Gan to là gì? Có nguy hiểm không?

5 năm trước 28

Không thể nào tự cảm nhận hay sờ thấy gan to nhưng vì tình trạng tổn thương gan có thể gây tích tụ dịch trong ổ bụng nên bụng sẽ phình to hơn bình thường.

Gan to là gì?

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể với một số chức năng quan trọng như:

  • Chuyển hóa chất béo
  • Tích trữ đường dưới dạng glycogen
  • Chống nhiễm trùng
  • Tạo ra một số loại protein và hormone
  • Kiểm soát sự đông máu
  • Phân hủy thuốc và độc tố

Gan cũng là cơ quan nội tạng duy nhất trong cơ thể có khả năng tái sinh trở lại sau khi phẫu thuật cắt đi một phần. Chính vì vậy nên có thể hiến một phần lá gan của mình cho người khác khi còn sống. Sau khi hiến gan, phần còn lại sẽ tái tạo dần về kích thước ban đầu và phần được ghép vào cơ thể người nhận cũng có thể phát triển. Gan to là tình trạng mà gan tăng kích thước lớn hơn bình thường và là dấu hiệu của một số vấn đề như:

  • Bệnh gan
  • Ung thư, ví dụ như ung thư máu hay bệnh bạch cầu
  • Bệnh di truyền
  • Những vấn đề bất thường về tim và mạch máu
  • Nhiễm trùng
  • Nhiễm độc tố

Dấu hiệu của gan to

Bản thân gan to không bộc lộ triệu chứng nhưng nếu gan to là do một vấn đề, bệnh lý khác gây ra thì người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như:

  • Vàng da hoặc tròng trắng mắt ngả vàng
  • Đau cơ
  • Mệt mỏi
  • Ngứa ngáy
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Đau bụng hoặc trướng bụng
  • Chán ăn
  • Sưng bàn chân và cẳng chân
  • Dễ bầm tím
  • Sụt cân

Không thể nào tự cảm nhận hay sờ thấy gan to nhưng vì tình trạng tổn thương gan có thể gây tích tụ dịch trong ổ bụng nên bụng sẽ phình to hơn bình thường.

Nếu gặp các triệu chứng này thì nên đi khám càng sớm càng tốt để phát hiện bệnh kịp thời, còn nếu có những biểu hiện dưới đây thì cần đến bệnh viện ngay lập tức:

  • Đau bụng dữ dội
  • Sốt và vàng da
  • Nôn ra máu màu đỏ hoặc nâu sẫm
  • Khó thở
  • Phân màu đen hoặc có màu đỏ tươi do lẫn máu

Nguyên nhân gây gan to

Gan to là một dấu hiệu cho thấy các mô gan đang không hoạt động bình thường.

Một số nguyên nhân phổ biến gây gan to gồm có:

  • Ung thư gan thứ phát hay ung thư di căn gan (ung thư bắt đầu từ các cơ quan khác và lan đến gan)
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD)
  • Bệnh tim mạch hay các vấn đề làm tắc nghẽn mạch máu đến gan
  • Ung thư gan nguyên phát - ung thư hình thành ở gan
  • Xơ gan – tình trạng gan bị tổn thương và mô sẹo hình thành trong gan
  • Viêm gan virus hay viêm gan siêu vi (phổ biến nhất là viêm gan A, B hoặc C) – tình trạng nhiễm trùng gan do virus gây nên
  • Bệnh gan do rượu - các tổn thương gan gồm có tích tụ mỡ, viêm và hình thành sẹo do lạm dụng rượu
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như amiodarone và statin

Suy tim sung huyết là một tình trạng khiến máu chảy ngược vào tĩnh mạch gan - những mạch máu có nhiệm vụ dẫn máu từ gan. Khi điều này xảy ra, gan sẽ bị ứ máu và to lên. Ngoài ra còn có các nguyên nhân ít gặp hơn của tình trạng gan to như:

  • U lympho, dạng ung thư máu xảy ra trong hệ bạch huyết
  • Bệnh bạch cầu hay ung thư máu – dạng ung thư máu phát sinh trong tủy xương
  • Đa u tủy xương – dạng ung thư máu xuất phát từ các tương bào trong tủy xương
  • Thừa sắt – tình trạng tích tụ quá nhiều sắt trong cơ thể
  • Bệnh Wilson – tình trạng tích tụ đồng dư thừa trong cơ thể
  • Bệnh Gaucher – một bệnh lý rối loạn do chất béo tích tụ trong gan
  • Viêm gan nhiễm độc
  • Tắc nghẽn đường mật hay tắc nghẽn túi mật – tình trạng mật ứ lại và viêm trong gan, thường là do sỏi mật
  • Nang gan – hình thành các túi chứa dịch trong gan do nhiều nguyên nhân

Ngoài ra còn một số bệnh nhiễm trùng và vấn đề sức khỏe khác cũng làm gan tăng kích thước bất thường. Hiện tượng tăng kích thước này có thể là lành tính (không phải ung thư) hoặc ác tính (ung thư).

