Ho mang tính chất bảo vệ cơ thể nhằm loại bỏ đàm, các chất dịch do phổi hay phế quản tiết ra hoặc tống các dị vật ra khỏi hệ thống hô hấp. Ngoài ra ho còn là một bệnh lý thể hiện cho tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp hoặc một số rối loạn trong cơ thể. Bệnh xảy ra phổ biến và không giới hạn độ tuổi. Khi xảy ra trong thời gian dài, bệnh khiến bệnh nhân luôn có cảm giác khó chịu, khổ sở, bứt rứt và cần được điều trị kịp thời.
Ho là gì?
Cơn ho đột ngột xuất hiện và lặp lại nhiều lần được xác định là một dạng phản xạ của cơ thể. Phản xạ này mang tính chất bảo vệ cơ thể bằng cách loại bỏ đàm, các chất dịch do phổi hay phế quản tiết ra hoặc tống các dị vật (vi sinh vật, sinh vật gây kích ứng, vi khuẩn, hạt bụi…) ra ngoài. Từ đó giúp làm sạch đường hô hấp.
Trong hầu hết các trường hợp, ho là triệu chứng điển hình và xảy ra phổ biến nhất khi các rối loạn trong cơ thể và bệnh lý về đường hô hấp xuất hiện.
Các bệnh ho thường gặp
Bệnh ho được phân thành nhiều loại khác nhau. Trong đó ho cấp tính, ho gà, ho mãn tính, ho mất tiếng hay tắt tiếng là các dạng xảy ra phổ biến nhất.
1. Ho cấp tính
Ho cấp tính là tình trạng cơn ho diễn ra một cách đột ngột. Sau khi xuất hiện, bệnh kéo dài dưới 3 tuần khiến bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, suy nhược, viêm họng, sốt, hơi thở khò khè, đổ mồ hôi vào ban đêm.
Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn, dị ứng, tràn dịch phổi hoặc đang mắc các bệnh về đường hô hấp cấp.
2. Ho mãn tính
Ho mãn tính là tình trạng cơn ho xuất hiện và kéo dài trên 8 tuần. Các triệu chứng thường nặng hơn so với giai đoạn cấp tính. Trào ngược dạ dày thực quản, hen suyễn, viêm phế quản mạn, nhiễm trùng… là những nguyên nhân khiến bệnh hình thành và phát triển.
3. Ho có đờm
Lượng dịch đờm ứ đọng trong cổ họng có thể nhiều hoặc ít, lỏng hoặc đặc sánh. Ho có đờm được xác định là một phản xạ có lợi của cơ thể nhằm loại bỏ đờm, các chất nhầy được tiết ra ngay tại niêm mạc đường hô hấp.
Tình trạng ho có đờm thường đi kèm với nhiều bệnh lý khác, bao gồm: Bệnh hen suyễn, bệnh viêm xoang, bệnh viêm phế quản…
4. Ho khan
Ho khan là tình trạng ho không chứa đờm, không chứa các dịch tiết. Cơn ho thường kéo dài và lặp lại nhiều lần khiến vùng cổ họng đau rát, khó chịu và tức ngực. Ở một số trường hợp, người bệnh có thể cảm nhận được cơn đau xảy ra ở vùng ngang rốn do cơ hoành bị tác động, co thắt và di chuyển lên xuống nhiều lần.
Ho khan thường là triệu chứng báo hiệu của bệnh cúm. Ngoài ra tình trạng này còn xuất hiện khi cơ thể bị cảm lạnh đột ngột, khi ngửi phải nhiều khói bếp, nghiện thuốc lá…
Đối với ho khan, nếu không kịp thời điều trị, người bệnh có thể mắc phải biến chứng nguy hiểm như viêm thanh quản, nhiễm trùng tai, ung thư vòm họng…
5. Ho gà
Ho gà là triệu chứng cảnh báo đường hô hấp bị nhiễm khuẩn. Tình trạng này thường kéo dài, dữ dội khiến bệnh nhân luôn có cảm giác mệt mỏi, khó chịu, đau đớn từ việc gia tăng áp lực lên lòng ngực khi ho. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể bị chảy nước mắt, mắt sưng, đỏ mặt…
6. Ho ra máu
Ho ra máu là tình trạng xảy ra phổ biến ở những người mắc bệnh viêm phế quản mãn tính, bệnh lao phổi, giãn phế quản. Tình trạng này thường đột ngột xuất hiện và kéo dài trên 3 tuần. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý, lượng máu có thể ra ít hoặc nhiều.
