Đột quỵ xuất huyết não - bệnh viện 103

3 năm trước 31

1. Đại cương

1.1. Y học hiện đại

1.1.1. Khái niệm

Chảy máu não là máu từ hệ thống động mạch, tĩnh mạch não chảy vào tổ chức não, ít nhiều đều tạo thành ổ máu tụ trong não, gây ra các triệu chứng thần kinh tương ứng.

1.1.2. Phân loại

  • Chảy máu trong nhu mô não.
  • Chảy máu nhu mô não – tràn máu não thất.
  • Chảy máu dưới màng nhện.
  • Chảy máu sau nhồi máu não.

1.1.3. Triệu chứng lâm sàng chung

– Bệnh khởi phát đột ngột, triệu chứng hay gặp là đau đầu, buồn nôn, liệt nửa người, rối loạn ý thức. Đa số bệnh nhân có tăng huyết áp sớm. Các triệu chứng thường diễn biến nhanh và đạt tối đa sau 30 phút đến vài giờ.

– Giai đoạn toàn phát có thể gặp:

  • Rối loạn ý thức.
  • Tổn thương thần kinh sọ não: hay gặp liệt dây VII, với chảy máu thân não có thể gặp hội chứng giao bên.
  • Vận động: liệt nửa người bên tổn thwong.
  • Cảm giác: rối loạn cảm giác nửa người bên đối diện tổn thương.
  • Rối loạn cơ vòng: đái dầm cách hồi, bí đại tiện.
  • Rối loạn thần kinh thực vật: gặp ở bệnh nhân tổn thương nặng, nhất là chảy máu thân não. Biểu hiện: tăng huyết áp, rối loạn nhịp thở, tăng tiết đờm dãi, tăng thân nhiệt sớm…
  • Đồng tử: tổn thương trực tiếp hoặc gián tiếp đến thân não có thể gây giãn đồng tử bên đối diện.
  • Hội chứng màng não: thường gặp ở bệnh nhân ổ máu tụ phá thông vào não thất, khoang dưới nhện hoặc ổ máu tụ hố sọ sau.
  • Tim mạch: tăng huyết áp sớm.
  • Hô hấp: rối loạn ý thức thường bị rối loạn phản xạ ho gây ùn tắc đờm dãi. Nếu nặng gây ức chế trung khu hô hấp gây rối loạn nhịp thở, suy hô hấp.

1.2. Y học cổ truyền

1.2.1. Nguyên nhân

Bệnh phát sinh nguyên nhân chủ yếu do rối loạn chức năng tạng phủ âm dương, khí huyết thăng giáng thất thường, kết hợp với rối loạn tình chí, ăn nhiều đó cay béo ngọt, lao động quá sức, sinh hoạt tình dục quá độ gây nên.

Rối loạn tình chí: can liên quan đến tình chí là cáu giận, can chủ thăng, cáu giận làm can khí thượng nghịch, can dương bạo cang, huyết thuận theo khí nghịch, đưa lên trên gây nên bệnh. Bẩm tố âm hư, thủy không hàm mộc, khi gặp cáu giận làm cho dương thăng không khống chế được, huyết khí thượng nghịch gây nên trúng phong.

Ăn uống không điều độ, ăn nhiều chất béo ngọt cay gây tổn thương tỳ vị, rối loạn chức năng kiện vận nên tân dịch nội đình, tụ thấp sinh đàm, đàm uất hóa nhiệt, nhiệt uất làm động phong, phong kết hợp với đàm hỏa đưa lên trên gây nên bệnh

Lao động quá sức làm âm huyết hoa thoát, hư dương hóa phong. Kết hợp với nuôi dưỡng kém, sinh hoạt tình dục quá độ, làm thận tinh hao tổn, thủy hao phía dưới, hỏa vượng phía trên gây nên bệnh.

