Xương quai xanh có tác dụng rất quan trọng, là nơi treo xương cánh tay vào thân. Gãy xương quai xanh là một chấn thương thường gặp ở vùng vai, trong trường hợp ngã hoặc chấn thương do tai nạn giao thông.
1. Xương quai xanh là gì?
1.1 Giải phẫu
Xương quai xanh hay còn gọi là xương đòn, là xương duy nhất nối với vai ngực, có hình dạng chữ S. Do được cố định chắc bởi các dây chằng và cơ bám nên hai đầu xương đòn ít di động.
Phía dưới xương đòn có cấu trúc mạch máu thần kinh dưới đòn. Chỗ nối 1/3 giữa và 1/3 ngoài của xương đòn là chỗ chuyển tiếp thay đổi thiết diện ngang, do đó đây là 2 chỗ điểm yếu của xương đòn dễ gãy nhất.
1.2 Chức năng
Xương đòn có nhiều chức năng bao gồm:
- Khi cánh tay hoạt động ở tầm trên vai, xương đòn sẽ giúp tăng lực cánh tay.
- Bảo vệ cấu trúc mạch máu thần kinh dưới đòn.
- Là chỗ bám cho khớp vai và một số cơ lớn treo đai vai.
- Tham gia cử động đai vai.
- Thẩm mỹ.
2. Gãy xương quai xanh
Gãy hay lệch xương quai xanh thường không gây nguy hiểm vì xương dày và vị trí phía trên của lồng ngực được cung cấp máu dồi dào. Do đó, xương đòn khi bị gãy rất dễ lành. Tuy xương quai xanh nằm trên các dây thần kinh và mạch máu quan trọng nhưng khi bị gãy hay bị lệch thì vẫn ít ảnh hưởng đến những bộ phận này.
Trong một số trường hợp phức tạp, các mảnh xương bị gãy có thể đâm vào các bó thần kinh hoặc mạch máu dưới đòn gây chảy máu hoặc liệt tay. Nếu xương đâm vào đỉnh phổi sẽ gây tràn khí, tràn dịch màng phổi làm suy hô hấp và có thể đe dọa đến tính mạng.
3. Chẩn đoán gãy xương quai xanh
Xương quai xanh bị gãy có thể do vật nặng đập trực tiếp vào xương hoặc do ngã đập vai, chống tay ở tư thế dạng vai.
Lúc này bệnh nhân sẽ có những triệu chứng bao gồm:
- Sưng đau, mất cơ năng khớp vai như không giơ tay lên đầu được.
- Vai xệ: tay lành đỡ tay đau.
- Khi sờ thấy xương quai xanh gãy gồ lên trên bề mặt da, và biến dạng kiểu bậc thang.
- Ấn đau chói và có tiếng lạo xạo.
- Dấu hiệu phím đàn.
- Đo chiều dài mỏm cùng xương ức ngắn hơn bên lành.
Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được chụp X-quang ở bình diện thẳng và tư thế đặc biệt của xương đòn cho phép đánh giá xê dịch trước sau của 2 đoạn gãy.
4. Điều trị gãy xương quai xanh
Điều trị bảo tồn thường được chỉ định đối với những bệnh nhân có tuổi cao. Vì những người cao tuổi tình trạng loãng xương, xương mỏng, giòn, xốp không đảm bảo cho cuộc mổ, ngoài ra họ thường mắc những bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường,...Bệnh nhân sẽ mang đai trong khoảng 4-8 tuần để hình thành can xương. Trong quá trình điều trị bảo tồn, thường xảy ra những biến chứng như gây loét da do phần xương bị nhô cao, thậm chí đâm thủng ra ngoài. Do đó, người bệnh cần thường xuyên đến khám để kiểm tra và đánh giá nguy cơ dựa trên kết quả của phim chụp X-quang.
Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp sau:
- Biến chứng tổn thương thần kinh và mạch máu dưới đòn.
- Gãy xương hở.
- Xương di lệch xa có nghi ngờ chèn mô mềm giữa ổ gãy nắn kín thất bại.
- Mảnh xương gãy rời hoặc đầu gãy di lệch gây loét, đâm thủng qua da.
- Trong trường hợp gãy xương đòn kèm gãy cổ xương bả vai thấy có bập bềnh khớp vai.
- Di lệch gập góc nhiều hoặc chồng ngắn >20mm, không thể điều trị bằng nắn kín.
- Gãy 1/3 ngoài kèm đứt dây chằng quạ đòn.
- Chậm liền xương hoặc khớp giả.
- Phẫu thuật thẩm mỹ.
Phẫu thuật giúp cho việc nắn chỉnh xương tốt hơn, tuy nhiên phẫu thuật sẽ có chi phí cao hơn và để lại vết sẹo sau mổ. Và bệnh nhân sẽ phải trải qua 2 cuộc mổ, cuộc mổ thứ 2 được thực hiện để lấy dụng cụ y tế ra ngoài. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được vận động sớm hơn so với điều trị bảo tồn.
Thời gian lý tưởng nhất để xương liền lại và phục hồi hoàn toàn sau gãy là 3-6 tháng. Trong thời gian này, người bệnh phải hạn chế cầm, mang hay đeo những vật nặng trên vai vì sẽ khiến vai bị kéo xuống và chỗ gãy dễ bị di chuyển. Trong quá trình điều trị, để xương được nhanh liền, bệnh nhân nên có chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu canxi và vitamin D. Người bệnh cần tập khớp vai sau đó để tránh cứng khớp do lâu ngày không cử động.
Tóm lại, gãy lệch xương quai xanh đa phần không gây nguy hiểm, bệnh nhân có thể điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên trong quá trình điều trị có thể gây ra những biến chứng như loét, đâm thủng da, hay di lệch,... Do đó, bệnh nhân cần tái khám theo lịch hẹn để theo dõi quá trình liền xương, đánh giá nguy cơ để có những can thiệp kịp thời.
XEM THÊM: