tim gọi là rung nhĩ. Khi tim đập không bình thường, máu sẽ ứ lại và đóng cục.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát của đột quỵ do thiếu máu não cục bộ gồm có:
- Cao huyết áp
- Cholesterol cao
- Hút thuốc
- Béo phì
- Không tập thể dục
- Sử dụng chất kích thích
Bên cạnh đó cũng có một số yếu tố nguy cơ nằm ngoài tầm kiểm soát ví dụ như:
- Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi thường có nguy cơ đột quỵ cao hơn các chủng tộc khác.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn phụ nữ nhưng nguy cơ tử vong do đột quỵ của phụ nữ lại cao hơn.
- Tiền sử gia đình: Những người có tiền sử gia đình bị đột quỵ hoặc những người trước đây đã từng bị cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hay đột quỵ nhẹ (mini stroke) cũng có nguy cơ lớn hơn.
- Trên 40 tuổi
- Mới sinh con
- Mắc các bệnh tự miễn như tiểu đường hoặc lupus
- Bị bệnh tim mạch
- Dị tật tim
Các triệu chứng của đột quỵ tắc mạch
Đột quỵ là tình trạng xảy ra đột ngột, thường không có dấu hiệu cảnh báo trước. Các triệu chứng của đột quỵ ở mỗi trường hợp là khác nhau tùy thuộc vào vị trí bị ảnh hưởng của não.
Các triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng phổ biến nhất của đột quỵ gồm có:
- Khó khăn khi nói hoặc hiểu lời người khác nói
- Đi lại khó khăn
- Tê ở chân tay hoặc một trong hai bên mặt
- Mất cảm giác tạm thời
Đây cũng là triệu chứng thường gặp của đột quỵ tắc mạch.
Triệu chứng về cơ
Các hiện tượng bất thường xảy ra với cơ khi đột quỵ gồm có:
- Không phối hợp được các hoạt động
- Cứng cơ
- Cảm giác không có sức lực ở một bên hoặc cả hai bên cơ thể
- Tê liệt ở một bên cơ thể
Triệu chứng về nhận thức
Các triệu chứng về nhận thức gồm có:
- Đầu óc lú lẫn, không tỉnh táo
- Ý thức suy giảm
Các triệu chứng khác
Ngoài ra còn có triệu chứng khác như:
- Mắt mờ hoặc hoàn toàn không nhìn thấy
- Nói không rõ
- Chóng mặt
- Cảm thấy choáng váng
- Khó nuốt
- Buồn nôn
- Buồn ngủ
Những triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này thì cần gọi ngay cho cấp cứu để được điều trị kịp thời.
Nên làm gì khi có người bị đột quỵ?
Nếu bạn nghi ngờ có người đang bị đột quỵ thì có thể áp dụng quy tắc FAST để xác định như sau:
- Face – Mặt: yêu cầu người đó mỉm cười và xem miệng cười có bị méo hay không?
- Arm – Cánh tay: yêu cầu người đó giơ hai tay lên và quan sát xem có gặp khó khăn gì hay một tay có bị tụt xuống hay không?
- Speech – Lời nói: yêu cầu người đó lặp lại một số câu đơn giản. Lời nói có bị líu, không rõ hoặc có gì bất thường hay không?
- Time – Thời gian: Nếu có các dấu hiệu này thì phải gọi cấp cứu ngay hoặc đưa người đó đến bệnh viện.
Chẩn đoán và điều trị đột quỵ tắc mạch
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ sử dụng một trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh dưới đây để xác định và điều trị đột quỵ:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): sử dụng tia X để cho thấy hình ảnh chi tiết của các mạch máu ở cổ và não.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): sử dụng sóng radio để giúp phát hiện mô não bị tổn thương do đột quỵ hay xuất huyết não.
- Siêu âm động mạch cảnh: cho thấy hình ảnh chi tiết để kiểm tra lưu thông máu và sự tích tụ chất béo trong các động mạch cảnh.
- Chụp mạch máu não: đây là phương pháp đặt ống thông vào động mạch cảnh hoặc động mạch đốt sống qua một đường rạch nhỏ. Từ đó, bác sĩ có thể quan sát chi tiết các động mạch ở cổ và não.
- Siêu âm tim: sử dụng sóng siêu âm để xác định vị trí của cục máu đông.
Đôi khi còn phải dùng đến các phương pháp xét nghiệm máu để xác định:
- Tốc độ đông máu
- Tình trạng không cân bằng của các hóa chất quan trọng trong máu
- Chỉ số đường huyết
- Nhiễm trùng
Tất cả các phương pháp cnày sẽ giúp đưa ra kế hoạch điều trị thích hợp.