Đàm ẩm huyết ứ: rối loạn chức năng tạng phủ khí huyết hình thành các sản phẩm bệnh lý. Đàm ẩm và huyết ứ lại là nhân tố mới gây nên bệnh. Tỳ không kiện vận, tụ thấp sinh đàm, phế không tuyên giáng, rối loạn thông điều thủy đạo, tân dịch đình tù thành đàm. Thận dương hư suy, không trưng đốt tân dịch hoặc tam tiêu rối loạn khí hóa làm tụ thủy thành đàm. Sau khi đàm ứ hình thành có thể uất hóa nhiệt, có thể thuận theo khí thượng nghịch, kết hợp với phong gây nên bệnh.

1.2.2. Cơ chế bệnh sinh

– Can dương vong động, nội phong bạo cang: can là tạng cương, chủ thăng chủ động. Can khí dễ cang dễ nghịch. Nếu do cáu giận quá mức đều có thể gây nên can dương vong động, nội phong bạo cang. Can chủ tàng huyết, rối loạn chức năng làm huyết thuận theo khí nghịch, trực trúng phạm não, trệ cách thanh khiếu gây nên bệnh.

– Tình chí hư suy, hư phong nội chuyển: thận nguyên bất cố, chân khí hao tán, nguyên khí hư suy; hoặc thận âm bất túc, thủy không hàm mộc, tâm huyết hao tổn, huyết không dưỡng can, âm dương rối loạn gây nên hư phong nội chuyển, khí huyết thượng nghịch, dương khí phù vượt bế trệ não khiếu, rối loạn thần minh gây nên bệnh.

– Ngũ chí hóa hỏa, phong hỏa tương kiêm: ngũ chí quá cực làm rối loạn chức năng của tạng phủ khí huyết, làm cho khí cơ uất kết, theo dương hóa nhiệt, nhiệt cực làm hóa hỏa sinh phong, gây nên tâm hỏa bạo thịnh, can dương bạo cang, phong hỏa tương kiêm, hỏa thịnh thủy suy, âm hư không khống chế dương, khí huyết phong hỏa đưa lên trên, tâm thần rối loạn gây nên bệnh.

Đàm trọc nội ủng, hóa nhiệt sinh phong: rối loạn kiện vận của tỳ, tụ thấp sinh đàm, đàm trọc nội ủng, uất lâu hóa nhiệt, động phong lên trên, huyết thuận khí nghịch gây nên bệnh. Hoặc do bẩm tố can vượng, dương nhiệt thiên thịnh, hun đốt tân dịch thành đàm làm đàm hỏa nội sinh, hỏa động đàm thăng, can phong hiệp đàm hỏa đưa lên trên bưng bít thanh khiếu, hoành nghịch kinh lạc, thần minh vô chủ làm đột ngột hôn mê gây nên bệnh.

Huyết ứ nội trệ, tân huyết không sinh: huyết lý kinh là huyết ứ, do xuất huyết não làm huyết ứ trệ ở não tủy, rối loạn phủ nguyên thần; hơn nữa, tân huyết không sinh, hư phong nội động đều là nguyên nhân bệnh sinh của bệnh.

Chính khí hư suy, âm kiệt dương vong: cùng với tiến triển của bệnh, can phong đàm hỏa tích thịnh, chính khí dần dần hư thoát cuối cùng làm cho âm kiệt dương vong, âm dương lý tán gây nên bệnh.

Khi phát bệnh thì xu thế của phong, hỏa, đàm trọc rất mạnh và nhanh, dương khí bị tà bế, nếu nặng thì ngoại thoát nên không điều trị kịp thời thường bị tử vong.

Kết hợp với tuổi cao khí suy, tinh thần kích động, thể trạng béo bệu, đàm trọc thấp thịnh, ăn nhiều đồ béo ngọt, uống bia rượu nhiều… là các nhân tố thuận lợi gây nên bệnh.

1.2.2. Biện chứng

1.2.2.1. Đặc điểm triệu chứng

– ĐQXHN thường thấy rối loạn ý thức, thuộc phạm trù trúng phong – trúng tạng phủ. Trong trúng tạng phủ lại phân bế chứng và thoát chứng.

  • Bế chứng phối hợp với tà thực nội bế, thuộc thực chứng.
  • Dương bế: đàm nhiệt bế uất thanh khiếu gây sốt, mặt đỏ, người nóng, tiếng thở thô, miệng hôi, bứt rứt, rêu lưỡi vàng nhớp, mạch huyền hoạt sác.
  • Âm bế: đàm thấp nội bế thanh khiếu gây mặt và môi tím, nằm yên, chân và tay không ấm, tăng tiết đờm dãi nhiều, rêu lưỡi trắng nhớp, mạch trầm hoạt hoãn.
  • Thoát chứng phối hợp với dương hư dục thoát thuộc hư chứng, biểu hiện: hôn mê, mắt nhắm, miệng há, hơi thở yếu, chân tay liệt nhẽo, tay xòe, chân và tay lạnh, ra mồ hôi nhiều, đại tiểu tiện không tự chủ, mạch vi tế muốn tuyệt.

– Nếu không có rối loạn ý thức thì phân tích triệu chứng, pháp điều trị giống như DQNMN.

1.2.2.2. Căn cứ biện chứng

  • Bệnh phát sinh có tiêu và  bản. Bản là do tinh huyết hao thoát, can thận âm hư, âm dương thất điều. Tiêu là da tổn thương thất tình, phong (can phong), hỏa (can hỏa, tâm hỏa), đàm thấp ủng thịnh, bệnh tà thế mạnh.
  • Dương bế là do can thận âm hư, can dương bạo cang, can phong hiệp đàm nhiễu loạn lên trên, bưng bít thanh khiếu.
  • Âm bế là do đàm thấp trệ lạc, bưng bít thanh khiếu, thần cơ bế tắc.
  • Thoát chứng là do nguyên khí hư suy, âm dương ly tán, bệnh tình nguy hiểm, tiên lượng rất xấu.

2. Phân thể điều trị

2.1. Can dương bạo cang, phong hỏa hiệp đàm, bưng bít thanh khiếu (dương bế)

– Lâm sàng: Đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, hôn mê gây liệt nửa người, răng nghiến chặt, môi mím,  hai tay nắm chặt, chân co quắp, mặt đỏ bừng, người nóng, tiếng thở thô, miệng hôi, vật vã kích thích, đại tiểu tiện bí, chất lưỡi hồng bóng, rêu lưỡi vàng nhớp và khô, mạch hoạt sác hay hồng đại.

– Pháp điều trị: tân lương khai khiếu, thanh can tức phong

– Phương thuốc: cấp cứu dùng An cung ngưu hoàng hoàn, Ngưu hoàng thanh tâm hoàn hòa nước bơm qua mũi hoặc sond dạ dày

Phối hợp Linh dương giác thang gia vị

  • Linh dương giác 05g
  • Quy bản 30g
  • Sinh địa 15g
  • Đan bì 12g
  • Sài hồ 12g
  • Bạch thược 15g
  • Thạch xương bồ 12
  • Cúc hoa 12g
  • Uất kim 12g
  • Hạ khô thảo 12g
  • Trúc nhự 10g
  • Hoàng liên 10g

Các vị thuốc trên sắc uống.

Đại tiện bí gia đại hoàng 5-10g

Bí tiểu tiện gia trư linh 12g, xa tiền tử 15g

2.2. Đàm thấp trệ lạc, bưng bít tâm thần (âm bế)

– Lâm sàng: Đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, sắc mặt trắng bệch, hôn mê gây liệt nửa người, răng nghiến chặt, môi mím,  hai tay nắm chặt, chân co quắp, nằm yên, chân tay không ấm, đờm dãi chảy nhiều, thở thô, bí đại tiểu tiện, chất lưỡi tím nhợt, rêu lưỡi trắng nhớp, mạch trầm hoạt

– Pháp điều trị: tân ôn khai khiếu, ngoan đàm tức phong

Cấp cứu dùng Tô hợp hương hoàn hòa tan bơm qua sond dạ dày.

Phối hợp dùng Địch đàm thang gia vị

  • Bán hạ 10g
  • Trần bì 10g
  • Đởm nam tinh 10g
  • Chỉ thực 12g
  • Bạch linh 30g
  • Trúc nhự 10g
  • Nhân sâm 06g
  • Thạch xương bồ 12g
  • Uất kim 12g
  • Nhục quế 06g
  • Đại hoàng 06g
  • Xa tiền tử 12g

Các vị thuốc trên sắc uống.