Ho ra máu là triệu chứng cảnh báo nhiều bệnh hô hấp nguy hiểm. Chính vì thế, người bệnh cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để tiến hành kiểm tra và điều trị ngay khi bệnh xuất hiện.
7. Ho mất tiếng, tắc tiếng
Ho tắc tiếng, mất tiếng là tình trạng ho kéo dài dẫn đến mất tiếng, khản tiếng khó nói hoặc không thể nói được, hiện tượng nhiễm trùng đường hô hấp chủ yếu do hạt xơ thanh quản, viêm thanh quản, ung thư thanh quản.
Mức độ nguy hiểm của bệnh ho
Theo các chuyên gia và các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, ho là bệnh lý có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng này, không giới hạn độ tuổi. Thời gian phát bệnh dài ngắn khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe và nguyên nhân gây bệnh. Đối với trường hợp ho do cảm lạnh, cảm cúm, bệnh có thể khỏi sau vài ngày hoặc vài tuần, biện pháp chăm sóc và điều trị bệnh tương đối đơn giản.
Tuy nhiên cơn ho xuất hiện kéo dài và không được kiểm soát có thể tạo điều kiện thuận lợi để nhiều biến chứng nguy hiểm xuất hiện. Cụ thể như: Vỡ khí quản, tổn thương thanh quản, viêm tai giữa, tràn dịch phổi.
Ngoài ra, ở những trường hợp chủ quan không sớm thăm khám và điều trị, bệnh nhân có thể mắc bệnh lao hoặc bị ho gà đối với trẻ nhỏ. Nguy hiểm hơn, cơn ho xuất hiện lâu ngày khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. Vì thế, người bệnh cần phải áp dụng các phương pháp loại trừ ngay khi bệnh khởi phát.
Các triệu chứng ho cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm
Bệnh ho xuất hiện với các triệu chứng đặc trưng gồm những cơn ho ngắn hoặc kéo dài dai dẳng khiến bệnh nhân có cảm giác đau rát và ngứa ngáy tại vùng cổ họng. Không giống với những bệnh lý liên quan đến đường hô hấp khác, người bệnh có thể dễ dàng nhận biết bệnh ho thông qua các triệu chứng nổi bậc sau:
- Ho cấp tính: Bệnh xảy ra đột ngột nhưng ngắn hạn, thời gian khỏi bệnh dao động từ 1 – 2 ngày hoăc bệnh sẽ khỏi sau khi dị nguyên được tống ra khỏi đường hô hấp, niêm mạc mũi họng hết bị kích thích.
- Ho thành cơn: Ho kéo dài, liên tục và thành từng cơn xảy ra phổ biến ở những bệnh nhân mắc bệnh ho gà. Tình trạng này thường khiến áp lực tại lồng ngực tăng cao dẫn đến bụng bi co bóp mạnh và hình thành những cơn đau ê ẩm.
- Ho có đờm: Cơn ho thường xuất hiện đồng thời với dịch đờm và các chất nhầy. Bên cạnh đó bệnh nhân luôn có cảm giác nặng ngực và khó thở khi ho. Bệnh xảy ra phổ biến ở những người bị viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản…
- Ho khan: Ho khan khiến bệnh nhân luôn có cảm giác đau rát vùng cổ họng, đau ngang vùng quanh rốn và tức ngực.
- Ho ra máu: Ho kéo dài trên 3 tuần và kèm theo máu. Lượng máu có thể tiết ra nhiều hoặc ít, không có hoặc có đờm kéo theo máu tươi. Kết quả nghuên cứu cho thấy có 90% trường hợp ho kèm theo máu là do bệnh ho lao. Các trường hợp còn lại là do bệnh ung thư phổi, bệnh viêm phổi cấp tính và mãn tính.