Các yếu tố nguy cơ

Một số người có nguy cơ bị gan to cao hơn do di truyền. Nguy cơ này cũng tăng cao hơn nếu như bạn hoặc gia đình bạn có tiền sử:

  • Bệnh tự miễn, đặc biệt là những bệnh ảnh hưởng đến gan
  • Bệnh viêm ruột
  • Bệnh gan mạn tính
  • Ung thư gan
  • Bệnh hồng cầu hình liềm
  • Béo phì

Các yếu tố về lối sống cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan to. Những yếu tố này gồm có:

  • Tiêu thụ rượu quá mức
  • Thường xuyên xăm mình, truyền máu và quan hệ tình dục không an toàn, dẫn đến lây nhiễm HIV, viêm gan B và C
  • Uống một số loại thảo dược như ma hoàng, liên mộc (comfrey) hay tầm gửi

Gan to được chẩn đoán như thế nào?

Gan là một cơ quan nằm bên dưới cơ hoành, sát với bờ dưới của lồng ngực. Khi khám lâm sàng, nếu bác sĩ sờ thấy được gan thì có khả năng là bạn đang bị gan to bởi không thể sờ thấy một lá gan bình thường từ bên ngoài.

Kích thước và trọng lượng của lá gan tăng tự nhiên theo thời gian. Ở trẻ em, kích thước gan thường được đo bằng chiều cao phần dày nhất của gan còn kích thước gan người trưởng thành được đo bằng chiều dài.

Một nghiên cứu năm 2003 đã sử dụng sóng siêu âm để ước tính kích thước trung bình của gan người trưởng thành. Trong số 2.080 người tham gia ở độ tuổi từ 18 đến 88, chỉ có 11% có gan lớn hơn 16cm.

Kích thước gan trung bình thay đổi theo độ tuổi như sau:

  • 1 đến 3 tháng tuổi: 6.4cm
  • 4 đến 9 tháng tuổi: 7.6cm
  • 1 đến 5 tuổi: 8.5cm
  • 5 đến 11 tuổi: 10.5cm
  • 12 đến 16 tuổi: 11.5 – 12.1cm
  • Phụ nữ trưởng thành: 13.5cm +/- 1.7cm
  • Nam giới trưởng thành: 14.5cm +/- 1.6cm

Chiều cao, cân nặng và giới tính cũng là những yếu tố quyết định kích thước của lá gan. Bác sĩ sẽ tính đến tất cả những yếu tố này khi thăm khám, kiểm tra nhằm tìm các vấn đề của gan.

Sau khi thăm khám, để xác định nguyên nhân khiến gan bị to, bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán hình ảnh sau:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ để phát hiện bất thường về số lượng tế bào máu
  • Xét nghiệm men gan để đánh giá chức năng gan
  • Chụp X-quang ổ bụng để đánh giá các cơ quan trong ổ bụng
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để quan sát chi tiết ổ bụng qua hình ảnh có độ phân giải cao
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) để lấy hình ảnh các cơ quan cụ thể trong khoang bụng
  • Siêu âm để đánh giá gan và các cơ quan khác trong khoang bụng

Nếu bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân gây gan to là một vấn đề nghiêm trọng thì còn tiến hành thêm thủ thuật sinh thiết gan. Sinh thiết gan là một quy trình xâm lấn trong đó bác sĩ lấy một mẫu gan nhỏ và phân tích dưới kính hiển vi.

Các phương pháp điều trị gan to

Dựa trên nguyên nhân khiến gan bị to mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, có thể là:

  • Dùng thuốc cùng với các phương pháp khác để điều trị suy gan hoặc các dạng nhiễm trùng gan như viêm gan siêu vi B hay viêm gan siêu vi C
  • Hóa trị, phẫu thuật hoặc xạ trị để trị ung thư gan
  • Phẫu thuật ghép gan để khắc phục tổn thương gan
  • Điều trị nguồn gốc của ung thư trong trường hợp ung thư di căn gan
  • Ngoài ra, người bệnh sẽ cần thay đổi cả lối sống để cải thiện và duy trì sức khỏe gan, cụ thể là:
  • Uống rượu một cách vừa phải hoặc cai hẳn rượu
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Giảm cân nếu thừa cân

Gan là một cơ quan vô cùng quan trọng trong cơ thể. Vì thế, khi có vấn đề về gan thì cần điều trị và làm theo các chỉ dẫn của bác sĩ để cải thiện tình trạng bệnh, ngăn ngừa bệnh tiến triển và cải thiện chức năng gan.

Ngăn ngừa gan to

Bạn có thể giảm nguy cơ bị gan to bằng cách:

  • Duy trì lối sống lành mạnh và cân nặng ở mức khỏe mạnh.
  • Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bị tiểu đường.
  • Hạn chế uống rượu hoặc tốt nhất là không uống.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc, thảo dược hay thực phẩm chức năng nào vì chúng có thể ảnh hưởng đến gan.
  • Tuân thủ theo các biện pháp an toàn khi làm việc với hóa chất, chẳng hạn như thuốc trừ sâu hoặc chất tẩy rửa.

Tiên lượng khi bị gan to

Triển vọng phục hồi và điều trị bệnh sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây gan to. Càng phát hiện và điều trị bệnh sớm thì triển vọng sẽ càng khả quan.

Tuy nhiên, vì đa số bệnh gan không có triệu chứng ở giai đoạn đầu nên bệnh thường được chẩn đoán khi đã chuyển nặng, lúc này gan có thể đã bị tổn thương nghiêm trọng và có thể dẫn đến các biến chứng suốt đời.

Đọc toàn bộ bài viết