HPV có tự khỏi không?

3 năm trước 24

HPV không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Vì vậy, cách duy nhất để biết mình có nhiễm vi-rút hay không là xét nghiệm sàng lọc.

HPV là gì?

HPV là viết tắt của human papillomavirus (vi-rút u nhú ở người), là một loại vi-rút lây truyền qua đường tình dục phổ biến, xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ.

HPV có thể xâm nhập vào các tế bào biểu mô (tế bào nằm ở bề mặt) của niêm mạc miệng hoặc bộ phận sinh dục và của da (da bàn tay hoặc da lòng bàn chân). Vì vậy nên bất kỳ bộ phận nào tiếp xúc HPV cũng đều có thể bị lây nhiễm vi-rút.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), gần như tất cả những người có quan hệ tình dục đều bị nhiễm HPV, trừ những người đã tiêm vắc-xin.

Không chỉ có một mà có hơn 150 chủng HPV khác nhau.

HPV có tự khỏi không?

Sau khi nhiễm HPV, vi-rút này có thể tồn tại trong cơ thể một vài năm. Trong hầu hết các trường hợp, cơ thể có thể tạo ra kháng thể chống lại vi-rút và tiêu diệt vi-rút trong vòng từ 1 đến 2 năm. Hầu hết các chủng HPV đều biến mất vĩnh viễn mà không cần điều trị.

Do đó, đa số những người bị nhiễm HPV đều không hề hay biết vì cơ thể loại bỏ hoàn toàn vi-rút từ trước khi kịp biểu hiện triệu chứng.

HPV không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Vì vậy, cách duy nhất để biết mình có nhiễm vi-rút hay không là xét nghiệm sàng lọc. Phụ nữ nên hỏi ý kiến bác sĩ về tần suất xét nghiệm cụ thể vì mỗi một độ tuổi sẽ cần xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) với tần suất khác nhau. Hiện chưa có phương pháp xét nghiệm HPV dành cho nam giới.

Các triệu chứng nhiễm HPV

Đa phần HPV không gây triệu chứng nhưng nếu có thì cũng không biểu hiện ngay trong thời gian đầu.

Mụn cóc thường xuất hiện sau vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm sau khi nhiễm virus. HPV có thể gây ra các loại mụn cóc khác nhau, tùy thuộc vào chủng HPV bị nhiễm:

  • Mụn cóc sinh dục: có dạng những cục mụn nhỏ, mọc đơn lẻ hoặc thành cụm, có màu da hoặc màu nâu và có hình dạng sần sùi giống như súp lơ. Mặc dù thường không đau nhưng loại mụn cóc này gây ngứa.
  • Mụn cóc thông thường: là những cục mụn sần sùi, nhô cao trên bề mặt da, thường xuất hiện trên bàn tay, ngón tay hoặc khuỷu tay.
  • Mụn cóc Plantar: sần sùi, cứng, thường xuất hiện trên gót chân hoặc những chỗ bị chai của lòng bàn chân.
  • Mụn cóc phẳng: là những tổn thương hơi nhô trên bề mặt da, đỉnh phẳng và nhẵn, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, thường sẫm màu hơn vùng da xung quanh.

Ở phụ nữ, một số chủng HPV còn có thể gây ra những bất thường ở cổ tử cung. Những dấu hiệu bất thường này có thể được phát hiện bằng phương pháp xét nghiệm Pap hoặc sinh thiết.

Điều trị nhiễm HPV bằng cách nào?

Không có cách nào có thể tiêu diệt HPV nhưng có thể điều trị được các triệu chứng do vi-rút này gây ra.

Khi có mụn cóc thì có thể loại bỏ bằng những biện pháp như phẫu thuật lạnh, bôi thuốc, phá hủy bằng laser, kim điện... Khi phát hiện các tế bào tiền ung thư thì có thể loại bỏ bằng những phương pháp như phẫu thuật lạnh hay khoét chóp cổ tử cung để ngăn chặn các tế bào này phát triển thành ung thư. Các bệnh ung thư khác liên quan đến HPV như ung thư khoang miệng hoặc ung thư cổ tử cung đều có thể điều trị được nếu phát hiện sớm.

Ngăn ngừa nhiễm HPV

Có thể ngăn ngừa nhiễm HPV bằng cách quan hệ tình dục an toàn và tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV.

Quan hệ tình dục an toàn

Quan hệ tình dục an toàn là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả nhiễm HPV.

Luôn phải sử dụng các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như đeo bao cao su hoặc dùng màng chắn miệng bất cứ khi nào quan hệ tình dục.

Tiêm phòng HPV

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép cho vắc-xin Gardasil 9. Loại vắc-xin này có tác dụng chống lại 4 chủng HPV phổ biến nhất là 6, 11, 16 và 18 cộng thêm 5 chủng khác là 31, 33, 45, 52 và 58.

Vắc-xin Gardasil 4 hay được gọi là vắc-xin Gardasil có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các chủng HPV 6, 11, 16 và 18.

Loại vắc-xin thứ ba, Cervarix chỉ có thể chống lại hai chủng HPV là 16 và 18.

Người từ 15 tuổi trở nên cần tiêm đủ 3 mũi trong vòng 6 tháng. Đây là điều bắt buộc để có hiệu quả bảo vệ tối đa. Những trẻ bắt đầu tiêm vắc-xin từ trước 15 tuổi sẽ chỉ cần tiêm 2 mũi trong vòng 6 đến 12 tháng.

Độ tuổi được khuyến nghị tiêm vắc-xin HPV là từ 11 - 12 tuổi nhưng có thể tiêm từ 9 đến 26 tuổi. Hiện nay, FDA đã nâng độ tuổi có thể tiêm vắc-xin phòng HPV lên 45 nhưng những người từ 27 tuổi đến 45 tuổi nếu muốn tiêm thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước.

Tóm tắt bài viết

Nhiễm HPV là vấn đề xảy ra rất phổ biến ở cả nam giới và nữ giới có quan hệ tình dục.

Phụ nữ có thể tự bảo vệ mình khỏi các bệnh liên quan đến HPV bằng cách khám sàng lọc định kỳ.

Ngoài ra, cả nam và nữ đều có tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV. Mặc dù vắc-xin này được khuyên nghị tiêm ở tuổi 11 đến 12 nhưng những người chưa được tiêm ở độ tuổi này vẫn có thể tiêm trước năm 26 tuổi. Mặc dù một khi đã nhiễm HPV thì vắc-xin không thể điều trị được nhưng sẽ giúp làm giảm nguy cơ nhiễm các chủng HPV khác.

Đọc toàn bộ bài viết