Lợi ích của việc nâng cao chân

4 năm trước 21

Dù không thể thay thế hoàn toàn cho các bài tập thể dục nhưng nâng cao chân cũng giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tĩnh mạch khi phải ngồi hay đứng trong thời gian dài.

Trong cuộc sống mà hầu hết các công việc được thực hiện bằng máy móc hiện nay thì không có gì là lạ khi con người ngày càng phải ngồi nhiều.

Cho dù là ngồi làm việc trước máy tính, ngồi điều khiển các thiết bị, ngồi trên xe hay ngồi xem tivi thì thời gian ngồi quá dài đều sẽ gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Một trong số những tác hại đó là các vấn đề về tĩnh mạch như suy giãn tĩnh mạch.

Và hiển nhiên, cách tốt nhất để ngăn ngừa những tác hại này là tăng cường vận động. Có thể tăng mức độ vận động trong ngày bằng nhiều cách khác nhau như đứng dậy và đi lại sau mỗi 30 phút ngồi làm việc, tập các bài tập giãn cơ thể thường xuyên trong ngày, tập thể dục ít nhất 3 ngày một tuần, mỗi ngày từ 30 phút đến 1 tiếng,…

Tập thể dục là một trong những cách hiệu quả nhất để giữ cho tĩnh mạch và tình trạng sức khỏe tổng thể ở trạng thái tốt nhất nhưng trong cuộc sống bận rộn thì không phải ai cũng có thời gian cho việc tập luyện.

Và, nếu như không thể tập thể dục mỗi ngày thì cũng đừng lo lắng. Bạn vẫn có thể ngăn ngừa các vấn đề về tĩnh mạch bằng một cách đơn giản là nâng cao chân. Dù không thể thay thế hoàn toàn cho các bài tập thể dục nhưng nâng cao chân cũng giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tĩnh mạch khi phải ngồi hay đứng trong thời gian dài.

Lợi ích của việc nâng cao chân

Dưới đây là những lý do tại sao nâng cao chân lại có lợi cho sức khỏe tĩnh mạch và toàn bộ cơ thể.

Giải tỏa áp lực

Trước hết, việc nâng cao chân giúp làm giảm áp lực lên các tĩnh mạch. Đứng hoặc ngồi trong thời gian dài sẽ khiến cho các tĩnh mạch trong cơ thể phải chịu áp lực lớn và nâng cao chân sẽ tạm thời giúp làm giảm áp lực này.

Hỗ trợ lưu thông máu

Ngoài ra, sự lưu thông máu tự nhiên sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều trong khi nâng cao chân. Khi đứng hay ngồi, các tĩnh mạch phải làm việc vất vả để chống lại trọng lực và đưa máu trở về tim. Hãy để tĩnh mạch được tạm thời nghỉ ngơi bằng cách nâng chân lên cao hơn tim ít nhất 15cm.

Giảm viêm

Tình trạng sưng phù cũng sẽ giảm xuống khi nâng cao chân và giúp giữ cho các tĩnh mạch luôn khỏe mạnh. Điều này giúp các mạch máu nhỏ không phải làm việc quá sức và tránh được nhiều vấn đề về tĩnh mạch.

Cách nâng cao chân

Bây giờ bạn đã biết nâng cao chân là điều đem lại lợi ích lớn cho tĩnh mạch và đôi chân. Vậy phải nâng cao chân như thế nào? Dưới đây là một số lưu ý:

1. Nâng chân lên cao hơn tim

Chỉ như vậy thì nâng cao chân mới có hiệu quả.

Có 3 cách đơn giản để nâng chân lên cao hơn tim là:

  • Ngồi gác chân lên bàn
  • Nằm ép chân lên tường
  • Kê nhiều gối dưới chân khi nằm

2. Nâng chân ít nhất 3 lần x 15 phút một ngày

Nếu chỉ thực hiện một lần mỗi ngày và mỗi lần trong thời gian ngắn thì sẽ không đủ mà cần tập cho mình thói quen nâng cao chân ít nhất 3 lần hàng ngày.

Mỗi lần thì nên giữ ít nhất15 phút. Có thể thực hiện khi xem tivi hoặc khi làm việc trên máy tính ở nhà để tận dụng thời gian.

3. Kê đệm khi gác chân

Một trong những cách đơn giản để nâng chân lên cao hơn tim là ngồi trên ghế và gác chân lên bàn.

Tuy nhiên, không được gác chân mà không sử dụng đệm. Nếu đặt chân trực tiếp trên bề mặt cứng thì sẽ có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề hơn, ví dụ như đau ở cổ chân hoặc bầm tím. Vì vậy, cần dùng một chiếc gối hoặc một tấm đệm mềm để kê bên dưới chân.

Cổ và lưng cũng phải được nâng đỡ sao cho nửa thân trên và chân tạo thành một góc vuông để đảm bảo sự lưu thông máu diễn ra hiệu quả.

4. Ép chân lên tường

Một cách nữa để có thể nâng cao chân trên tim là ép chân lên tường. Cách thực hiện rất đơn giản, chỉ cần nằm ngửa xuống sàn, mông chạm vào chân tường, giơ cao chân và ép sát lên tường. Đây là một trong những động tác yoga mang lại lợi ích lớn cho cơ thể.

Nhưng chỉ nên giữ nguyên tư thế này từ 5 đến 10 phút để không gây căng quá mức lên gót chân, đầu gối và cột sống.

5. Kê gối khi nằm

Mỗi khi nằm hãy kê thêm vài chiếc gối dưới chân để máu lưu thông tử chân về tim dễ dàng hơn.

6. Xoay cổ chân và bàn chân

Trong khi nâng cao chân thì nên thực hiện thêm một động tác nữa là xoay cổ chân để hỗ trợ tuần hoàn máu. Ngoài ra cũng có thể gập cong bàn chân rồi thả lỏng liên tục vài lần để củng cố cơ bắp chân và cơ đùi, điều này cũng giúp thúc đẩy sự lưu thông máu ở chân. Việc thực hiện nhiều động tác một lúc sẽ cho hiệu quả cao hơn so với chỉ nâng cao chân.

Đi khám bác sĩ

Tuy nhiên, khi nhận thấy những dấu hiệu của vấn đề về tĩnh mạch thì tốt nhất vẫn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Không nên xem nhẹ những vấn đề này. Việc điều trị khi mới có những dấu hiệu đầu tiên bao giờ cũng đơn giản hơn so với khi tình trạng đã chuyển biến nặng.

Đọc toàn bộ bài viết