Đừng coi thường chứng sụp mi - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

3 năm trước 24

Chứng sụp mi khiến thị lực giảm dần. Nhiều người vẫn coi thường sụp mi trong khi triệu chứng này trên thực tế có thể gây nguy hiểm nhiều hơn họ tưởng, nhất là với trẻ em.

Sụp mi bẩm sinh cần mổ trước hai tuổi 

  • Sụp mi là tình trạng mi trên bị sa xuống dưới mức bình thường. Khi đó, mí mắt che phủ một phần hoặc hoàn toàn con ngươi, hạn chế vùng nhìn thấy, và lâu dài sẽ gây giảm sức nhìn do nhược thị.
  • Biểu hiện sụp mí dễ nhận biết nhất là mắt (một bên hoặc cả hai) không mở lớn được, mí mắt che phủ con ngươi. Do cha mẹ không biết sụp mi cũng hại mắt nên nhiều trẻ khi được đưa tới bệnh viện thì bệnh đã rất nặng, mí đã che khuất mắt khiến trẻ không thể nhìn được. 
  • Ngoài nhược thị, chứng sụp mi còn có thể khiến trẻ bị vẹo cột sống, xơ các cơ quanh cổ, do luôn phải nhìn trong tư thế ngước lên.
  • Thị lực của trẻ thường phát triển trong hai năm đầu. Do vậy, khi phát hiện con bị sụp mi, cha mẹ nên đưa tới bác sĩ nhãn khoa để được khám và điều trị, tốt nhất là trước hai tuổi.
  • Trong trường hợp cần thiết, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật. Nếu trẻ còn bé và mí mắt chưa sụp nhiều, trẻ sẽ được theo dõi định kỳ để có thể phẫu thuật đúng lúc

Người lớn tuổi cũng phải cảnh giác

  • Mí mắt sụp xuống theo tuổi tác là một hiện tượng thường thấy. Do đó, người cao tuổi khi có biểu hiện này thường không để ý nhiều. Tuy nhiên, bác sĩ Cương khuyến cáo, chứng sụp mi ở người cao tuổi cũng dẫn đến giảm thị lực.
  • Tình trạng sụp mi do tuổi tác thường nhẹ hơn so với các bệnh lý khác, thường do thừa da mi trên quá mức, biểu hiện rõ nhất ở những người sút cân sau điều trị béo phì hoặc người có cấu tạo da khô... Đây còn là biểu hiện của quá trình lão hóa, mất tính đàn hồi của da nói chung, hoặc do tình trạng giảm trương lực cơ mi (quá trình sinh lý bình thường ở người lớn tuổi và mức độ khác nhau ở từng người).
  • Dù là do nguyên nhân gì thì thị lực cũng đều bị ảnh hưởng.

Điều trị sụp mi – quan trọng là điều trị sớm

  • Trong điều trị sụp mi, yếu tố quan trọng nhất là người bệnh được điều trị sớm. Việc phẫu thuật không phức tạp, và được căn cứ vào mức độ sụp mi và khả năng hoạt động của cơ nâng mi.
  • Nếu sụp mi vừa phải thì chỉ cần cắt bỏ phần da mi trên dư thừa. Nếu sụp mi nhiều, ngoài khâu này, bác sĩ còn phải can thiệp vào phần cơ nâng mi, đơn giản nhất là làm ngắn cơ nâng mi và cắt bỏ một phần cơ vòng mi.
  • Rất hiếm trường hợp phải dùng đến biện pháp treo mi bằng các chất liệu như chỉ silicon. Tùy theo phương pháp phẫu thuật mà quá trình hồi phục hình dạng mi trên kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Đọc toàn bộ bài viết