Chúng ta đều muốn có huyết áp khỏe mạnh nhưng cụ thể thế nào mới là huyết áp khỏe mạnh?
Giới thiệu chung
Khi đo huyết áp, kết quả sẽ gồm có hai con số dưới dạng một phân số với số ở trên là huyết áp tâm thu còn số ở dưới là huyết áp tâm trương. Ví dụ, kết quả đo là 120/80mmHg thì huyết áp tâm thu là 120mmHg còn huyết áp tâm trương là 80mmHg.
Huyết áp tâm thu là mức áp lực mà máu tác động lên thành bên trong động mạch trong quá trình cơ tim co thắt để bơm máu. Còn huyết áp tâm trương là áp lực bên trong động mạch ở giữa các nhịp đập, có nghĩa là khi cơ tim giãn ra.
Cả hai con số đều đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tình trạng sức khỏe tim mạch.
Nếu kết quả đo lớn hơn phạm vi lý tưởng thì có nghĩa là tim đang phải làm việc quá sức để bơm máu đi khắp cơ thể.
Thế nào là chỉ số huyết áp bình thường?
Huyết áp ở mức bình thường là khi chỉ số bên trên của kết quả đo (huyết áp tâm thu) nằm trong khoảng từ 90 đến dưới 120mmHg và chỉ số bên dưới (huyết áp tâm trương) trong khoảng từ 60 đến dưới 80mmHg. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), khi cả huyết áp tâm thu và tâm trương đều đáp ứng đủ điều kiện này thì huyết áp được coi là ở mức bình thường, có nghĩa là kết quả đo phải nằm trong khoảng 90/60 đến 120/80.
Nếu huyết áp của bạn hiện đang nằm trong phạm vi này thì không cần đến bất kỳ phương pháp can thiệp y tế nào nhưng vẫn nên duy trì lối sống lành mạnh và mức cân nặng khỏe mạnh bằng cách tập thể dục đều đặn và ăn uống khoa học để ngăn ngừa nguy cơ tăng huyết áp.
Nguy cơ tăng huyết áp
Nếu kết quả đo huyết áp trên 120/80mmHg thì đây là một dấu hiệu cảnh báo rằng đã đến lúc cần thực hiện các thói quen tốt cho sức khỏe tim mạch.
Khi huyết áp tâm thu nằm trong khoảng từ 120 đến 129mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg thì có nghĩa là bạn có nguy cơ bị tăng huyết áp.
Mặc dù vẫn chưa được coi là cao huyết áp nhưng khi các chỉ số ở mức này thì huyết áp đã không còn nằm trong phạm vi bình thường nữa và có khả năng tiến triển thành tăng huyết áp, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Tuy là lúc này vẫn chưa cần phải dùng thuốc nhưng bạn nên điều chỉnh một số thói quen sống cho lành mạnh hơn ví dụ như một chế độ ăn uống cân đối hợp lý và vận động thường xuyên để hạ huyết áp về mức bình thường và ngăn ngừa huyết áp tăng cao thêm.
Tăng huyết áp giai đoạn 1
Nếu huyết áp tâm thu trong khoảng từ 130 đến 139mmHg hoặc huyết áp tâm trương trong khoảng từ 80 đến 89mmHg thì bạn đã bắt đầu bị tăng huyết áp giai đoạn 1.
Tuy nhiên, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ lưu ý rằng nếu đo một lần mà kết quả ở mức cao thì vẫn chưa thể kết luận là tăng huyết áp. Dù ở bất kỳ giai đoạn nào thì việc chẩn đoán tăng huyết áp đều phải dựa trên kết quả trung bình của nhiều lần đo trong một khoảng thời gian nhất định.
Nếu huyết áp vẫn không cải thiện sau một tháng thay đổi sang các thói quen sống lành mạnh thì có thể bạn sẽ phải bắt đầu dùng thuốc, đặc biệt là khi bác sĩ chẩn đoán bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim. Còn nếu nguy cơ mới chỉ ở mức thấp thì có thể tiếp tục theo dõi thêm từ 3 đến 6 tháng.
Với những người từ 65 tuổi trở lên và vẫn còn khỏe mạnh thì chỉ khi huyết áp tâm thu đạt mức trên 130mmHg mới cần đến các biện pháp điều trị và kết hợp thay đổi lối sống. Còn với những người trên 65 tuổi mà có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng thì phương án điều trị sẽ được điều chỉnh riêng cho từng trường hợp.
Điều trị cao huyết áp ở người cao tuổi sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề về trí nhớ, ví dụ như bệnh sa sút trí tuệ (dementia).
Tăng huyết áp giai đoạn 2
Tăng huyết áp giai đoạn 2 là tình trạng nghiêm trọng hơn tăng huyết áp giai đoạn 1. Nếu chỉ số huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên thì sẽ được coi là tăng huyết áp giai đoạn 2.
Ở giai đoạn này, bác sĩ sẽ bắt đầu kê một hoặc một số loại thuốc để kiểm soát huyết áp. Nhưng không nên chỉ dựa hoàn toàn vào thuốc để cải thiện tình trạng huyết áp. Dù ở giai đoạn 2 hay bất cứ giai đoạn nào thì thói quen, lối sống lành mạnh cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Một số loại thuốc thường được dùng để hạ huyết áp gồm có:
- Thuốc ức chế men chuyển có tác dụng chặn các chất làm hẹp mạch máu
- Thuốc chẹn alpha có tác dụng làm giãn động mạch
- Thuốc chẹn beta có tác dụng làm giảm nhịp tim và ngăn chặn các chất làm co mạch máu
- Thuốc chẹn kênh canxi để làm giãn mạch máu và giúp tim hoạt động ít hơn
- Thuốc lợi tiểu để giảm lượng chất lỏng trong cơ thể, bao gồm cả ở trong mạch máu
Ngưỡng nguy hiểm
Khi kết quả đo huyết áp trên 180/120mmHg thì lúc này sẽ rất dễ xảy ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, huyết áp ở mức này được xếp vào “cơn tăng huyết áp” (hypertensive crisis) và cần phải điều trị khẩn cấp ngay cả khi không có triệu chứng xảy ra.
