Gan là bộ phận rất quan trọng của cơ thể, có nguy cơ bị tổn thương do các nguyên nhân khách quan, chủ quan rất cao. Trong các bệnh thường gặp ở gan thì gan nhiễm mỡ là căn bệnh phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
1. Bệnh gan nhiễm mỡ là gì?
Gan là bộ phận quan trọng của cơ thể, đóng vai trò chủ chốt trong quá trình chuyển hóa, là nơi tổng hợp protein huyết tương, dự trữ glycogen, tạo ra dịch mật đóng vai trò rất quan trọng trong hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu không may lượng chất béo tích tụ trong gan quá cao hình thành chứng gan nhiễm mỡ.
Khi bị tổn thương, gan có thể tự hồi phục bằng cách tái tạo ra các tế bào mới, thay thế cho các tế bào cũ bị tổn thương. Tuy nhiên, nếu các tác nhân có hại liên tục xuất hiện ở gan thì tổ chức xơ sẽ hình thành và gây nên bệnh xơ gan nghiêm trọng và khó điều trị hơn.
2. Chẩn đoán và đánh giá mức độ gan nhiễm mỡ
Để chẩn đoán và đánh giá mức độ gan nhiễm mỡ, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng. Thông qua các biểu hiện của bệnh do bệnh nhân kể lại như: chán ăn, bụng khó tiêu, đầy hơi, mệt mỏi hoặc hỏi tiền sử dùng thuốc, sử dụng rượu bia và thăm khám lâm sàng mà bác sĩ có thể đánh giá có nguy cơ gan nhiễm mỡ hay không.
Ngoài ra, để chắc chắn hơn về kết quả, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh tiến hành một số xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm máu cho thấy sự thay đổi của men gan trong máu (tăng cao), lượng mỡ máu, các xét nghiệm đánh giá chức năng làm việc của gan như đông máu, đạm máu... và các xét nghiệm virus gây viêm gan giúp xác định mức độ tổn thương và nguyên nhân tổn thương gan.
- Siêu âm: Siêu âm giúp xác định gan nhiễm mỡ thông qua hình ảnh là gan sáng, độ hồi âm của nhu mô gan tăng.
- Chẩn đoán hình ảnh khác: Ngoài những phương pháp phổ biến ở trên thì gan nhiễm mỡ còn có thể được chẩn đoán qua chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ MRI.
- Sinh thiết: Là phương pháp chẩn đoán có độ chính xác cao, giúp xác định nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ. Người bệnh sẽ được gây tê để dùng kim sinh thiết lấy ra vài mảnh tổ chức gan đưa đi kiểm tra tế bào học.
3. Kết quả đánh giá mức độ gan nhiễm mỡ
3.1 Đánh giá mức độ gan nhiễm mỡ
Độ nhiễm mỡ trong gan được đo đồng thời trên cùng một thể tích gan, thể hiện bởi chỉ số CAP (Thông số giảm âm được kiểm soát - Controlled Attenuation Parameter). Chỉ số này được tính toán từ các tín hiệu siêu âm trong quá trình đo độ cứng của gan. Giá trị đo độ nhiễm mỡ CAP được thể hiện bằng đơn vị dB/m (decibel/m).
Ý nghĩa kết quả đo mức độ gan nhiễm mỡ (tham khảo):
- S0: Tỉ lệ tế bào gan nhiễm mỡ chiếm 0-10%; CAP: 100-233 dB/m => Bình thường
- S1: Tỉ lệ tế bào gan nhiễm mỡ chiếm 11-33%; CAP: 234-258 dB/m => Gan nhiễm mỡ nhẹ
- S2: Tỉ lệ tế bào gan nhiễm mỡ chiếm 34-66%; CAP: 259-290 dB/m => Gan nhiễm mỡ vừa.
- S3: Tỉ lệ tế bào gan nhiễm mỡ chiếm 67-100%; CAP: 290-400 dB/m => Gan nhiễm mỡ nặng
Giá trị bình thường của độ nhiễm mỡ gan CAP (mức S0: gan không nhiễm mỡ) đối với cả hai giới là 201 ± 44 dB/m
3.2 Đánh giá mức độ xơ hóa gan
Xơ hóa gan là một yếu tố tiên lượng quan trọng trên bệnh nhân bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Xơ hóa gan có tương quan với dự hậu và tỉ lệ tử vong do bệnh gan.
Đánh giá xơ hóa gan bằng cách đo độ cứng (độ đàn hồi) của gan, là kỹ thuật không xâm lấn, dùng để xác định các trường hợp nguy cơ thấp xơ hóa gan nặng và xơ gan. Độ đàn hồi của gan được thể hiện bằng đơn vị kPa (kiloPascals) dao động từ 2,5kPa đến 75kPa và được đo trong khoảng độ sâu từ 25mm - 65mm với đường kính 0,1cm. Các mức đơn vị kPa sẽ tương ứng với 5 mức độ xơ hóa gan khác nhau, đó là:
- F0: không xơ hóa
- F1: xơ hóa nhẹ
- F2: Xơ hóa có ý nghĩa: Xơ lan tỏa đến các vùng gan quanh mạch máu.
- F3: Xơ hóa nặng: Xơ trải rộng và có sự nối các vùng gan bị xơ với nhau.
- F4: Xơ gan hoặc xơ hóa gan tiến triển.
Giá trị bình thường của độ cứng của gan (mức F0: không xơ hóa) đối với nam là 5,81 ± 1,54 kPa và đối với nữ là 5,23 ± 1,59 kPa. Khoảng 90-95% người khỏe mạnh không có bệnh gan có độ cứng gan <7,0 kPa (trung bình là 5,30 kPa).