Điều trị
Đột quỵ tắc mạch là một vấn đề đe dọa đến tính mạng. Mỗi một giây trôi qua là mức độ nguy hiểm lại tăng lên. Do đó, sự lưu thông máu đến não phải được khôi phục càng nhanh càng tốt. Khi phát hiện đột quỵ, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc chống đông máu dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Ngoài ra có thể còn sử dụng ống thông để đưa thuốc trực tiếp vào não hoặc để loại bỏ cục máu đông.
Theo hướng dẫn mới về điều trị đột quỵ của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (ASA), thuốc chống đông máu cần được dùng trong khoảng thời gian 4.5 tiếng kể từ khi có các triệu chứng. Trong khi đó, phương pháp loại bỏ cục máu đông cơ học, hay còn được gọi là lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, có thể được thực hiện trong khoảng thời gian lên đến 24 tiếng kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ đầu tiên.
Để ngăn ngừa đột quỵ tái phát, có thể còn cần phẫu thuật mở động mạch trong những trường hợp mà động mạch bị thu hẹp bởi mảng bám. Quy trình này được gọi là cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh. Sau đó thường cần đặt stent để giữ cho động mạch không bị hẹp lại.
Hồi phục sau đột quỵ tắc mạch
Sau khi cơn đột quỵ qua đi, việc điều trị sẽ tập trung vào việc lấy lại sức khỏe và phục hồi lại các chức năng đã mất hoặc bị suy giảm. Phương pháp điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào vùng bị ảnh hưởng của não liên quan và mức độ tổn hại.
Sau khi xuất viện, bạn sẽ vẫn cần được chăm sóc liên tục, dùng thuốc và theo dõi chặt chẽ trong một thời gian.
Những biến chứng của đột quỵ tắc mạch
Đột quỵ có thể gây nên những hậu quả về lâu dài đối với sức khỏe. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ và phần não bị ảnh hưởng mà sẽ xảy ra những biến chứng khác nhau nhưng các biến chứng thường gặp nhất gồm có:
- Phù não
- Viêm phổi
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
- Co giật
- Trầm cảm
- Lở loét do nằm lâu
- Co rút tay chân hoặc cơ bị rút ngắn do giảm vận động ở vùng bị ảnh hưởng
- Đau vai
- Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) hay sự hình thành cục máu đông sâu bên trong cơ thể, thường là ở chân
Bên cạnh đó, đột quỵ còn có thể dẫn đến các vấn đề sau đây:
- Chứng mất ngôn ngữ (khó khăn khi nói chuyện và hiểu lời nói của người khác)
- Liệt nửa người (khó khăn khi vận động ở một bên cơ thể)
- Mất cảm giác nửa người (một bên của cơ thể không có cảm giác)
Triển vọng về lâu dài của người đột quỵ
Chất lượng cuộc sống sau cơn đột quỵ sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của biến cố. Nếu bị mất hay suy giảm chức năng thì cần tiến hành trị liệu để phục hồi.
Nguy cơ tái phát thường ở mức cao nhất ngay sau cơn đột quỵ và giảm dần theo thời gian. Nghiên cứu ước tính có khoảng 3% những người bị đột quỵ lại tiếp tục gặp phải cơn đột quỵ thứ hai trong vòng 30 ngày, trong khi tỉ lệ tái phát trong vòng một năm là khoảng 11% và trong vòng 5 năm là khoảng 26%.
Nguy cơ xảy ra các di chứng nghiêm trọng như hôn mê hoặc tử vong sẽ tăng dần theo mỗi cơn đột quỵ.
Cách ngăn ngừa đột quỵ
Hiểu được các yếu tố nguy cơ của mình sẽ giúp bạn ngăn ngừa được đột quỵ trong tương lai bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Nên đi khám thường xuyên nếu bạn bị cholesterol cao, tiểu đường hoặc một căn bệnh tự miễn mãn tính. Nên lắng nghe cơ thể, chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của mình và làm theo các khuyến nghị của bác sĩ để ngăn ngừa hoặc hạn chế các biến chứng do đột quỵ.
Bạn có thể ngăn ngừa đột quỵ bằng cách thực hiện theo lối sống lành mạnh như sau:
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Chế độ ăn khoa học, nhiều trái cây và rau xanh
- Tập thể dục thường xuyên
- Uống rượu vừa phải
- Không dùng chất kích thích