Phẫu thuật cắt dạ dày là phương pháp được sử dụng để điều trị các vấn đề về dạ dày. Một số kỹ thuật cắt dạ dày còn được sử dụng để giảm cân.
Phẫu thuật cắt dạ dày là gì?
Cắt dạ dày là quy trình phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày.
Có ba phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày chính:
- Cắt một phần dạ dày hay cắt dạ dày bán phần: là phương pháp chỉ cắt bỏ di một phần của dạ dày, thường là phần bên dưới.
- Cắt toàn bộ dạ dày
- Cắt vạt dạ dày là phương pháp cắt một phần dạ dày theo chiều dọc. Kỹ thuật này thường được sử dụng cho các trường hợp cần giảm cân.
Việc phẫu thuật cắt dạ dày sẽ không làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa. Tuy nhiên, bạn vẫn sẽ phải thay đổi một số thói quen ăn uống sau phẫu thuật.
Khi nào cần cắt dạ dày?
Phẫu thuật cắt dạ dày là phương pháp được sử dụng để điều trị các vấn đề về dạ dày khi các phương pháp khác không hiệu quả. Cắt dạ dày thường được chỉ định trong các trường hợp:
- Có khối u lành tính (không phải ung thư) trong dạ dày
- Xuất huyết dạ dày
- Viêm dạ dày
- Thủng dạ dày
- Polyp dạ dày (sự phát triển mô bất thường bên trong dạ dày)
- Ung thư dạ dày
- Loét dạ dày - tá tràng nghiêm trọng
Một số kỹ thuật cắt dạ dày còn được sử dụng để giảm cân cho những người bị béo phì. Bằng cách giảm kích thước, dạ dày sẽ nhanh đầy hơn và từ đó giảm được lượng thức ăn tiêu thụ. Tuy nhiên, cắt dạ dày là phương án cuối cùng để khắc phục tình trạng béo phì và chỉ nên thực hiện khi các phương pháp khác đều đã thất bại. Tốt nhất vẫn nên giảm cân bằng các biện pháp an toàn, không xâm lấn như bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục.
Các phương pháp cắt dạ dày
Có ba phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày chính.
Cắt một phần dạ dày
Hay còn được gọi là cắt dạ dày bán phần. Với phương pháp này, một phần của dạ dày, thường là nửa dưới, được cắt bỏ. Đôi khi còn cần cắt cả các hạch bạch huyết lân cận nếu tế bào ung thư đã lan sang (trong trường hợp ung thư dạ dày).
Sau khi cắt đi phần dưới của dạ dày, tá tràng sẽ được khâu đóng lại. Tá tràng là phần đầu của ruột non, có chức năng nhận thức ăn đã được tiêu hóa một phần từ dạ dày. Sau đó, phần còn lại của dạ dày sẽ được nối với đoạn sau của ruột non.
Cắt toàn bộ dạ dày
Đây là phương pháp cắt đi toàn bộ dạ dày và sau đó nối thực quản trực tiếp với ruột non. Thực quản là ống cơ nối từ cổ họng với dạ dày.
Cắt vạt dạ dày
Cắt vạt dạ dày là kỹ thuật cắt dạ dày theo chiều dọc và có thể cắt bỏ lên đến 3/4 dạ dày. Phần còn lại được khâu đóng tạo thành dạng ống. Phương pháp này làm cho dạ dày nhỏ và dài hơn thay vì dạng túi như bình thường.
Cần chuẩn bị gì trước khi cắt dạ dày?
Trước khi phẫu thuật cắt dạ dày, bạn sẽ cần làm xét nghiệm máu và một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh nhằm kiểm tra tình trạng sức khỏe, đảm bảo bạn có đủ điều kiện để trải qua ca mổ. Vào buổi hẹn trước phẫu thuật, bạn cần thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng, cả thuốc kê đơn, không kê đơn và thực phẩm chức năng. Nếu như có loại thuốc làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề không mong muốn như chảy máu thì sẽ phải tạm ngừng một thời gian trước ngày làm phẫu thuật.
Ngoài ra, bạn cũng cần nói với bác sĩ nếu như đang mang thai, nghi ngờ mang thai hoặc có các vấn đề sức khỏe khác, ví dụ như bệnh tiểu đường.
Nếu bạn hút thuốc lá thì nên bỏ thuốc. Việc hút thuốc sẽ làm chậm tốc độ hồi phục hậu phẫu và gây ra nhiều biến chứng, đặc biệt là những biến chứng liên quan đến nhiễm trùng và các vấn đề về phổi.
Quy trình phẫu thuật
Quy trình phẫu thuật cắt dạ dày có thể được thực hiện bằng hai kỹ thuật khác nhau là mổ mở và mổ nội soi. Cả hai đều được thực hiện dưới phương pháp gây mê toàn thân, có nghĩa là bạn sẽ chìm vào giấc ngủ sâu, không còn nhận thức trong suốt quá trình phẫu thuật và tất nhiên sẽ không cảm thấy đau.
Kỹ thuật mổ mở
Mổ mở là kỹ thuật mà bác sĩ sẽ tạo một vết mổ lớn, duy nhất, sau đó bóc tách da, cơ và mô để tiếp cận vào dạ dày.
Kỹ thuật mổ nội soi
Mổ nội soi là kỹ thuật ít xâm lấn hơn mổ mở. Kỹ thuật này chỉ đòi hỏi phải tạo các vết mổ nhỏ và sử dụng các dụng cụ chuyên dụng. Vì ít xâm lấn hơn nên mổ nội soi thường ít gây đau đớn hơn, thời gian phục hồi hậu phẫu nhanh hơn và nguy cơ xảy ra biến chứng cũng thấp hơn. Do vậy mà hiện nay, mổ nội soi thường được sử dụng phổ biến hơn kỹ thuật mổ mở. Mổ nội soi còn được gọi là phương pháp “phẫu thuật lỗ khóa”.
Tuy nhiên, có một số trường hợp cần phải dùng kỹ thuật mổ mở thay cho mổ nội soi, ví dụ như ung thư dạ dày.
Sau phẫu thuật
Sau ca phẫu thuật, vết mổ được đóng bằng chỉ khâu và băng lại. Sau đó, các dấu hiệu sinh tồn như nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, huyết áp và nhịp thở sẽ được theo dõi trong suốt quá trình phục hồi.
Bạn có thể sẽ phải ở lại viện từ một đến hai tuần sau phẫu thuật. Trong thời gian này, bạn cần đeo một ống dẫn lưu chạy từ mũi đến dạ dày để loại bỏ dịch thừa và tránh bị buồn nôn. Bạn cũng sẽ được truyền dịch qua đường tĩnh mạch cho đến khi có thể ăn uống trở lại như bình thường.
Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc đau dữ dội dù đã dùng thuốc giảm đau thì cần cho bác sĩ biết ngay lập tức.
Rủi ro khi phẫu thuật cắt dạ dày
Phương pháp cắt dạ dày có thể gây ra một số rủi ro và biến chứng như:
- Trào ngược axit dạ dày
- Bệnh tiêu chảy
- Hội chứng dumpling, một dạng rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng, trong đó thức ăn và dịch vị di chuyển từ dạ dày xuống ruột non quá nhanh
- Nhiễm trùng vết mổ
- Nhiễm trùng ở ngực
- Chảy máu trong
- Rò rỉ ở vị trí dạ dày được nối với ruột non
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Axit dạ dày rò rỉ vào thực quản, gây hình thành sẹo, hẹp hoặc co thắt thực quản
- Tắc nghẽn ruột non
- Thiếu hụt vitamin
- Sụt cân
- Xuất huyết
- Khó thở
- Viêm phổi
- Gây tổn hại đến cho các cấu trúc lân cận
Mặc dù sẽ được thăm khám, xét nghiệm trước phẫu thuật nhưng bạn vẫn cần nói với bác sĩ về bệnh sử chi tiết và những loại thuốc bạn đang dùng, đồng thời cần thực hiện đúng theo các hướng dẫn mà bác sĩ đưa ra cả trước và sau phẫu thuật để giảm rủi ro.
Thay đổi chế độ ăn sau phẫu thuật
Sau khi xuất viện về nhà, bạn sẽ cần phải điều chỉnh lại thói quen ăn uống của mình, ví dụ như:
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa chính như bình thường
- Tránh ăn các loại thực phẩm nhiều chất xơ
- Bổ sung nhiều thực phẩm giàu canxi, sắt và vitamin C và D
- Dùng các viên uống bổ sung vitamin theo chỉ dẫn của bác sĩ
Quá trình phục hồi sau phẫu thuật cắt dạ dày thường phải mất khá lâu. Sau một thời gian, khi dạ dày và ruột non giãn ra thì bạn có thể bắt đầu tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn và ăn các bữa lớn hơn. Bạn sẽ cần đến bệnh viện làm xét nghiệm máu thường xuyên để đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ vitamin và khoáng chất.