Mụn rộp ở môi là một bệnh do HSV gây ra. Nếu có hệ miễn dịch khỏe mạnh thì mụn rộp sẽ tự lành lại chỉ sau một thời gian ngắn.
Mụn rộp môi hay herpes môi là bệnh do virus herpes simplex (HSV) gây ra mà thường là virus herpes simplex loại 1 (HSV-1). Loại virus này gây nổi những mụn rộp và vết loét đau đớn, khó coi ở trên môi và xung quanh miệng.
Triệu chứng này thường xảy ra thành từng đợt, được gọi là các đợt bùng phát. Sau khi kết thúc mỗi đợt bùng phát, các triệu chứng sẽ biến mất một khoảng thời gian rồi lại mới tái phát vào một thời điểm nào đó.
Sau khi xuất hiện, mụn rộp thường khỏi trong vòng khoảng 2 tuần ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh và không có bệnh lý hay vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào khác.
Hiện chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh mụn rộp nhưng có thể làm cho các triệu chứng bớt nghiêm trọng và nhanh khỏi hơn bằng một số loại thuốc và phương pháp điều trị khác.
Dùng thuốc
Khi bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu báo mụn rộp sắp hình thành thì cần điều trị ngay. Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian của đợt bùng phát. Khi nhận thấy cảm giác châm chích, nóng hay ngứa thì hãy bôi thuốc kháng virus tại chỗ ngay lên vị trí đó.
Thuốc không kê đơn
Ban đầu có thể chỉ cần sử dụng thuốc bôi kháng virus không kê đơn. Có thể mua các loại thuốc này, ví dụ như docosanol (Abreva) tại các nhà thuốc và dùng cho đến khi vết loét lành hẳn.
Thuốc kê đơn
Khi đã dùng các loại thuốc không kê đơn mà không có tác dụng thì hãy nói với bác sĩ để được kê những loại thuốc khác hiệu quả hơn. Một số loại thuốc kháng virus kê đơn được dùng để điều trị bệnh mụn rộp gồm có:
- Acyclovir (Zovirax): có cả ở dạng uống và dạng bôi
- Famciclovir: có dạng thuốc đường uống
- Penciclovir (Denavir): có dạng thuốc bôi
- Valacyclovir (Valtrex): có dạng thuốc uống
Nên dùng những loại thuốc này càng sớm càng tốt để đẩy nhanh tốc độ lành tổn thương khi triệu chứng mụn rộp bùng phát. Khi vết loét bắt đầu đóng vảy thì hãy thoa kem dưỡng ẩm để làm mềm và giúp vảy bong ra dễ dàng hơn.
Biện pháp hỗ trợ
Ngoài dùng thuốc, những người bị bệnh mụn rộp môi cũng có thể thử các biện pháp dưới đây để làm giảm triệu chứng.
Thận trọng khi bôi bất kỳ thứ gì lên da. Một số phương pháp này có thể gây ra phản ứng tiêu cực như kích ứng và dị ứng, khiến cho những vùng bị tổn thương càng thêm nặng hơn.
Trước tiên nên thử trên một vùng da nhỏ, chẳng hạn như vùng bên trong cánh tay và quan sát một vài tiếng để xem có phản ứng gì hay không trước khi dùng lên mụn nước và vết loét.
Giấm táo
Giấm táo có khả năng kháng khuẩn, kháng virus và các loại vi trùng khác. Tuy nhiên, giấm táo có tính axit mạnh nên không được bôi trực tiếp lên vùng tổn thương vì có thể gây kích ứng da nghiêm trọng và càng bị loét nặng hơn.
Cần pha loãng giấm với nước sạch trước khi dùng và chỉ bôi 1 đến 2 lần mỗi ngày.
Tinh dầu tràm trà
Tinh dầu tràm trà (tea tree oil) cũng là một phương pháp tự nhiên để điều trị mụn rộp nhờ đặc tính kháng virus.
Tương tự như giấm táo, tinh dầu tràm trà cũng cần được pha loãng với dầu dẫn (ví dụ như dầu dừa) trước khi bôi lên da.
Chườm đá
Mặc dù cách này không làm cho triệu chứng mụn rộp nhanh khỏi hơn nhưng sẽ làm dịu cảm giác khó chịu và tình trạng sưng viêm ở nốt mụn. Bọc nước đá trong khăn sạch rồi áp lên vùng tổn thường hoặc dùng túi chườm lạnh.
Giảm căng thẳng
Căng thẳng là một trong những tác nhân kích hoạt virus herpes hoạt động và gây ra các triệu chứng nên hạn chế căng thẳng trong cuộc sống thường ngày là một cách để ngăn ngừa hình thành mụn rộp. Hãy thử một số biện pháp làm giảm căng thẳng như ngôi thiền, yoga và tập thể dục thường xuyên.
Thuốc giảm đau
Những nốt mụn rộp và vết loét sẽ gây đau. Có thể làm dịu bằng những loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen.
Lô hội
Lớp thịt trong suốt bên trong lá lô hội có rất nhiều công dụng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng lô hội có tác dụng chống viêm và kháng virus nên có thể làm giảm và giúp các triệu chứng của bệnh mụn rộp nhanh khỏi hơn.
Lysine
Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng những người uống bổ sung lysine ít bị tái phát triệu chứng mụn rộp hơn. Tuy nhiên, vì chưa có nhiều nghiên cứu về công dụng của chất này đối với bệnh mụn rộp nên không có khuyến nghị cụ thể nào về liều lượng.
Axit amin thiết yếu này có cả ở dạng viên uống bổ sung và dạng kem bôi.
Trước khi dùng bất kỳ sản phẩm viên uống bổ sung nào thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn. Một số viên uống bổ sung có thể tương tác với các loại thuốc khác đang dùng và gây hại cho cơ thể.
Tinh dầu bạc hà
Một số thử nghiệm đã cho thấy rằng tinh dầu bạc hà có hiệu quả trong việc chống lại cả HSV-1 và HSV-2.
Hãy pha loãng một ít tinh dầu bạc hà và thử một ít lên vùng da trong cánh tay. Nếu không có phản ứng tiêu cực thì có thể bôi lên vùng da quanh miệng ngay từ khi có cảm giác châm chích – dấu hiệu báo mụn rộp sắp hình thành.
Các loại tinh dầu khác
Ngoài tinh dầu bạc hà và tinh dầu tràm trà, một số loại tinh dầu khác cũng có tác dụng làm giảm triệu chứng mụn rộp gồm có:
- Tinh dầu gừng (ginger)
- Tinh dầu xạ hương (thyme)
- Tinh dầu cây bài hương (hyssop)
- Tinh dầu gỗ đàn hương (sandalwood)
Một số nghiên cứu còn cho thấy những loại tinh dầu này thậm chí còn có tác dụng cho những trường hợp mụn rộp kháng thuốc.
Cần lưu ý, dù là bất cứ loại tinh dầu nào thì cũng không được bôi trực tiếp lên da mà cần phải pha loãng với một loại dầu dẫn như dầu dừa trước.
Những điều cần tránh
Khi bị mụn rộp thì cần tránh những điều dưới đây để không ảnh hưởng đến quá trình lành tổn thương:
- Chạm vào vết loét: Khi chạm vào vết loét mà không rửa tay thì sẽ có nguy cơ lây lan virus sang những khu vực khác của cơ thể và sang người khác. Ngoài ra, vi khuẩn từ tay cũng sẽ xâm nhập vào vết thương hở và dẫn đến nhiễm trùng.
- Bóp mụn nước: Mụn rộp khác với mụn trứng cá. Nếu như nặn hay cạy thì mụn rộp sẽ không biến mất như mụn trứng cá. Khi nặn, chất dịch lỏng bên trong nốt mụn sẽ chảy ra ngoài, mang theo virus đến những vị trí khác của cơ thể và vô tình lây sang người khác khi tiếp xúc.
- Cạy vảy: Khi vết loét đóng vảy thì thường sẽ bị ngứa nhưng không được gãi hay cạy vảy. Nhiều người thường có thói quen cạy vảy một cách vô thức. Đây là điều cần tuyệt đối tránh. Vảy trên vết thương sẽ tự bong dần. Nếu cố tình cạy thì sẽ để lại sẹo.
- Chà xát lên mụn rộp: Khi rửa mặt hàng ngày thì hãy cố gắng không đụng phải nốt mụn rộp. Việc này sẽ gây kích ứng vùng da vốn đã mỏng manh, nhạy cảm và khiến cho mụn bị vỡ.
- Quan hệ tình dục đường miệng: Trong thời gian đang có mụn rộp ở môi thì không nên quan hệ tình dục đường miệng. Hãy chờ cho đến khi triệu chứng biến mất hoàn toàn rồi mới tiếp tục hoạt động tình dục.
- Ăn thức ăn có tính axit: Các loại thực phẩm có tính axit, ví dụ như trái cây họ cam chanh và đồ ăn chua cay sẽ gây ra cảm giác nóng rát khi tiếp xúc với nốt mụn rộp và vết loét.
Khi nào cần đi khám?
Đa phần thì mụn rộp ở môi sẽ tự lành lại hoàn toàn trong vòng vài tuần. Nên đi khám nếu quá 2 tuần mà vẫn còn mụn rộp hay vết loét hoặc nếu triệu chứng mụn rộp tái phát thường xuyên. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc kháng virus có tác dụng mạnh hơn.
Ngoài ra, cũng nên đi khám nếu như:
- đau đớn dữ dội
- nổi nhiều mụn rộp một lúc
- nổi mụn rộp gần mắt
- mụn rộp lan sang các bộ phận khác của cơ thể
Nếu bị chàm, hay còn gọi là viêm da cơ địa (eczema) thì một số vùng da trên cơ thể sẽ bị nứt nẻ và chảy máu. Nếu HSV-1 lây lan đến những vết thương hở này thì sẽ dẫn đến các biến chứng.
Tóm tắt bài viết
Mụn rộp ở môi là một bệnh do HSV gây ra. Nếu có hệ miễn dịch khỏe mạnh thì mụn rộp sẽ tự lành lại chỉ sau một thời gian ngắn.
Trong thời gian đó thì hãy chú ý để tránh lây lan virus. Có nhiều phương pháp điều trị để các triệu chứng bệnh khỏi nhanh hơn, từ chườm lạnh, dùng các biện pháp tự nhiên cho đến dùng thuốc kháng virus kê đơn.