Theo nhận định của các thầy thuốc chuyên khoa mắt thì hiện đang là thời điểm giao mùa, là mùa nước lên, độ ẩm không khí thay đổi nên bệnh dễ xuất hiện và lây lan thành dịch nếu người dân không biết cách phòng tránh và điều trị sớm.
Khi mắc viêm kết mạc có cần điều trị tại bệnh viện?
Theo BS. Lê Xuân Cung - Phó trưởng Khoa kết giác mạc Bệnh viện Mắt Trung ươngcho biết bệnh viêm kết mạc không cần phải điều trị tại bệnh viện. Người bệnh có thể điều trị tại nhà theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa mắt và cần phải tuyệt đối tuân theo những nguyên tắc giữ gìn vệ sinh để tránh lây bệnh cho những thành viên khác trong gia đình và cộng đồng.
Cụ thể:
- Người bệnh cần đeo kính để hạn chế phát tán yếu tố gây bệnh
- Không dùng chung khăn mặt và chậu rửa mặt, rửa sạch tay bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc với mắt bị bệnh (sau khi tra thuốc, lau mắt...) để tránh lây lan yếu tố gây bệnh qua đồ vật dùng chung (điện thoại cố định, điều khiển từ xa...)
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người bệnh vì viêm kết mạc cũng có thể lây qua đường hô hấp.
- Người bị viêm kết mạc cũng không nên đi học, đi làm để tránh lây bệnh cho người khác trong điều kiện bệnh viêm kết mạc dễ lây lan như hiện nay.
BS. Cung cũng nhấn mạnh, người bệnh viêm kết mạc sau khi khỏi bệnh từ 7- 10 ngày vẫn có khả năng truyền bệnh nên người nhà và những người xung quanh không nên chủ quan trong việc tiếp xúc.
Viêm kết mạc có dẫn đến mù lòa?
Khi bị bệnh viêm kết mạc, người bệnh thường có cảm giác cộm như có cát trong mắt. Mi mắt sưng có thể ít hoặc nhiều, kết mạc đỏ toàn bộ, nhiều gỉ mắt. Đặc biệt sáng ngủ dậy khó mở mắt do gỉ dính mi mắt lại.
Thị lực ít thay đổi, ngoài ra còn có những dấu hiệu khác như giả mạc, những hột nhỏ, nhú gai... Yếu tố đặc biệt quan trọng là người bệnh phải giữ gìn vệ sinh mắt thật tốt bởi nếu không sẽ là điều kiện thuận lợi khiến bệnh viêm kết mạc nặng thêm do bị bội nhiễm.
BS. Cung cho biết, bệnh viêm kết mạc sẽ được điều trị khỏi trong vòng 7-10 ngày nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng. Tốt nhất là điều trị theo nguyên nhân. Nếu viêm kết mạc do vi khuẩn thì sử dụng kháng sinh.
Các bác sĩ khuyến cáo:
- Nếu chưa có điều kiện đi khám mà thấy các biểu hiện của viêm kết mạc nêu trên thì bệnh nhân có thể dùng ngay các thuốc thông thường như natriclorid 0,9%, cloramphenicol 0,4% để tra mắt và đi gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để khám và dùng thuốc theo chỉ dẫn.
- Tuyệt đối không tự ý mua thuốc có chứa corticoid hoặc dexamethazol để tra mắt khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Lưu ý, nếu điều trị muộn và không đúng, bệnh có thể gây ra một số biến chứng: viêm giác mạc, loét giác mạc và có thể dẫn đến mù lòa.
Khi bị viêm kết mạc cần lưu ý những gì?
- Khi bị VKM, bệnh nhân cần tránh những thức ăn có tính kích thích (rượu bia, thuốc lá, chất cay như hành tỏi, ớt, thịt chó, các chất tanh như tôm, cua, cá...) vì có thể làm tăng phản ứng viêm.
- Bác sĩ chuyên khoa mắt cũng nhấn mạnh, sự âu yếm giữa vợ chồng khi hôn, quan hệ tình dục... cũng có thể làm lây bệnh viêm kết mạc do tiếp xúc gần với người bệnh.
- Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc giữ gìn vệ sinh cá nhân như không sử dụng chung đồ dùng, không sử dụng chung máy tính, điều khiển... để tránh lây bệnh cho những thành viên khác trong gia đình và cộng đồng.
- Người bị bệnh viêm kết mạc ngoài việc điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ còn có thể thường xuyên nhỏ mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý giúp rửa chất bẩn, làm trôi mầm bệnh ra ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình tra nước muối sinh lý thấy mắt bị xót thì cần ngưng sử dụng ngay do lọ nước muối có độ PH không đạt chuẩn, nếu tra mắt kéo dài sẽ gây ra tình trạng mắt bị phù, cộm rát nhiều hơn.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn