Rối loạn nhịp xoang là tình trạng nhịp tim không đều, quá nhanh hoặc quá chậm.
Loạn nhịp xoang là gì?
Rối loạn nhịp xoang hay loạn nhịp xoang (sinus arrhythmia) là tình trạng nhịp tim không đều, quá nhanh hoặc quá chậm. Loạn nhịp xoang hô hấp - một dạng đặc biệt của loạn nhịp xoang – là tình trạng nhịp tim thay đổi mỗi khi hít vào và thở ra. Hay nói cách khác, nhịp tim thay đổi theo nhịp thở. Khi hít vào, nhịp tim tăng lên còn khi thở ra, nhịp tim lại giảm xuống.
Đây chỉ là một trong các dạng nhịp tim bình thường và là một hiện tượng vô hại. Trên thực tế, hiện tượng này còn rất phổ biến ở cả trẻ nhỏ và người lớn khỏe mạnh.
Loạn nhịp xoang hô hấp cũng có thể xảy ra ở người lớn tuổi, nhưng trong những trường hợp này thì nó thường có liên quan đến các bệnh lý về tim khác.
Đôi khi, loạn nhịp xoang xảy ra cùng lúc với một vấn đề khác gọi là nhịp chậm xoang (sinus bradycardia). Nhịp tim chậm là tình trạng khi mà nhịp đập tự nhiên của tim dưới 60 lần mỗi phút. Nếu tim đập quá chậm và tạo ra các khoảng nghỉ dài giữa các nhịp thì có thể bạn đã bị chứng nhịp chậm xoang với loạn nhịp xoang. Những khoảng nghỉ thường xảy ra phổ biến trong khi ngủ.
Loại loạn nhịp xoang xảy ra khi tim đập quá nhanh được gọi là nhịp nhanh xoang. Tình trạng này xảy ra khi tim đập trên 100 nhịp mỗi phút. Nhịp nhanh xoang thường là kết quả do một vấn đề khác gây nên, chẳng hạn như căng thẳng, sốt, đau, tập thể dục hoặc dùng thuốc. Nếu nhịp tim nhanh tiếp diễn trong một thời gian dài thì sẽ cần điều trị vấn đề gốc rễ gây ra tình trạng này.
Ở những người còn trẻ và khỏe mạnh thì các vấn đề này thường không gây hại. Nhịp tim chậm hoặc nhanh có thể gây ra các triệu chứng như chóng mặt hoặc khó thở nhưng nhiều khi lại không bộc lộ bất kỳ triệu chứng nào.
Các triệu chứng của loạn nhịp xoang
Nhiều người bị loạn nhịp xoang không gặp phải bất kỳ triệu chứng về tim mạch nào nên không bao giờ phát hiện ra vấn đề.
Nếu biết cách kiểm tra mạch thì sẽ cảm nhận thấy có sự thay đổi nhỏ trong nhịp tim khi hít vào và thở ra. Tuy nhiên, đôi khi sự khác biệt này lại nhẹ đến mức chỉ có thể dùng máy mới phát hiện được.
Nếu bạn cảm thấy tim đập nhanh hoặc cảm thấy tim đập lỡ một nhịp thì nên đi khám để đảm bảo rằng bạn không có bất kỳ vấn đề nào về tim.
Nguyên nhân gây loạn nhịp xoang
Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân gây loạn nhịp xoang nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng sự liên kết giữa tim, phổi và hệ thống mạch máu có thể góp phần gây nên vấn đề này.
Ở những người lớn tuổi, loạn nhịp xoang có thể xảy ra do bệnh tim mạch hoặc các vấn đề về tim khác. Ví dụ, tổn thương nút xoang khiến cho các tín hiệu điện không thể đi ra khỏi nút và tạo nhịp tim tim ổn định, bình thường.
Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán loạn nhịp xoang, bác sĩ sẽ tiến hành đo điện tâm đồ (EKG hay ECG). Đây là phương pháp đo tín hiệu điện của tim, cho phép phát hiện mọi đặc điểm của nhịp tim và giúp bác sĩ xác định được nhũng vấn đề bất thường tiềm ẩn như loạn nhịp xoang.
Trong đa số các trường hợp thì loạn nhịp xoang không nguy hiểm và cũng không phải vấn đề đáng lo ngại.
Điều trị loạn nhịp xoang bằng cách nào?
Vì loạn nhịp xoang là một hiện tượng vô hại nên có thể không cần điều trị. Thậm chí có những trường hợp trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên bị loạn nhịp xoang nhưng khi lớn lên lại không hề phát hiện thấy vấn đề nữa.
Nhưng nếu bạn bị loạn nhịp xoang do một vấn đề về tim khác thì sẽ cần phải điều trị vấn đề đó.
Các biến chứng
Loạn nhịp xoang rất hiếm khi gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu loạn nhịp xoang xảy ra cùng với nhịp chậm xoang hoặc nhịp nhanh xoang thì có thể bạn sẽ gặp phải một số biến chứng. Đối với nhịp chậm xoang, triệu chứng thường gặp là chóng mặt, khó thở và ngất xỉu. Còn với nhịp nhanh xoang thì triệu chứng thường là chóng mặt, đau ngực và tim đập nhanh.
Triển vọng và tiên lượng bệnh
Phần lớn những người bị loạn nhịp xoang vẫn có thể sống khỏe mạnh bình thường. Nhiều người thậm chí còn không hề biết mình bị vấn đề này cho đến khi tình cờ khám bệnh và phát hiện ra. Và kể cả khi có chẩn đoán mắc loạn nhịp xoang thì việc điều trị đa phần là không cần thiết.
Nhưng với những người lớn tuổi mắc bệnh thì sẽ phải xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị. Bản thân loạn nhịp xoang không có hại nhưng một số vấn đề tiềm ẩn như bệnh tim lại gây hại nên cần điều trị.