1.HELICOBACTER PYLORI
1.1. Lịch sử phát hiện
Năm 1979, một nhà giải phẫu bệnh là Warren (Australia), đã công bố sự có mặt của các vi khuẩn hình xoắn ở niêm mạc dạ dày có liên quan đến tình trạng viêm dạ dày mạn tính. Năm 1981, Marshall tìm cách phân lập vi khuẩn này và đã thành công vào năm 1983. Vi khuẩn này được gọi lại là Helicobacter pylori (H. pylori).
1.2.Đặc điểm sinh học
1.2.1. Đặc điểm hình thái
H. pylori có hình cong, xoắn nhẹ, Gram âm. Trong bệnh phẩm sinh thiết ở niêm mạc dạ dày – tá tràng chúng biểu hiện hình thể đặc trưng (hình chữ S, dấu ~ , dấu ?, hình cánh cung…).
1.2.2. Nuôi cấy
H. pylori thuộc loại vi khuẩn vi hiếu khí, chúng thường được nuôi trong điều kiện có 5% O2, 10% CO2, 85% N2, nhiệt độ 35oC – 37oC và độ ẩm cao.
1..2.3. Khả năng đề kháng
H. pylori có khả năng tồn tại lâu dài ở dạ dày, trong môi trường độ pH thường xuyên 2,5 đến 3,0. Điều này liên quan đến một enzyme của H. pylori có tên là urease. Enzyme này có hoạt tính rất cao làm phân huỷ ure trong dịch dạ dày tạo thành một lớp đệm amonia bao quanh vi khuẩn khiến chúng có thể chịu đựng được môi trường axit của dạ dày. Tuy nhiên khi ra khỏi cơ thể, H. pylori dễ bị diệt bởi các thuốc sát trùng thông thường và các yếu tố sinh học khác.
1.2.4. Kháng nguyên và các yếu tố độc lực
H. pylori có rất nhiều kháng nguyên khác nhau. Một số kháng nguyên quan trọng như urease, CagA, VacA là những yếu tố độc lực chủ yếu của chúng.
1.3. Khả năng gây bệnh
1.3.1. Gây bệnh
H. pylori đã được khẳng định là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh ở dạ dày-tá tràng (bao gồm viêm, loét dạ dày-tá tràng và ung thư dạ dày). Những người nhiễm H. pylori có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao từ 2,7 đến 12 lần hơn so với những người không bị nhiễm.
1.3.2. Đáp ứng miễn dịch và sinh bệnh học trong nhiễm H. pylori
Cả đáp ứng miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu của cơ thể đều ít có hiệu quả đối với H. pylori, vì vi khuẩn này không chui sâu xuống dưới lớp niêm mạc như các nhiễm trùng khác mà chúng chủ yếu bám ở bề mặt lớp niêm mạc và ở trong lớp nhầy của dạ dày. Điểm quan trọng nữa là H. pylori lại có khả năng bắt chước các kháng nguyên của tế bào chủ, khiến cho chúng dễ dàng lẩn tránh được sự tấn công của hệ miễn dịch của cơ thể chủ.
1.3.4. Dịch tễ học của nhiễm trùng H. pylori
Những nghiên cứu về dịch tễ học cho biết H. pylori phân bố ở khắp các khu vực, quốc gia trên thế giới, tỉ lệ nhiễm chiếm tới hơn 50% dân số. ở các nước phát triển tỉ lệ nhiễm H. pylori khoảng 20% – 40%. ở các nước đang phát triển tỉ lệ lên đến 70% – 90% ở người trưởng thành.
1.4. Các phương pháp chẩn đoán nhiễm trùng H. pylori
Có nhiều phương pháp phát hiện tình trạng nhiễm H. pylori. Căn cứ vào việc có yêu cầu nội soi hay không, các phương pháp này được chia ra thành hai nhóm: nhóm các phương pháp xâm phạm (invasive methods) và nhóm các phương pháp không xâm phạm (non-invasive methods).
1.4.1. Các phương pháp xâm phạm (invasive methods)
Nhóm các phương pháp này đòi hỏi phải tiến hành thủ thuật nội soi và sinh thiết dạ dày- tá tràng, bao gồm:
– Phương pháp nhuộm soi trực tiếp
- Mảnh sinh thiết được áp trực tiếp lên lam kính, dàn mỏng, để khô tự nhiên hoặc cố định trên đèn cồn, rồi nhuộm Gram để soi.