Nguyên nhân gây ho
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu khiến cơn ho xuất hiện là do các bệnh về đường hô hấp. Điển hình như bệnh viêm amidan, bệnh viêm họng, bệnh viêm phổi, bệnh hen suyễn, bệnh viêm thanh quản cấp tính…
Ngoài ra bệnh cũng có thể xuất hiện do một số yếu tố bên ngoài như môi trường, thời tiết, không gian sống…
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến khiến bệnh ho xảy ra và tiến triển theo chiều hướng xấu:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên được xác định là nguyên nhân chính khiến bệnh ho xuất hiện. Trong trường hợp người bệnh bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do virus, cơn ho sẽ kéo dài từ 3 – 14 ngày đối với người lớn và từ 6 – 7 ngày đối với trẻ nhỏ.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khiến quá trình lưu thông không khí bị cản trở dẫn đến khó thở. Trong trường hợp này, cơn ho là một phản xạ bảo vệ cơ thể, giúp lưu thông đường thở, kiểm soát biểu hiện khó thở.
- Các bệnh lý về phổi: Lao phổi, viêm phổi, áp xe phổi, bụi phổi… là những bệnh lý về phổi có khả năng kích thích cơ thể để hình thành cơn ho như một dấu hiệu nhận biết các bệnh thông thường.
- Hen suyễn: Bệnh hen suyễn khiến khí quản bị viêm, luồng không khí vào trong phổi bị cản trở dẫn đến kích thích cổ họng và gây ho.
- Giãn phế quản: Ho do giãn phế quản thường xảy ra vào những buổi sáng sớm. Ở trường hợp này, cơn ho thường kèm theo rất nhiều đờm trắng.
- Viêm phế quản: Những cơn ho do bệnh viêm phế quản gây ra thường dai dẳng kéo dài. Niêm mạc phế quản bị kích ứng, tổn thương dẫn đến ho. Tình trạng này sẽ kéo dài trên 3 tháng nếu bạn bị viêm phế quản mãn tính.
- Môi trường ô nhiễm: Không khí ô nhiễm, nấm mốc, bụi bẩn có thể tác động và kích thích niêm mạc mũi, họng để làm tăng tần suất xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của những cơn ho.
- Dị ứng: Ngay sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như hóa chất, khói, bụi, phấn hoa, lông chó mèo… phổi sẽ cố gắng hoạt động mạnh để loại bỏ các dị nguyên bằng cách kích thích cơ thể của bạn sản sinh phản ứng ho.
Phương pháp điều trị bệnh ho
Đối với những trường hợp nhẹ, bệnh ho có thể tự khỏi sau vài ngày áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên đối với những trường hợp nặng, bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ và nhờ đến sự chăm sóc y tế. Bởi nếu không sớm áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp, bệnh có thể phát triển và chuyển sang giai đoạn mãn tính. Từ đó làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày của người bệnh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của bệnh lý và tình trạng sức khỏe, người bệnh có thể xem xét và áp dụng một trong những phương pháp điều trị sau:
Sử dụng thuốc Tây điều trị bệnh ho
Thông thường để điều trị bệnh ho, bác sĩ chuyên khoa có thể ghi cho bạn một toa thuốc có chứa các loại thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm, thuốc giảm ho, thuốc tiêu đờm và nhiều loại thuốc khác tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể:
Thuốc loãng đờm / thuốc tiêu đờm
Trong trường hợp ho kèm theo đờm hoặc các dịch nhầy khác được tiết ra từ phổi, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bạn sử dụng thuốc loãng đờm / thuốc tiêu đờm. Việc sử dụng loại thuốc này sẽ giúp người bệnh tiêu đờm, loại bỏ dịch nhầy, đờm mau chóng loãng, hỗ trợ quá trình bài xuất ra ngoài khi ho.
Thuốc giảm ho
Thuốc giảm ho thường được sử dụng ở những trường hợp nghiêm trọng, ho không kiểm soát khiến người bệnh khó thở, đau ngực, nóng rát cổ họng. Loại thuốc này có tác dụng ức chế phản xạ ho, phòng ngừa ngừa tình trạng này xuất hiện kéo dài. Dextromethorphan và codein là hai loại thuốc được sử dụng phổ biến. Tùy thuộc vào độ tuổi mắc bệnh và tình trạng sức khỏe, liều dùng thuốc ở mỗi người sẽ khác nhau.
Thuốc kháng sinh
Bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định thuốc kháng sinh cho những trường hợp cơn ho xuất hiện do nhiễm khuẩn.