Nếu tiểu tiện dầm dề thì bỏ xa tiền tử, gia ích trí nhân 12g, phúc bồn tử 12g, ô dược 12g để bổ thận nạp khí.

Có thể gia câu đằng 30g, thiên ma 12g để bình can tức phong

Nếu chân tay co quắp gia toàn yết 8g, ngô công 3 con để tức phong chỉ kinh.

2.3. Nguyên khí bại thoát, tâm thần tán loạn (thoát chứng)

– Lâm sàng: Đột nhiên hôn mế, buồn nôn và nôn, chân ta duỗi mềm, chân tay lạnh, ra mồ hôi lạnh nhiều, hơi thở yếu, đại tiểu tiện không tự chủ, chất lưỡi ám tím, rêu lưỡi trơn, mạch vi nhược.

– Pháp điều trị: phù chính cố thoát, ích khí cố dương.

– Bài thuốc: Sâm phụ thang

  • Nhân sâm 10g      
  • Phụ tử chế 12g
  • Nếu mồ hôi ra nhiều thì gia hoàng kỳ 15g, sinh mẫu lệ 15g, ngũ vị tử 10g để liễm hãn cố thoát.

Sau khi đã hồi dương, nếu bệnh nhân thấy mặt hồng, tay chân lạnh, bứt rứt, amchj vi nhược là do chân âm bị tổn thương, dương không trợ âm gây chứng hư dương thượng phù, dục thoát. Lúc này nên dùng pháp tư dương chân âm, ôn bổ thận dương để hồi dương cố thoát. Bài thuốc dùng Địa hoàng ẩm tử thang gia vị

  • Thục địa 20g
  • Ba kích 12g
  • Sơn thù 10g
  • Thạch hộc 12g
  • Nhục thung dung 10g
  • Chế phụ tử 10g
  • Nhục quế 06g
  • Ngũ vị tử 10g
  • Mạch môn 12g
  • Nhân sâm 10g
  • Thạch xương bồ 12g
  • Viễn chí 10g
  • Sinh khương 10g
  • Đại táo 5 quả

Các vị thuốc trên sắc uống.

DQXHN kết hợp xuất huyết tiêu hóa gây nôn ra máu, đi ngoài phân đen thì có thể dùng bài Tê giác địa hoàng thang gia tam thất, bạch cập sắc cho uống qua soond dạ dày.

3. Các biện pháp điều trị khác

3.1. Châm

– Bế chứng

  • Pháp châm: thăng dương khai khiếu, thanh nhiệt tỉnh não
  • Phương huyệt: nhân trung, bách hội, nội quan, túc tam lý
  • Nếu đờm nhiều thì châm tả thêm phong long.

– Thoát chứng

  • Pháp châm: hồi dương cố thoát
  • Phương huyệt: nhân trung, nội quan, túc tam lý, quan nguyên
  • Mồ hôi ra nhiều thì châm bổ tam âm giao.

3.2. Nhĩ châm

Điểm tuyến thượng thận, điểm dưới vỏ, điểm tâm để đạt tác dụng cường tâm thăng áp.

4. Kết luận

  • YHCT mô tả triệu chứng bệnh thuộc phạm trù trúng phong, đột trúng, thiên khô. ĐQXHN thường thấy rối loạn ý thức nên xếp thuộc phạm trù trúng phong – trúng tạng phủ.
  • Trong trúng tạng phủ lại phân bế chứng và thoát chứng. Nếu ĐQXHN mà bệnh nhân không bị rối loạn ý thức thì biện chứng luận trị giống như ĐQNMN.
  • Nguyên nhân bệnh liên quan đến rối loạn tình chí, ăn uống không điều độ, lao động quá sức, nuôi dưỡng kém, sinh hoạt tình dục quá độ, đàm ẩm huyết ứ.
  • Bệnh thường diễn biến nặng, phải kết hợp chặt chẽ với YHHĐ để chẩn đoán, tiên lượng và điều trị.

Nguồn: Bệnh viện 103

Đọc toàn bộ bài viết