Khám tổng quát kịp thời ngăn ung thư trực tràng

7 tháng trước 46

Ông Liêm, 58 tuổi, nội soi khám tổng quát phát hiện ung thư trực tràng giai đoạn sớm, được phẫu thuật cắt trọn khối u, ngăn chặn ung thư tiến triển.

phát hiện ung thư trực tràng

Ông Liêm (ngụ Lâm Đồng) có tiền sử huyết khối tĩnh mạch ở chân, đang uống thuốc kháng đông, rối loạn lipid máu. Gần đây ông có cảm giác ruột kích thích khi ăn các thực phẩm lên men nhưng không thấy đau. Nhân dịp khám tổng quát tại Bệnh viện Đa khoa Tâm TP HCM, ông đề nghị nội soi kiểm tra đường tiêu hóa.

Ngày 21/3, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết ông Liêm đã thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu chuyên sâu để kiểm tra như nội soi đường ruột, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT). Kết quả cho thấy, ông Liêm bị ung thư trực tràng ở giai đoạn sớm, kích thước tổn thương 12×14 mm, cách rìa hậu môn 10 cm. Ở đại tràng xuống có 2 polyp, kích thước 3-6 mm và 1 polyp ở đại tràng góc gan 10 mm.

Ông Liêm cần phẫu thuật càng sớm càng tốt để ngăn ngừa tế bào ung thư tiến triển. Ở giai đoạn sớm, tế bào ung thư chỉ mới ở lớp niêm mạc hoặc lớp dưới niêm mạc, chưa xâm lấn lớp cơ hay sâu hơn, chưa di căn hạch bạch huyết lân cận. Khi đó, phẫu thuật cắt trọn khối u hiệu quả cao hơn.

Ê kíp phẫu thuật đã tiến hành nội soi cắt 3 polyp ở đại trực tràng cho người bệnh, đồng thời phẫu thuật nội soi qua ngả hậu môn cắt trọn khối u ở trực tràng. Đây là kỹ thuật không xâm lấn, không để lại sẹo. Tuy nhiên, vì khối u nằm khá xa hậu môn, phẫu trường hẹp nên quá trình phẫu thuật khó khăn, kéo dài 3 tiếng.

Kết quả giải phẫu bệnh khẳng định ung thư trực tràng giai đoạn sớm và polyp biểu mô tuyến ống lành tính, có nghịch sản biểu mô độ thấp. Bác sĩ Minh Hùng nhận định, nhờ phát hiện sớm, loại bỏ kịp thời các tổn thương, ông Liêm tránh được nguy cơ ung thư trực tràng tiến triển. Nếu ở giai đoạn muộn, khối u phát triển lớn, tế bào ung thư lan sang các hạch bạch huyết lân cận hoặc di căn các cơ quan xa của cơ thể, quá trình điều trị sẽ phức tạp, tốn kém. Người bệnh phải phẫu thuật nội soi ổ bụng, cắt đoạn ruột để loại bỏ khối u trực tràng, đồng thời có thể phải kết hợp với hóa trị và xạ trị.

Hai ngày sau phẫu thuật, ông Liêm ăn uống và đi lại bình thường, được xuất viện sau 5 ngày. Người bệnh cần theo dõi, thăm khám sức khỏe 3-6 tháng/lần và nội soi đại trực tràng mỗi năm một lần.

Bác sĩ Minh Hùng cho biết thêm, ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư khá phổ biến trên thế giới và có xu hướng ngày một gia tăng và trẻ hóa. Theo số liệu Glocoban năm 2020, ung thư đại trực tràng là ung thư phổ biến hàng thứ 5 tại Việt Nam sau ung thư gan, phổi, dạ dày, vú. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, có khả năng điều trị thành công cao. Ung thư đại trực tràng ở giai đoạn đầu tỉ lệ sống sau 5 năm và lâu hơn lên tới 90%; chỉ khoảng 13% bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn di căn xa sống quá được 5 năm.

Ung thư đại trực tràng thường không có triệu chứng đặc hiệu, người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác, chủ quan không khám nên thường phát hiện ở giai đoạn muộn (chiếm khoảng 70-80%).

sub kênh tiêu hóa tâm anh

ca bệnh ung thư trực tràngÔng Liêm được điều dưỡng chăm sóc sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Minh Hùng khuyến nghị, mỗi người nên có thói quen thăm khám sức khỏe, nội soi đường tiêu hóa định kỳ. Đặc biệt, những đối tượng có nguy cơ cao, từ 45 tuổi trở lên, có tiền sử polyp đại tràng, từng mắc chứng viêm ruột, béo phì, ít vận động, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, ăn ít trái cây và rau xanh, uống nhiều rượu, hút thuốc lá… cần nội soi theo lịch hẹn của bác sĩ.

Khi có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, táo bón, đi ngoài phân ra máu, sụt cân bất thường, thường xuyên mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa Tiêu hóa có đầy đủ máy móc để thăm khám, phát hiện bệnh và điều trị bệnh kịp thời.

Cập nhật lần cuối: 01:43 02/04/2024

Đọc toàn bộ bài viết