Thuốc chữa hen
Thuốc chữa hen được sử dụng cho những trường hợp bị ho do hen. Loại thuốc này có tác dụng lưu thông đường thở và giảm viêm.
Thuốc kháng histamin chống xung huyết
Thuốc kháng histamin chống xung huyết có tác dụng cải thiện tình trạng ho do kích ứng, đi kèm với nhiều triệu chứng khó chịu như chảy dịch mủ trắng, viêm mũi.
Lưu ý an toàn
Phần đa các loại thuốc dùng trong điều trị bệnh ho đều có một phần kháng sinh, tá dược. Chính vì thế nếu bạn sử dụng thuốc quá liều hoặc lạm dụng, tình trạng kháng thuốc, nhờn thuốc có thể xuất hiện.
Ngoài ra việc sử dụng thuốc kéo dài có thể khiến chức năng thận và chức năng gan bị ảnh hưởng. Vì thế người bệnh cần dùng thuốc đúng với hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Điều trị ho bằng thảo dược thiên nhiên
Một số loại thảo dược thiên nhiên như lá hẹ, tỏi, quất, húng chanh… có khả năng làm dịu nhanh tình trạng ngứa rát cổ họng, phòng ngừa viêm nhiễm và cắt giảm cơn ho. Tuy nhiên phương pháp chữa bệnh này chỉ có tác dụng với những trường hợp nhẹ, nguyên nhân gây bệnh không quá phức tạp hoặc bệnh mới khởi phát.
Cách sử dụng lá hẹ giúp kiểm soát cơn ho
Tác dụng:
- Kháng viêm, chống khuẩn
- Cắt giảm cơn ho
- Phòng ngừa tình trạng tiết đờm.
Nguyên liệu:
- 30 gram lá hẹ tươi
- Đường phèn.
Cách thực hiện:
- Mang lá hẹ rửa sạch, để ráo và thái thành từng khúc nhỏ
- Cho lá hẹ cùng đường phèn vào nồi và tiến hành hấp cách thủy
- Lọc lấy nước và chia thành 2 lần uống trong ngày, có thể ăn cả phần lá
- Để cải thiện cơn ho, người bệnh nên kiêng trì áp dụng cách hấp lá hẹ với đường phèn mỗi ngày, liên tục trong 5 ngày.
Cách kết hợp lá húng chanh, quất và đường phèn điều trị bệnh ho
Tác dụng:
- Điều trị ho do nhiễm trùng đường hô hấp (viêm họng, viêm amidan…)
- Cải thiện cảm giác ngứa và đau rát cổ họng
- Phòng ngừa tình trạng tức ngực, khó thở do ho.
Nguyên liệu:
- Một nắm lá húng chanh
- 4 – 5 quả quất
- Đường phèn.
Cách thực hiện:
- Mang quất và lá húng chanh rửa sạch, để ráo
- Quất bổ đôi và loại bỏ phần hạt
- Cho chén chứa quất, đường phèn và lá húng chanh vào nồi, thực hiện hấp cách thủy trong 20 phút
- Chia hỗn hợp thành 2 lần ăn và uống trong ngày
- Người bệnh áp dụng cách kết hợp lá húng chanh, quất và đường phèn điều trị bệnh ho từ 3 – 5 ngày sẽ nhận thấy cơn ho thuyên giảm đáng kể.
Cách điều trị bệnh ho bằng mật ong
Tác dụng:
- Bảo vệ niêm mạc họng
- Cải thiện tình trạng ho khan, ho có đờm
- Làm dịu cảm giác ngứa rát cổ họng.
Nguyên liệu:
- 20ml mật ong nguyên chất.
Cách thực hiện:
- Hòa tan mật ong nguyên chất cùng với 300ml nước ấm
- Uống 2 lần mỗi ngày (buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ)
- Người bệnh kiên trì áp dụng cách điều trị bệnh ho bằng mật ong mỗi ngày trong 5 ngày. Việc kiên trì áp dụng sẽ giúp người bệnh cải thiện cơn ho rõ rệt.
Lưu ý:
- Không sử dụng mật ong cho trẻ em dưới 1 tuổi.
Cách kiểm soát bệnh ho bằng tỏi
Tác dụng:
- Chống khuẩn, kháng viêm, ngăn ngừa viêm nhiễm đường hô hấp
- Cải thiện cơn ho ở mức độ từ nhẹ đến trung bình
- Trị viêm, cải thiện tình trạng đau rát cổ họng
- Tiêu đờm.
Nguyên liệu:
- 2 – 3 tép tỏi.
Cách thực hiện:
- Nướng chín lượng tỏi đã chuẩn bị
- Bóc bỏ phần vỏ cháy
- Cho tỏi vào máy và thực hiện xay nhuyễn
- Pha tỏi cùng với một lượng nước ấm vừa đủ để uống
- Thực hiện cách kiểm soát bệnh ho bằng tỏi 2 lần mỗi ngày. Áp dụng liên tục từ 3 – 5 ngày.
Cách dùng quả quất điều trị bệnh ho
Cách 1: Quất chưng đường phèn
Tác dụng:
- Điều trị bệnh ho do cảm lạnh
- Trừ đờm, bổ trung, ích khí
- Hòa vị, chỉ khái.
Nguyên liệu:
- 3 – 4 quả quất
- Đường phèn.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch lượng quất đã chuẩn bị và để ráo nước
- Bổ đôi quất và loại bỏ phần hạt
- Cho quất vào chén cùng với một lượng đường phèn vừa đủ
- Mang hỗn hợp hấp cách thủy trong 20 phút
- Để nguội bớt, sử dụng cả phần nước và cái
- Thực hiện 2 lần mỗi ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
Cách 2: Kết hợp quất và mật ong nguyên chất
Công dụng:
- Làm dịu niêm mạc hô hấp
- Giảm ho, long đờm
- Ức chế hoạt động của một số loại vi khuẩn gây hại ở cơ quan hô hấp trên.
Nguyên liệu:
- 500 gram – 1kg quất tươi
- Mật ong nguyên chất
- Đường phèn.
Cách thực hiện:
- Ngâm và rửa quất trong nước muối loãng
- Cắt đôi quả quất, loại bỏ phần hạt, vắt lấy nước và giữ lại vỏ
- Mang vỏ quất cắt thành từng sợi nhỏ
- Cho vỏ quất và nước cốt vào nồi, đun cho đến khi nước rút lại thì thêm mật ong nguyên chất và một ít đường phèn
- Sên nhỏ lửa, thêm một ít muối khi hỗn hợp đặc lại
- Đợi hỗn hợp nguội thì cho vào bình thủy tinh để bảo quản và dùng dần
- Khi cần lấy 2 – 3 thìa quất mật ong hòa tan cùng với 250ml nước ấm
- Uống ngay khi vừa thực hiện
- Áp dụng vào mỗi buổi sáng và tối.
Biện pháp phòng ngừa bệnh ho
Để phòng ngừa bệnh ho, bạn có thể áp dụng một số biện pháp được liệt kê dưới đây:
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin C trong các bữa ăn hàng ngày để cải thiện sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch. Từ đó phòng ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác. Thực phẩm giàu vitamin C gồm cam, bưởi, xoài, dứa, cam, chanh, rau xanh…
- Sử dụng thực phẩm mềm và lỏng.
- Bổ sung thực phẩm giàu kẽm như ngao, sò, củ cải trắng… để nâng cao sức khỏe tổng.
- Uống nhiều nước mỗi ngày
- Hạn chế sử dụng đồ ăn hoặc thức uống quá lạnh, thực phẩm cay nóng, thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, rượu bia, nước uống có ga, đồ uống chứa chất kích thích, thực phẩm quá ngọt…
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh hoặc vào thời điểm giao mùa.
- Tránh xa các tác nhân có khả năng gây kích ứng như phấn hoa, khói bụi, nấm mốc, lông động vật…
- Hạn chế tắm khuya hoặc tắm nước quá lạnh.
- Thường xuyên tham gia vào các hoạt động sinh hoạt hoặc luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng và sức khỏe tổng thể.
Bài viết là một số thông tin về bệnh ho, các loại thường gặp, dấu hiệu và cách điều trị. Đây là một bệnh lý xảy ra phổ biến và thường không quá nghiêm trọng, bạn có thể dễ dàng kiểm soát bệnh bằng nhiều cách. Tuy nhiên nếu không điều trị, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính và gây biến chứng. Do đó, bạn nên áp dụng các phương pháp chữa bệnh thích hợp ngay khi cơn ho xuất hiện.