Mụn rộp có thể lây kể từ khi mới có những dấu hiệu như châm chích và ngứa cho đến khi biến mất hoàn toàn. Nhiều người cho rằng khi đã đóng vảy thì mụn rộp sẽ không lây nữa nhưng điều này là không đúng.
Mụn rộp môi là gì?
Mụn rộp hay herpes ở môi là bệnh do virus herpes simplex (HSV) gây ra mà chủ yếu là virus herpes simplex loại 1 (HSV-1). Triệu chứng là nổi những mụn nước nhỏ, chứa dịch lỏng ở trên hoặc xung quanh môi. Mụn nước có thể hình thành đơn lẻ hoặc thành từng đám nhỏ.
Sau một vài ngày, các nốt mụn sẽ bị vỡ, tạo thành vết loét, đóng vảy rồi bong ra và cuối cùng lành lại. Quá trình này thường kéo dài khoảng 2 tuần kể từ khi mụn nước xuất hiện. HSV rất dễ lây lan. Virus có thể lây ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng khi đang có mụn rộp thì nguy cơ lây truyền lại càng cao hơn nữa.
Mụn rộp có thể lây kể từ khi mới có những dấu hiệu như châm chích và ngứa cho đến khi biến mất hoàn toàn. Nhiều người cho rằng khi đã đóng vảy thì mụn rộp sẽ không lây nữa nhưng điều này là không đúng.
Dưới đây là con đường lây truyền mụn rộp môi và cách để bảo vệ những người xung quanh khi bị bệnh này.
Con đường lây truyền
HSV-1 lây lan khi tiếp xúc với da hoặc nước bọt, chẳng hạn như hôn, quan hệ tình dục đường miệng hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống, khăn lau, bàn chải,… với người bị mụn rộp môi. Virus xâm nhập vào cơ thể qua những vết thương hở trên da.
Một khi đã nhiễm HSV-1 thì sẽ mang virus trong cơ thể suốt đời.
Tuy nhiên, một số người nhiễm HSV-1 mà không hề có bất kỳ triệu chứng nào. Nguyên nhân là do virus tồn tại ở trạng thái “ngủ đông” trong các tế bào thần kinh cho đến khi có tác nhân kích hoạt. Kể cả khi không hoạt động thì virus vẫn có thể lây truyền sang người khác khi tiếp xúc.
Một số yếu tố có thể kích hoạt HSV-1 hoạt động và gây bùng phát triệu chứng gồm có:
- Căng thẳng
- Mệt mỏi
- Bị nhiễm trùng
- Sốt
- Thay đổi nội tiết tố, ví dụ như trong khi mang thai hoặc kỳ kinh nguyệt
- Tiếp xúc với ánh nắng
- Phẫu thuật hoặc chấn thương
Tần suất bùng phát triệu chứng thường giảm kể từ sau 35 tuổi.
Triệu chứng
Một số dấu hiệu đầu tiên sau khi nhiễm HSV-1 là cảm giác châm chích, sưng đỏ, nóng và đau nhức ở vùng xung quanh miệng.
Sau đó sẽ nổi mụn nước, vỡ ra tạo thành vết loét và đóng vảy rồi lành lại.
Vào đợt bùng phát đầu tiên thì người bệnh sẽ còn gặp những hiện tượng như:
- Sốt
- Đau họng, đặc biệt là khi nuốt
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
- Đau đầu
- Đau nhức khắp cơ thể
Các phương pháp điều trị
Hiện tại chưa có biện pháp nào có thể tiêu diệt HSV sau khi đã nhiễm phải. Tuy nhiên, có một số phương pháp để kiểm soát các triệu chứng.
Thuốc kháng virus sẽ giúp đẩy nhanh quá trình lành mụn rộp. Các loại thuốc này có cả ở dạng uống và dạng bôi.
Với các trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng thì sẽ cần tiêm thuốc. Một số thuốc kháng virus được dùng phổ biến để điều trị bệnh mụn rộp ở môi gồm có valacyclovir (Valtrex) và acyclovir (Zovirax).
Nếu có triệu chứng nhẹ thì có thể sử dụng các loại thuốc điều trị mụn rộp không kê đơn, chẳng hạn như docosanol (Abreva) để làm lành vết loét nhanh hơn.
Để giảm tình trạng sưng đỏ và đau thì hãy thử chườm lạnh lên vùng tổn thương và dùng các loại thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen để giảm viêm.
Ngăn ngừa lây lan
Khi bị mụn rộp ở môi thì cần thực hiện những biện pháp dưới đây để tránh lây lan virus:
- Tránh tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như hôn hoặc quan hệ tình dục đường miệng, cho đến khi vết loét lành lại hoàn toàn
- Không chạm vào mụn rộp và vết loét trừ lúc bôi thuốc
- Bôi thuốc xong phải rửa tay ngay bằng xà phòng
- Không dùng chung các vật dụng đã tiếp xúc với miệng, chẳng hạn như dụng cụ ăn uống và son môi với người khác
- Không nặn, cạy hay chọc vào những tổn thương do mụn rộp
Tóm tắt bài viết
Mụn rộp môi là bệnh do HSV-1 gây ra với biểu hiện là nổi những mụn nước nhỏ trên và xung quanh môi. Một khi đã bị nhiễm HSV-1 thì sẽ không có cách nào loại bỏ virus và chữa khỏi mụn rộp. Tuy nhiên, có thể dùng thuốc để triệu chứng nhanh khỏi hơn và hạn chế số lần bùng phát. HSV có thể lây truyền bất cứ lúc nào nhưng nguy cơ sẽ cao nhất khi đang có triệu chứng.