- Phương pháp nhuộm trực tiếp này đơn giản, nhanh, có thể áp dụng ở tất cả các tuyến có nội soi nhưng kết quả phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của người đọc.
– Urease tests
Do H. pylori sản xuất ra enzyme urease có hoạt tính rất cao để phân hủy ure, vì vậy nguyên tắc của phương pháp là đưa mảnh sinh thiết vào một lượng nhỏ dung dịch ure có chỉ thị màu. Hoạt tính urease của vi khuẩn (nếu có) sẽ nhanh chóng phân hủy ure thành ammoniac làm môi trường trở thành kiềm hóa và chỉ thị màu sẽ thay đổi.
– Nuôi cấy
Được coi là phương pháp chuẩn để xác minh sự có mặt của H. pylori trong bệnh phẩm. Phương pháp này còn cho phép xác định tính nhậy cảm kháng sinh của vi khuẩn và rất cần thiết trong trường hợp bệnh nhân có dị ứng với kháng sinh, hay đã điều trị kháng sinh thất bại.
– PCR (Polymerase Chain Reaction)
Đây là kỹ thuật sinh học phân tử dựa trên nguyên lý khuyếch đại gen. Nguyên lý của kỹ thuật là dùng phản ứng chuỗi polymerase cùng với đầu mồi (primer) gen của H. pylori để khuyếch đại nhiều lần các gen đặc trưng của H. pylori trong bệnh phẩm và dễ dàng chứng minh sự có mặt của chúng. PCR được coi là kỹ thuật có độ nhậy cao nhất trong việc phát hiện các vi sinh vật gây bệnh nói chung cũng như với H. pylori.
1.4.2. Các phương pháp không xâm phạm (non- invasive methods)
Không cần nội soi và sinh thiết, gồm có:
– Test thở với C phóng xạ (Urea breath tests)
Nguyên tắc của phương pháp là cho bệnh nhân uống một lượng nhỏ ure có gắn đồng vị phóng xạ 14C (hoặc 13C) vào trong dạ dày. Enzym urease của H. pylori sẽ nhanh chóng phân hủy ure-14C (hoặc ure-13C) thành ammoniac và dioxide carbon phóng xạ 14C02 (hoặc 13CO2). Dioxide carbon có hoạt tính phóng xạ này sẽ nhanh chóng chuyển vào máu và đi tới phổi, chúng sẽ được phát hiện qua khí thở ra. Gần đây, người ta thường dùng 13C thay cho 14C, an toàn hơn.
– Phương pháp huyết thanh học
- Phương pháp này dựa trên việc tìm kháng thể đặc hiệu kháng H. pylori trong huyết thanh và các dịch tiết của cơ thể.
- Các xét nghiệm huyết thanh học dùng trong chẩn đoán H. pylori gồm có: ELISA, Immunoblot, miễn dịch huỳnh quang gián tiếp và xét nghiệm nhanh với máu toàn phần.
– Xét nghiệm phân tìm kháng nguyên H. pylori (Faecal test)
Loại kit này rất thích hợp để phát hiện H. pylori ở trẻ em cũng như theo dõi H. pylori trước và sau điều trị, nhưng do giá thành cao nên chưa phổ biến.
1.5. Dự phòng và điều trị
1.5.1. Dự phòng
Việc nghiên cứu vacxin H. pylori gặp phẳi khó khăn là bản thân miễn dịch tự nhiên của cơ thể chủ không có khả năng thanh toán được nhiễm trùng. Nhiễm trùng H. pylori vẫn tồn tại dai dẳng kéo dài trong cơ thể chủ, cả miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào đều không thanh toán được H. pylori. Vì vậy vacxin H. pylori cũng khó có khả năng loại trừ được H. pylori ra khỏi cơ thể.
Các biện pháp dự phòng chủ yếu hiện nay ở các nước đang pháp triển là sử dụng nguồn nước sạch, không uống chung, ăn chung bát, đũa, thìa, rửa tay trước khi ăn, bỏ thói quen nhai mớm thức ăn cho trẻ.
1.5.2. Điều trị
Do H. pylori nhanh chóng kháng lại với các thuốc điều trị nên việc điều trị cần phải tuân theo các phác đồ phối hợp thuốc. Phác đồ được lựa chọn đầu tiên là phác đồ bộ 3, gồm một thuốc ức chế bơm axit (PPI – proton pump inhibitor) hoặc RBC (ranitidine bismuth citrate), kết hợp với clarithromycin và amoxicilin hoặc metronidazol.
Nguồn: bệnh viện 103