Nếu không được điều trị, tình trạng loét đường tiêu hóa sẽ ngày càng nặng và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như thủng dạ dày – ruột, chảy máu trong và hình thành sẹo.
Loét đường tiêu hóa là gì?
Viêm loét đường tiêu hóa là tình trạng mà lớp niêm mạc dạ dày, thực quản dưới hay ruột non bị viêm và dần hình thành những vết loét. Những vết loét này thường là hậu quả của tình trạng viêm do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây nên hoặc do axit dạ dày ăn mòn. Loét đường tiêu hóa là một vấn đề rất phổ biến.
Có ba loại loét đường tiêu hóa phổ biến là:
- Loét dạ dày: tình trạng loét xảy ra bên trong dạ dày
- Loét thực quản: các vết loét hình thành bên trong ống thực quản
- Loét tá tràng: vết loét phát triển ở tá tràng - phần đầu của ruột non
Nguyên nhân gây loét đường tiêu hóa
Có nhiều tác nhân khác nhau khiến cho niêm mạc dạ dày, thực quản và ruột non bị tổn thương, có thể kể đến như:
- Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng và viêm dạ dày
- Thường xuyên sử dụng aspirin, ibuprofen và các loại thuốc kháng viêm khác trong một thời gian dài (phụ nữ và người trên 60 tuổi là những đối tượng dễ bị loét đường tiêu hóa do nguyên nhân này)
- Hút thuốc
- Uống quá nhiều rượu
- Đang trong quá trình xạ trị
- Bị ung thư dạ dày
Triệu chứng loét đường tiêu hóa
Nếu như mới chỉ hình thành các vết loét nhỏ và ở trong giai đoạn đầu thì bệnh thường chưa bộc lộ triệu chứng nhưng về sau, triệu chứng phổ biến nhất của loét đường tiêu hóa là cảm giác đau bụng nóng rát từ rốn lên đến ngực. Nhiều người còn bị các cơn đau làm mất ngủ vào ban đêm.
Ngoài ra còn có các dấu hiệu phổ biến khác như:
- Chán ăn, mất cảm giác thèm ăn
- Buồn nôn
- Phân có lẫn máu hoặc có màu đen
- Sụt cân không chủ đích
- Khó tiêu sau khi ăn
- Hay ói mửa
- Đau tức ngực
Phát hiện loét đường tiêu hóa bằng cách nào?
Hiện nay có hai phương pháp chính để chẩn đoán loét đường tiêu hóa là nội soi đường tiêu hóa trên và chụp X-quang đường tiêu hóa trên.
Nội soi đường tiêu hóa trên
Trong quy trình nội soi đường tiêu hóa trên, bác sĩ đưa một ống dài có gắn camera qua miệng hoặc mũi xuống cổ họng, vào dạ dày và ruột non để kiểm tra những vị trí có vết loét. Kỹ thuật này còn cho phép bác sĩ lấy mẫu mô ra ngoài để kiểm tra.
Không phải ai có triệu chứng về đường tiêu hóa cũng cần nội soi đường tiêu hóa trên nhưng kỹ thuật này được khuyến nghị cho những người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày. Nhóm đối tượng này gồm có:
- Những người trên 45 tuổi
- Bị thiếu máu
- Sụt cân bất thường
- Xuất huyết dạ dày
- Có cảm giác cổ họng bị chẹn, khó nuốt
Chụp X-quang đường tiêu hóa trên
Nếu bạn không bị hiện tượng khó nuốt và không thuộc nhóm có nguy cơ mắc ung thư dạ dày thì thường chỉ cần chụp X-quang đường tiêu hóa trên. Trước khi chụp, bạn cần uống dung dịch cản quang bari sulfat. Sau đó, kỹ thuật viên sẽ tiến hành chụp X-quang dạ dày, thực quản và ruột non. Dung dịch cản quang sẽ giúp bác sĩ xác định được những vị trí bị loét.
Vì nhiễm khuẩn HP cũng là một nguyên nhân gây loét đường tiêu hóa nên sẽ cần tiến hành thêm các phương pháp xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân hay xét nghiệm hơi thở để phát hiện sự có mặt của vi khuẩn này trong dạ dày.
Cách điều trị loét đường tiêu hóa
Phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm loét. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bị nhiễm vi khuẩn HP thì sẽ cần điều trị bằng đơn thuốc kết hợp, thường là trong khoảng hai tuần. Các loại thuốc được dùng gồm có kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và thuốc ức chế bơm proton để giảm tiết axit dạ dày.
Các loại thuốc kháng sinh có thể gây ra các tác dụng phụ như tiêu chảy hoặc đau dạ dày. Nếu những tác dụng phụ này gây khó chịu, cản trở sinh hoạt hàng ngày và không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần nói chuyện với bác sĩ để điều chỉnh.
Trong trường hợp không bị nhiễm HP, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc ức chế bơm proton kê đơn hoặc không kê đơn (ví dụ như Prilosec hoặc Prevacid) để giảm tiết axit dạ dày và làm lành các vết loét. Thời gian điều trị có thể lên đến 8 tuần tùy từng trường hợp.
Các thuốc kháng axit như ranitidine (Zantac) hoặc famotidine (Pepcid) cũng có tác dụng làm giảm axit dạ dày và làm dịu các cơn đau do loét. Nhóm thuốc này có cả loại kê đơn và không kê đơn với liều thấp hơn.
Ngoài ra, người bệnh thường cần dùng thêm sucralfate – một loại thuốc có tác dụng tạo thành lớp màng phủ lên niêm mạc dạ dày để bảo vệ các vết loét không bị ảnh hưởng bởi enzyme, axit và muốt mật, từ đó làm giảm các triệu chứng viêm loét dạ dày.
Biến chứng của loét đường tiêu hóa
Nếu không được điều trị, tình trạng loét đường tiêu hóa sẽ ngày càng nặng và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Thủng dạ dày – ruột: ổ loét ăn sâu và gây thủng thành dạ dày hoặc tá tràng, có thể dẫn đến nhiễm trùng. Một trong những dấu hiệu của thủng đường tiêu hóa là đau bụng đột ngột, dữ dội.
- Chảy máu trong: tình trạng chảy máu trong do loét có thể gây mất máu đáng kể và người bệnh cần phải nhập viện. Dấu hiệu của chảy máu trong là chóng mặt, choáng váng và phân có màu đen.
- Hình thành sẹo: đây là hiện tượng hình thành mô xơ, cứng sau tổn thương. Khi hình thành ở đường tiêu hóa, các mô sẹo này sẽ gây cản trở và khiến thức ăn khó đi qua. Dấu hiệu của hình thành mô sẹo trong đường tiêu hóa là nôn mửa và sụt cân.
Cả ba biến chứng này đều rất nghiêm trọng và có thể phải phẫu thuật để khắc phục. Ngoài các dấu hiệu trên, nếu gặp các triệu chứng sau thì bạn cũng cần đến bệnh viện ngay:
- Đau bụng dữ dội, quặn thắt
- Ngất xỉu, đổ nhiều mồ hôi hoặc đầu óc không tỉnh táo (đây là những dấu hiệu bị sốc)
- Nôn hoặc đi ngoài ra máu
- Bụng cứng
- Đau bụng khi vận động và đỡ khi nằm nghỉ
Loét đường tiêu hóa có điều trị khỏi được không?
Nếu điều trị đúng cách, đa phần các trường hợp viêm loét đường tiêu hóa đều có thể khỏi. Tuy nhiên, nếu ngừng dùng thuốc sớm hoặc tiếp tục hút thuốc lá, uống rượu bia và dùng thuốc kháng viêm không steroid trong quá trình điều trị thì sẽ rất lâu khỏi và thậm chí không thể khỏi được. Sau khi hoàn thành đợt điều trị đầu tiên, bạn sẽ cần đi tái khám để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị và khả năng phục hồi.
Có một số ít trường hợp mà bệnh viêm loét đường tiêu hóa không khỏi sau thời gian điều trị. Nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn sau đợt điều trị đầu tiên thì có thể là do các khả năng sau:
- Dạ dày tạo ra quá nhiều axit
- Đã bị nhiễm các loại vi khuẩn khác ngoài H. pylori trong dạ dày
- Mắc một bệnh lý khác, chẳng hạn như ung thư dạ dày hoặc bệnh Crohn (một bệnh viêm ruột)
Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị khác hoặc làm các xét nghiệm chẩn đoán bổ sung để xác định chính xác căn nguyên của vấn đề và kiểm tra xem có bị ung thư dạ dày hay các bệnh đường tiêu hóa khác hay không.
Cách ngăn ngừa viêm loét đường tiêu hóa
Để ngăn ngừa viêm loét đường tiêu hóa, bạn nên áp dụng một số thay đổi đối với lối sống và chế độ ăn uống hàng ngày như:
- Không tiêu thụ quá hai đơn vị cồn mỗi ngày. Mỗi đơn vị cồn là 14g cồn, tương đương khoảng 350ml bia, 150ml rượu vang (12 độ cồn) và 45ml rượu mạnh (40 độ cồn)
- Không uống thuốc khi uống thuốc
- Rửa tay thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn
- Hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng viêm không steroid
Ngoài ra, nên bỏ thuốc lá, cả thuốc lá truyền thống cũng như là các sản phẩm thay thế thuốc lá và duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, nhiều trái cây, rau xanh.