Nguyên nhân gây mụn cóc
Tất cả các loại mụn cóc đều là do virus u nhú ở người (HPV) gây ra. Có hơn 150 chủng HPV khác nhau nhưng chỉ một số trong đó gây hình thành mụn cóc. Mặc dù vậy nhưng mụn cóc vẫn là vấn đề mà rất nhiều người gặp phải do virus có thể sống trên mọi loại bề mặt, chẳng hạn như khăn tắm, sàn nhà, tay nắm cửa hay bàn làm việc và xâm nhập vào cơ thể. Chúng cũng có thể phát triển mạnh trên da trong thời gian lên đến một năm trước khi mụn cóc xuất hiện. Vì những lý do này nên không thể xác định được bị nhiễm HPV ở đâu và như thế nào.
Mụn cóc có thể dễ dàng lây lan qua tiếp xúc nên không được chạm vào mụn cóc hay những nốt sần bất thường ở người khác. Mụn cóc cũng có thể lây từ bộ phận này sang bộ phận khác trên cơ thể của chính mình nên sau khi chạm vào mụn cóc thì cần rửa tay ngay.
Mụn cóc có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng vì chúng lây truyền qua tiếp xúc thông thường nên chủ yếu xuất hiện ở trên bàn tay, ngón tay, mặt và bàn chân.
Vậy khi mụn cóc xuất hiện trên mặt thì cần phải làm thế nào?
Các loại mụn cóc trên mặt
Mụn cóc là những nốt mụn nhỏ, sờ vào có cảm giác cứng và thô ráp. Mụn cóc có các màu sắc khác nhau, có thể trùng màu da, màu xám, nâu hoặc hồng đỏ. Mụn cóc thường không đau và không phát triển thành ung thư.
Khi da mặt có những vết thương hở do gãi xước, do cạo râu hoặc mụn trứng cá thì sẽ dễ bị nhiễm virus gây mụn cóc hơn. Có hai loại mụn cóc phổ biến mọc trên mặt là:
Mụn cóc phẳng
Mụn cóc phẳng thường xuất hiện trên trán và má. Loại mụn cóc này có kích thước nhỏ, chỉ tương đương với hạt vừng hoặc lớn hơn một chút nhưng có thể mọc thành từng đám lớn, gồm nhiều mụn cóc sát nhau. Chúng thường có màu da, hồng hoặc nâu vàng.
Mụn cóc phẳng có bề mặt nhẵn hơn so với các loại mụn cóc khác và chỉ hơi nhô lên bề mặt da. Mụn cóc phẳng chủ yếu hình thành ở người trong độ tuổi vị thành niên.
Mụn cóc dạng sợi mảnh
Mụn cóc dạng sợi mảnh hay mụn cóc Filiform có hình dạng khác với tất cả các loại mụn cóc còn lại. Chúng có hình dạng nhỏ, dài và có thể có màu da, màu hồng hoặc sẫm hơn vùng da xung quanh. Mụn cóc dạng sợi mảnh thường hình thành xung quanh miệng, mũi hoặc mắt. Nếu hình thành ở nếp nhăn quanh mắt hoặc ở những vị trí khác có nếp gấp da thì loại mụn cóc này gây ngứa ngáy hoặc đau.
Mụn cóc dạng sợi mảnh trên mặt không thể tự xử lý tại nhà mà cần phải đi khám bác sĩ để được điều trị.
Loại bỏ mụn cóc trên mặt
Không có cách nào có thể chữa trị dứt điểm mụn cóc vì dù loại bỏ được thì virus vẫn còn trong cơ thể và tiếp tục gây hình thành mụn cóc trong tương lai. Tuy nhiên, các biện pháp loại bỏ sẽ giúp cải thiện vẻ bề ngoài, giảm cảm giác khó chịu do mụn cóc gây ra và hạn chế sự lây lan. Ở nhiều người, mụn cóc cũng có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhưng có thể phải mất đến 2 năm thì những nốt mụn này mới biến mất hoàn toàn. Mụn cóc ở trẻ nhỏ thường nhanh hết hơn so với ở người lớn.
Nếu chọn cách không điều trị mà để mụn cóc tự lành thì cố gắng không đụng chạm vào nốt mụn. Việc đụng chạm sẽ làm lây lan virus sang các bộ phận khác của cơ thể hoặc lây sang người khác. Dù loại bỏ bằng cách nào thì mụn cóc cũng đều có thể xuất hiện trở lại.
Phương pháp loại bỏ mụn cóc cần sử dụng sẽ phụ thuộc vào loại mụn cóc cụ thể. Có thể loại bỏ mụn cóc ở mặt và tay bằng một số biện pháp tự điều trị hoặc điều trị tại bệnh viện. Cần đi khám nếu có nhiều mụn cóc hoặc mụn cóc gây đau đớn. Cũng nên đến gặp bác sĩ nếu mụn cóc không cải thiện dù đã thử các biện pháp tự điều trị hoặc nếu mụn lây lan sang những bộ phận khác.
