Làm thế nào để phòng ngừa tiểu đường thai kỳ?

1 năm trước 24

Tiểu đường thai kỳ cần được phát hiện sớm và điều trị vì bệnh lý này có thể gây ra nhiều vấn đề cho cả người mẹ và thai nhi.

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn bình thường trong thời gian mang thai. Đây là một tình trạng tạm thời.

Theo thống kê, khoảng 2 đến 10% phụ nữ mang thai ở Hoa Kỳ bị tiểu đường thai kỳ.

Tiểu đường thai kỳ cần được phát hiện sớm và điều trị vì bệnh lý này có thể gây ra nhiều vấn đề cho cả người mẹ và thai nhi.

Nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ vẫn chưa được hiểu rõ và không có cách nào ngăn ngừa hoàn toàn nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ.

Các yếu tố nguy cơ của tiểu đường thai kỳ

Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ:

  • Mang thai khi ngoài 25 tuổi
  • Thừa cân
  • Có tiền sử gia đình bị tiểu đường type 2
  • Có các vấn đề sức khỏe gây ra kháng insulin, chẳng hạn như hội chứng buồng trứng đa nang và bệnh gai đen
  • Bị cao huyết áp từ trước khi mang thai
  • Từng bị tiểu đường thai kỳ vào lần mang thai trước
  • Tăng cân nhiều trong thai kỳ hiện tại hoặc trước đó
  • Dùng glucocorticoid
  • Mang đa thai

Giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ là tăng cường sức khỏe và chuẩn bị tốt cho thai kỳ.

Những phụ nữ thừa cân cần thực hiện những điều sau đây khi có ý định mang thai:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống, ăn những thực phẩm lành mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Giảm cân

Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn giảm cân một cách an toàn, hiệu quả. Chỉ cần giảm một vài cân là đã có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

Dù có thừa cân hay không thì cũng nên duy trì thói quen tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 3 lần một tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút. Bên cạnh đó cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.

Khi đã mang thai thì không nên giảm cân, trừ khi bác sĩ đề nghị. Việc giảm cân trong thời gian mang thai sẽ cần được thực hiện hết sức cẩn thận để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Những phụ nữ đã từng bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước đây và dự định mang thai lần nữa nên nói với bác sĩ. Những trường hợp này sẽ phải sàng lọc sớm để xác định các yếu tố nguy cơ và đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.

Tiểu đường thai kỳ và insulin

Tất cả các loại bệnh tiểu đường, bao gồm cả tiểu đường thai kỳ đều có liên quan đến hormone insulin. Hormone này có vai trò giúp vận chuyển đường (glucose) từ máu vào tế bào và nhờ đó giúp điều hòa lượng đường trong máu.

Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào của cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả, lượng glucose trong máu sẽ tăng cao. Khi bị thừa cân, cơ thể sử dụng insulin kém hiệu quả hơn và vì vậy nên sẽ phải sản xuất nhiều insulin hơn để kiểm soát lượng đường trong máu.

>>> Tìm hiểu thêm về vai trò của insulin trong cơ thể.

Ngoài ra, khi mang thai, nhau thai giải phóng ra các hormone ngăn cản hoạt động của insulin. Điều này khiến cho đường lưu lại trong máu lâu hơn sau bữa ăn. Vì thai nhi được cung cấp các chất dinh dưỡng từ máu nên việc các dưỡng chất lưu lại trong máu lâu hơn sẽ có lợi. Kháng insulin là một hiện tượng bình thường trong thời gian mang thai.

Tuy nhiên, lượng đường trong máu có thể tăng quá cao trong thai kỳ nếu như:

  • Người mẹ đã bị kháng insulin từ trước khi mang thai
  • Đường huyết đã ở mức cao trước khi mang thai
  • Có các vấn đề sức khỏe làm tăng nguy cơ kháng insulin

Khi lượng đường trong máu ở mức quá cao, sản phụ sẽ được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ.

Triệu chứng của tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ đa phần không biểu hiện triệu chứng rõ rệt nhưng có thể gây ra một số triệu chứng nhẹ như:

  • Mệt mỏi
  • Khát nước thường xuyên
  • Đi tiểu nhiều lần, tiểu gấp
  • Ngủ ngáy
  • Tăng cân

Tiểu đường thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác.

Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất có thể xảy ra là tiền sản giật – một dạng cao huyết áp trong thai kỳ và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh tiểu đường thai kỳ còn có thể khiến cho thai nhi có cân nặng quá lớn và điều này làm tăng nguy cơ phải sinh mổ khẩn cấp.

Khi người mẹ bị tiểu đường thai kỳ, thai nhi sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết khi sinh. Bệnh tiểu đường thai kỳ được kiểm soát kém còn có thể dẫn đến thai chết lưu.

Chẩn đoán tiểu đường thai kỳ

Vì bệnh tiểu đường thai kỳ thường không có triệu chứng nên được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu. Xét nghiệm sàng lọc tiểu đường thai kỳ thường được thực hiện vào ba tháng giữa của thai kỳ. Trong những trường hợp có nguy cơ cao, xét nghiệm sẽ được thực hiện sớm hơn ngay vào ba tháng đầu.

Có hai phương pháp thường được sử dụng để sàng lọc tiểu đường thai kỳ là nghiệm pháp thử thách glucose và nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống. Trong quá trình thực hiện nghiệm pháp thử thách glucose, sản phụ uống một loại dung dịch chứa đường và 1 tiếng sau được lấy máu để làm xét nghiệm. Phương pháp này không cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy đường huyết ở mức cao thì sản phụ sẽ phải quay lại vào một ngày khác và tiến hành nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.

Với nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, sản phụ sẽ phải nhịn ăn ít nhất 8 tiếng. Khi đến bệnh viện, sản phụ sẽ được lấy máu, sau đó uống một loại dung dịch chứa đường rồi tiếp tục được lấy máu thêm 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tiếng. Nếu một trong những lần xét nghiệm này cho kết quả đường huyết cao thì có nghĩa là đã mắc tiểu đường thai kỳ.

Điều trị tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn uống và tập thể dục.

Khi bị tiểu đường thai kỳ, sản phụ phải đặc biệt chú ý đến lượng carbohydrate và khẩu phần ăn, bên cạnh đó cần tránh một số loại thực phẩm, đồ uống như rượu bia, thực phẩm qua chế biến sẵn và thực phẩm chứa nhiều tinh bột như khoai tây, cơm, bánh mì trắng, mì…

Ngoài điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục cũng là điều cần thiết để kiểm soát lượng đường trong máu. Sản phụ nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn chế độ tập luyện phù hợp. Một số bài tập an toàn cho phụ nữ mang thai là:

  • Pilates
  • Yoga
  • Đi bộ
  • Bơi lội
  • Chạy bộ
  • Tập thể hình

Người bệnh cần đo đường huyết thường xuyên để kịp thời phát hiện tăng đường huyết.

Nếu như đã ăn kiêng và tập thể dục mà vẫn không thể kiểm soát được lượng đường trong máu thì sẽ phải sử dụng insulin.

Nên kiểm tra đường huyết bao lâu một lần?

Sản phụ sẽ phải tái khám thường xuyên trong suốt phần còn lại của thai kỳ để theo dõi lượng đường trong máu và ngoài ra cũng phải đo đường huyết tại nhà hàng ngày.

Cách sử dụng máy đo đường huyết rất đơn giản: Chỉ cần dùng một cây kim nhỏ chích đầu ngón tay để lấy mẫu máu, sau đó chấm máu lên que thử bên trong máy đo. Bác sĩ sẽ cho biết phạm vi đường huyết cần duy trì. Nếu đường huyết vượt quá phạm vi này thì hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức.

Dù đo đường huyết tại nhà thường xuyên, phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ vẫn sẽ phải đến bệnh viện tái khám định kỳ, thường là mỗi tháng một lần để theo dõi đường huyết và xác nhận kết quả đo tại nhà.

Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường thai kỳ đến thai kỳ

Phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ cần siêu âm thai thường xuyên hơn để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành xét nghiệm non-stress test để đánh giá sự thay đổi nhịp tim thai khi thai nhi cử động.

Bác sĩ cũng có thể sẽ đề nghị khởi phát chuyển dạ nếu đã đến ngày dự sinh mà vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ tự nhiên. Lý do là vì sinh muộn sẽ làm tăng rủi ro trong những trường hợp bị tiểu đường thai kỳ.

Hậu quả của bệnh tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ thường tự khỏi sau khi sinh. Sản phụ sẽ phải xét nghiệm đường huyết sau khi sinh từ 6 đến 12 tuần để đảm bảo lượng đường trong máu đã trở lại mức bình thường. Nếu như lúc này đường huyết không trở về mức bình thường thì rất có thể là đã mắc bệnh tiểu đường type 2.

Ngay cả khi lượng đường trong máu trở về bình thường sau khi sinh, bệnh tiểu đường thai kỳ vẫn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 trong tương lai. Do đó, những phụ nữ có tiền sử tiểu đường thai kỳ nên xét nghiệm máu 3 năm một lần để kiểm tra mức đường huyết.

Nếu người mẹ bị tiểu đường thai kỳ, thai nhi sẽ có nguy cơ bị thừa cân hoặc mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khi lớn lên. Có thể giảm thiểu nguy cơ này bằng cách:

  • Nuôi con bằng sữa mẹ
  • Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ
  • Khuyến khích trẻ hoạt động thể chất thường xuyên

Ăn đường có làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ không?

Ăn uống đồ chứa đường sẽ không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, khi bị tiểu đường thai kỳ, điều quan trọng là phải kiểm soát lượng carbohydrate tiêu thụ để kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Đường cũng là một loại carbohydrate. Carbohydrate trong một số loại thực phẩm, chẳng hạn như nước ngọt, bánh kẹo hay nước ép trái cây được tiêu hóa và làm tăng đường trong máu nhanh hơn so với carbohydrate trong các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau củ và trái cây nguyên quả. Do đó, lựa chọn đúng thực phẩm chứa carbohydrate cũng là điều rất quan trọng để xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh khi bị tiểu đường thai kỳ.

Đọc toàn bộ bài viết