Các triệu chứng thường gặp khi xảy ra cơn tăng huyết áp gồm có:
- Tức ngực
- Khó thở, thở gấp
- Có vấn đề về thị lực như mắt nhìn mờ
- Các triệu chứng của đột quỵ, chẳng hạn như tê liệt hoặc mất kiểm soát cơ ở mặt hoặc ngón tay, chân.
- Tiểu ra máu
- Chóng mặt
- Đau đầu
Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này chỉ xảy ra tạm thời và sau đó các chỉ số sẽ trở lại bình thường. Nếu đo được huyết áp ở mức này thì sẽ cần đo lại lần thứ hai sau vài phút. Nếu kết quả đo lần hai vẫn không thay đổi thì sẽ cần tiến hành các biện pháp điều trị càng sớm càng tốt.
Biện pháp phòng ngừa
Ngay cả khi chỉ số huyết áp của bạn ở mức khỏe mạnh thì vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giữ huyết áp luôn ổn định ở mức đó và giảm nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh tim và đột quỵ.
Tuổi càng cao thì các biện pháp phòng ngừa càng quan trọng. Sau tuổi 50, huyết áp tâm thu thường tăng lên và càng đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và các căn bệnh tim mạch khác. Một số bệnh lý khác như bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận cũng đóng vai trò.
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bạn có thể áp dụng để hạ hoặc giữ cho huyết áp ở mức ổn định:
Giảm lượng muối (natri)
Với những người mà cơ thể nhạy cảm với tác động của muối trong chế độ ăn hàng ngày thì nên hạn chế lượng muối tiêu thụ dưới 2.300mg mỗi ngày. Còn những người đã bị tăng huyết áp thì không nên ăn quá 1.500mg muối mỗi ngày.
Ngoài ra, cũng nên hạn chế cả các loại thực phẩm chế biến sẵn vì những sản phẩm này có giá trị dinh dưỡng rất thấp trong khi lại chứa nhiều chất béo và natri.
Giảm lượng caffeine
Caffeine cũng là một tác nhân làm cho huyết áp tăng cao.Vì vậy nên nếu bạn bị tăng huyết áp thì nên hạn chế lượng caffeine tiêu thụ mỗi ngày.
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên là cách hiệu quả để duy trì chỉ số huyết áp ở mức khỏe mạnh. Tốt nhất là nên tập thể dục đều đặn hàng ngày, mỗi lần 30 phút thay vì chỉ tập vài tiếng đồng hồ vào cuối tuần. Ngoài ra, các bài tập yoga nhẹ nhàng cũng có tác dụng giảm huyết áp.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Nếu cân nặng của bạn đã ở mức khỏe mạnh thì hãy cố gắng duy trì còn nếu thừa cân thì chỉ cần giảm đi từ 2 đến 5kg cũng đủ để có tác động đáng kể đến chỉ số huyết áp theo hướng tích cực.
Hạn chế căng thẳng
Hạn chế căng thẳng bằng cách tập thể dục vừa phải, tập yoga hoặc ngồi thiền khoảng 10 phút mỗi ngày cũng là cách để giảm nguy cơ tăng huyết áp. Bạn có thể tham khảo thêm 10 cách đơn giản để giảm căng thẳng tại đây.
Giảm đồ uống có cồn và bỏ thuốc lá
Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể mà bạn nên cắt giảm hoặc bỏ hoàn toàn các loại đồ uống có cồn. Nhưng nếu hút thuốc thì cần phải bỏ hẳn vì các chất trong khói thuốc lá vô cùng có hại cho sức khỏe tim mạch.
Huyết áp thấp
Huyết áp thấp hay còn được gọi là tụt huyết áp. Ở người lớn, chỉ số huyết áp từ 90/60mmHg trở xuống sẽ được coi là huyết áp thấp. Đây là vẫn đề cũng rất nguy hiểm vì khi huyết áp quá thấp thì cơ thể và tim sẽ không được cung cấp đủ oxy.
Huyết áp thấp có thể là do một số nguyên nhân gây ra như:
- Vấn đề về tim
- Mất nước
- Mang thai
- Mất máu
- Nhiễm trùng nặng (nhiễm trùng máu)
- Sốc phản vệ
- Suy dinh dưỡng
- Vấn đề về nội tiết
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Huyết áp thấp thường đi kèm với triệu chứng chóng mặt, xây xẩm. Nếu gặp phải những triệu chứng này thì nên đi khám để tìm ra nguyên nhân gây tụt huyết áp và có những biện pháp khắc phục.
Lời kết
Duy trì chỉ số huyết áp trong phạm vi bình thường là điều rất quan trọng trong việc ngăn ngừa các biến chứng, chẳng hạn như bệnh tim và đột quỵ.
Cần nhớ rằng kết quả sau một lần đo vẫn chưa nói lên điều gì mà thay vào đó cần lấy kết quả trung bình của nhiều lần đo trong một khoảng thời gian thì mới có thể kết luận chính xác. Ngoài ra, nên đến các phòng khám hoặc bệnh viện để được kiểm tra huyết áp ít nhất một lần một năm. Còn nếu chỉ số huyết áp ở mức cao thì sẽ cần kiểm tra thường xuyên hơn.