HPV và ung thư vòm họng

3 năm trước 22

Bảo vệ bản thân khỏi HPV là điều quan trọng nhất để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan, bao gồm cả ung thư vòm họng.

Ung thư vòm họng dương tính với HPV

Virus u nhú ở người (HPV) là một loại virus lây truyền qua đường tình dục. Mặc dù virus này thường chủ yếu ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục nhưng cũng có thể gây ra vấn đề ở nhiều khu vực khác của cơ thể. Có hơn 40 chủng HPV lây truyền qua đường tình dục và ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục cũng như là miệng, họng.

HPV 16 - một trong các chủng HPV lây qua đường miệng - có thể gây ung thư vòm họng. Những trường hợp này được gọi là ung thư vòm họng dương tính với HPV. Vậy ung thư vòm họng dương tính với HPV có những triệu chứng nào, ai có nguy cơ mắc, điều trị và ngăn ngừa bằng cách nào?

Các triệu chứng

Các triệu chứng của ung thư vòm họng dương tính với HPV cũng tương tự như các triệu chứng ung thư vòm họng âm tính với HPV (không phải do nhiễm HPV). Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy nguy cơ bị triệu chứng sưng hạch bạch huyết ở cổ khi mắc ung thư vòm họng dương tính với HPV cao hơn so với ung thư vòm họng âm tính với HPV. Mặt khác, khi bị ung thư vòm họng âm tính với HPV thì người bệnh lại dễ bị đau rát họng hơn.

Các triệu chứng của ung thư vòm họng dương tính với HPV gồm có:

  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau tai
  • Sưng lưỡi
  • Đau khi nuốt
  • Khàn tiếng
  • Tê bên trong miệng
  • Nổi u cục bên trong miệng và trên cổ
  • Ho ra máu
  • Xuất hiện các mảng đỏ hoặc trắng trên amidan
  • Sụt cân không chủ đích

Rất khó phát hiện ung thư vòm họng ở giai đoạn đầu do ở giai đoạn này, bệnh thường không bộc lộ triệu chứng. Không phải ai bị nhiễm HPV ở miệng cũng gặp phải các vấn đề sức khỏe. Trên thực tế, nhiều trường hợp nhiễm HPV hoàn toàn không có triệu chứng và virus sẽ biến mất khỏi cơ thể sau khoảng từ 1 đến 2 năm.

Nguyên nhân

HPV ở miệng thường chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục đường miệng nhưng hiện vẫn chưa rõ cơ chế virus này gây ra ung thư vòm họng.

Cần lưu ý rằng, nhiều trường hợp nhiễm HPV qua đường miệng không có bất kỳ triệu chứng nào nên người bệnh không hề hay biết và vô tình truyền virus sang cho người khác. Hơn nữa, phải sau nhiều năm kể từ thời điểm nhiễm HPV thì ung thư vòm họng mới phát triển. Cả hai điều này đều gây khó khăn cho việc tìm ra nguyên nhân gây ung thư.

Yếu tố nguy cơ

Theo ước tính, có khoảng 1% người trưởng thành bị nhiễm chủng HPV 16. Ngoài ra, khoảng 2/3 số ca ung thư vòm họng là có liên quan đến chủng virus này. Đó là lý do tại sao nhiễm HPV ở miệng là một yếu tố làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư vòm họng. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HPV 16 cũng đều bị ung thư vòm họng.

Một nghiên cứu vào năm 2017 đã cho thấy rằng hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ quan trọng. Mặc dù hút thuốc không gây ra ung thư vòm họng dương tính với HPV nhưng ở những người hút thuốc và đang bị nhiễm HPV thì nguy cơ các tế bào khỏe mạnh biến thành ung thư sẽ cao hơn bình thường rất nhiều. Hút thuốc còn làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng âm tính với HPV.

Ngoài ra, theo một nghiên cứu mới đây, tỷ lệ nhiễm HPV qua đường miệng ở nam giới cao gấp 3 lần so với nữ giới, trong đó nam giới có tỷ lệ nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao nhiều gấp 5 lần và tỷ lệ nhiễm HPV 16 ở miệng nhiều 6 lần so với phái nữ.

Biện pháp chẩn đoán

Không có phương pháp xét nghiệm đơn lẻ nào có thể phát hiện HPV trong miệng hoặc ung thư vòm họng dương tính với HPV. Bác sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu của ung thư vòm họng hoặc nhiễm HPV ở miệng khi khám định kỳ hoặc khi đi khám nha khoa. Thông thường, ung thư chỉ được chẩn đoán sau khi người bệnh có triệu chứng.

Ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh thì nên đi khám tầm soát ung thư vòm họng định kỳ. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ quan sát bên trong khoang miệng và sử dụng ống nội soi để kiểm tra phía sau cổ họng cũng như là dây thanh quản.

Phương pháp điều trị

Điều trị ung thư vòm họng dương tính với HPV cũng giống với điều trị các loại ung thư vòm họng khác. Mục đích của phác đồ điều trị là loại bỏ các tế bào ung thư xung quanh vùng họng để chúng không lây lan và không gây ra biến chứng. Các phương pháp điều trị gồm có:

  • Hóa trị liệu
  • Xạ trị
  • Phẫu thuật bằng robot, sử dụng ống nội soi và robot điều khiển từ xa
  • Phẫu thuật loại bỏ các tế bào ung thư

Ngăn ngừa bằng cách nào?

Có thể giảm nguy cơ nhiễm HPV và ung thư vòm họng do HPV bằng cách thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như sau:

  • Sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục, gồm có đeo bao cao su và màng chắn miệng khi quan hệ đường miệng.
  • Không hút thuốc lá và uống nhiều rượu vì những điều này sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng dương tính với HPV nếu đã bị nhiễm HPV.
  • Yêu cầu bác sĩ kiểm tra những dấu hiệu bất thường khi đi khám nha khoa định kỳ, chẳng hạn như các mảng mô có màu khác so với vùng xung quanh hay vết loét.
  • Thường xuyên tự kiểm tra trong khoang miệng xem có điều gì bất thường hay không, đặc biệt là những người hay quan hệ tình dục đường miệng. Mặc dù điều này không thể ngăn ngừa ung thư do HPV nhưng sẽ phát hiện được bệnh từ sớm.
  • Tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV

Tỷ lệ sống sót

Ung thư vòm họng dương tính với HPV thường đáp ứng tốt với điều trị và những người mắc bệnh có tỷ lệ sống sót không bệnh là từ 85 đến 90%. Tỷ lệ sống sót không bệnh là những người còn sống và không bị ung thư sau 5 năm kể từ thời điểm chẩn đoán.

Bảo vệ bản thân khỏi HPV là điều quan trọng nhất để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan, bao gồm cả ung thư vòm họng.

Nếu thường xuyên quan hệ tình dục đường miệng thì cần tập thói quen thường xuyên kiểm tra bên trong miệng và đi khám bác sĩ ngay khi nhận thấy có bất cứ dấu hiệu bất thường nào.

Đọc toàn bộ bài viết