Các biện pháp tự điều trị
Không sử dụng những loại thuốc trị mụn cóc dành cho những bộ phận khác trên cơ thể để trị mụn cóc trên mặt vì da mặt nhạy cảm hơn rất nhiều. Một số phương pháp, chẳng hạn như axit salicylic có thể gây tổn thương vùng da mặt hoặc cổ. Khi có mụn cóc trên mặt thì phải đi khám để được bác sĩ kiểm tra trước khi bắt đầu điều trị. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc phù hợp và hướng dẫn điều trị tại nhà.
Không bao giờ được tự điều trị mụn cóc gần mắt hoặc trong mũi tại nhà.
Dù sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị tại nhà nào thì cũng cần phải hết sức cẩn thận.
Một số biện pháp tự nhiên để loại bỏ mụn cóc gồm có:
- Tỏi: tỏi có chứa allium sativum - một hợp chất có đặc tính chống virus. Đập dập một nhánh tỏi tươi rồi đắp trực tiếp lên mụn cóc và băng lại. Sau đó một vài tiếng thì gỡ ra và thay tói mới. Lặp lại như vậy nhiều lần trong ngày. Lưu ý, tỏi có thể gây bỏng da. Nếu cảm thấy ngứa, nóng rát hoặc châm chích thì phải lấy tỏi ra ngay và rửa sạch.
- Nước chanh: nước chanh có chứa axit citric – một loại axit có thể tiêu diệt virus. Tuy nhiên, không nên chấm nước chanh trực tiếp lên mặt mà phải hòa loãng với nước. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước chanh pha loãng có hiệu quả loại bỏ mụn cóc phẳng khi dùng trong khoảng thời gian 6 tuần.
- Nước ép dứa: nước ép dứa có chứa các enzym có thể phá hủy mô mụn cóc khi dùng hàng ngày trong thời gian vài tuần. Nghiền dứa thành nước rồi dùng tăm bông thoa trực tiếp lên mụn cóc trước khi đi ngủ mỗi đêm, thực hiện đều đặn như vậy trong vài tuần.
Nếu cảm thấy khó chịu hoặc mẩn đỏ khi thử các phương pháp nêu trên thì phải ngừng ngay.
Điều trị tại bệnh viện
- Bôi Cantharidin: cantharidin là một chất gây phồng rộp. Bác sĩ sẽ thoa cantharidin hoặc hỗn hợp hóa chất này với các thành phần khác lên trên mụn cóc. Điều này làm hình thành mụn nước ở bên dưới mụn cóc và khiến cho nốt mụn bị “chết”. Sau đó có thể loại bỏ mụn cóc một cách dễ dàng. Phương pháp điều trị này sẽ gây đau và không phải ai cũng phù hợp.
- Liệu pháp áp lạnh: còn được gọi là phẫu thuật lạnh. Tiêm hoặc bôi nitơ lỏng lên mụn cóc để phá hủy mô và sau đó loại bỏ. Thường phải thực hiện vài lần trong thời gian từ hai đến ba tuần.
- Phẫu thuật cắt mụn cóc: thủ thuật này thường được sử dụng để loại bỏ mụn cóc dạng sợi mảnh (mụn cóc Filiform). Bác sĩ sẽ dùng dao mổ để cắt hoặc cạo mụn cóc. Đôi khi cần phải thực hiện một vài lần mới có thể loại bỏ được hoàn toàn.
- Đốt điện và cạo bỏ: Phương pháp đốt điện sẽ làm chết mô và sau đó mụn cóc được cạo bỏ.
Ngăn ngừa mụn cóc trên mặt
Tránh lây truyền HPV và mụn cóc trên mặt bằng cách:
- Rửa tay thường xuyên và không chạm tay lên mặt để tránh sự lan truyền virus.
- Không bao giờ dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, đồ trang điểm,…với người khác.
- Nếu bị trầy xước khi cạo râu, lỡ gãi xước, có mụn trứng cá hay vết thương hở thì cần băng lại.
- Nếu bị mụn cóc thì cần điều trị ngay lập tức để ngăn không cho virus lây lan.
Tóm tắt bài viết
Mụn cóc do virus HPV gây ra và lây lan qua sự tiếp xúc thông thường, đặc biệt là khi da có vết thương hở. Tuy nhiên, không phải cứ nhiễm HPV là sẽ bị mụn cóc. Những người có hệ miễn dịch bị suy yếu có nguy cơ gặp phải vấn đề này cao hơn so với những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Nhiều loại mụn cóc có thể tự điều trị tại nhà nhưng một số cần đi khám bác sĩ, đặc biệt là mụn cóc hình thành ở trên mặt. Không có cách nào tiêu diệt được virus HPV nhưng có thể loại bỏ được mụn cóc.