Mang thai khi bị nhiễm HPV có những rủi ro nào?

3 năm trước 25

Sự thay đổi nồng độ nội tiết tố trong thời gian mang thai có thể khiến mụn cóc phát triển nhanh hơn bình thường.

Tóm tắt:

Nhiễm HPV là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất

Các hướng dẫn không khuyến nghị tiêm vắc-xin HPV cho phụ nữ mang thai

HPV thường không gây ra các vấn đề khi mang thai

HPV và mang thai

HPV hay vi-rút u nhú ở người (human papillomavirus) là một loại vi-rút lây truyền qua đường tình dục. Hầu hết các chủng HPV đều lây qua quan hệ tình dục đường miệng, đường âm đạo và đường hậu môn.

Nhiễm HPV xảy ra rất phổ biến. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), khoảng 80% những người có quan hệ tình dục đều bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời.

Có hơn 150 chủng HPV khác nhau. Nhiều chủng trong số đó không gây ra bất kỳ vấn đề nào và sẽ bị hệ miễn dịch cơ thể loại bỏ mà không cần điều trị. Do đó mà nhiều người không hề hay biết rằng mình bị nhiễm vi-rút.

Có khoảng 40 chủng HPV có thể lây truyền qua đường sinh dục. Những chủng này có thể gây ra mụn cóc sinh dục và ung thư ở những bộ phận khác nhau của cơ thể như:

  • Cổ tử cung
  • Âm đạo
  • Âm hộ
  • Dương vật
  • Hậu môn
  • Khoang miệng

Để giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung do HPV thì phụ nữ nên tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV. Các loại vắc-xin này giúp tạo sự bảo vệ cho cơ thể chống lại các chủng HPV làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, tất cả những loại vắc-xin này đều không được khuyến khích tiêm trong thai kỳ.

HPV đa phần không gây ra bất kỳ vấn đề gì trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, nếu bị nhiễm HPV và đang mang thai thì phụ nữ vẫn nên biết về một số vấn đề hiếm gặp có thể xảy ra.

Các triệu chứng nhiễm HPV

HPV thường không gây ra bất kỳ triệu chứng gì nhưng nếu có thì triệu chứng phổ biến nhất là mụn cóc. Mụn cóc là những cục mụn nhỏ, nổi trên bề mặt da, có màu da hoặc màu nâu, hình thành đơn lẻ hoặc thành từng cục và trông giống như súp lơ.

Mỗi chủng HPV lại gây ra các loại và vị trí hình thành mụn cóc khác nhau:

  • Mụn cóc sinh dục: hình thành trên âm đạo, âm hộ, cổ tử cung hoặc hậu môn ở phụ nữ và trên dương vật, bìu hoặc hậu môn ở nam giới.
  • Mụn cóc thông thường: hình thành trên bàn tay hoặc khuỷu tay.
  • Mụn cóc Plantar: xuất hiện trên các chỗ bị chai của bàn chân, ví dụ như gót chân.
  • Mụn cóc phẳng: thường xuất hiện trên mặt ở trẻ em, nam giới và trên chân ở nữ giới.

Mụn cóc có thể gây đau hoặc chảy máu nhưng chủ yếu chỉ gây ngứa.

Mang thai ảnh hưởng đến các triệu chứng nhiễm HPV như thế nào?

Sự thay đổi nồng độ nội tiết tố trong thời gian mang thai có thể khiến mụn cóc phát triển nhanh hơn bình thường. Cơ thể phụ nữ mang thai cũng tiết ra nhiều khí hư hơn, điều này tạo ra một môi trường ấm và ẩm – điều kiện thuận lợi cho mụn cóc phát triển.

Một số chủng HPV còn làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Bệnh ung thư này thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi bắt đầu lây lan sang những bộ phận khác của cơ thể. Một khi tế bào ung thư lan rộng thì người bệnh sẽ gặp những triệu chứng như:

  • Chảy máu âm đạo bất thường, ví dụ như chảy máu ngoài kỳ kinh nguyệt hoặc chảy máu sau quan hệ tình dục
  • Khí hư bất thường, ví dụ như có lẫn máu
  • Đau đớn khi quan hệ tình dục
  • Đau lưng, đau bụng và đau vùng chậu
  • Đau chân
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Sụt cân

Chẩn đoán nhiễm HPV khi mang thai bằng cách nào?

Phụ nữ mang thai không được khuyến khích làm xét nghiệm HPV trừ khi được bác sĩ chỉ định vì lý do đặc biệt.

Bác sĩ có thể chẩn đoán nhiễm HPV nếu phát hiện thấy mụn cóc hoặc những dấu hiệu bất thường trong quá trình xét nghiệm Pap định kỳ. Trong quá trình xét nghiệm Pap, bác sĩ sử dụng dụng cụ vô trùng để lấy một số mẫu nhỏ tế bào trên bề mặt cổ tử cung. Sau đó mẫu tế bào này được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích và kiểm tra tế bào tiền ung thư. Sự hiện diện của các tế bào này là dấu hiệu cho thấy có thể đã bị nhiễm HPV.

Với những phụ nữ trên 30 tuổi thì có thể làm xét nghiệm HPV-DNA cùng với xét nghiệm Pap. Xét nghiệm này giúp phát hiện xem có bị nhiễm các chủng HPV gây ung thư cổ tử cung hay không.

Điều trị HPV khi mang thai

Hiện tại chưa có cách nào chữa khỏi hoàn toàn khi bị nhiễm HPV nhưng hầu hết các trường hợp đều không cần phải điều trị vì vi-rút sẽ không còn trong cơ thể sau một thời gian. Nếu vi-rút vẫn tồn tại thì không có loại thuốc nào có thể tiêu diệt được. Các phương pháp điều trị đều chỉ có thể khắc phục triệu chứng do HPV gây ra.

Ở phụ nữ mang thai, HPV thường không gây nguy hiểm cho thai nhi.

Mụn cóc cũng không cần thiết phải điều trị trừ khi chúng có kích thước lớn hoặc gây khó chịu. Trong những trường hợp này thì có thể loại bỏ mụn cóc một cách đơn giản, an toàn bằng những biện pháp sau:

  • Đông lạnh mụn cóc bằng nitơ lỏng (phẫu thuật lạnh)
  • Đốt mụn cóc bằng laser
  • Đốt mụn cóc bằng kim điện
  • Phẫu thuật cắt mụn cóc

Điều trị HPV sau khi sinh bằng cách nào?

Nếu xét nghiệm Pap cho thấy có tế bào tiền ung thư ở cổ tử cung thì sẽ cần đợi cho đến khi sinh xong rồi mới xét nghiệm Pap lại một nữa để kiểm tra và tiến hành điều trị.

Đa phần thì HPV sẽ biến mất mà không cần điều trị. Nếu vẫn còn các tế bào bất thường sau khi sinh thì bác sĩ sẽ chỉ định loại bỏ bằng một trong các thủ thuật sau:

  • Phẫu thuật lạnh hay liệu pháp áp lạnh: đông lạnh để phá hủy các tế bào bất thường
  • Khoét chóp cổ tử cung bằng dao: dùng dao mổ để loại bỏ đi một vùng mô hình nón ở cổ tử cung
  • Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP): loại bỏ các mô bất thường bằng một vòng tròn được đốt nóng bằng điện

Mụn cóc do HPV có ảnh hưởng đến việc sinh nở không?

Mụn cóc sinh dục thường không ảnh hưởng đến việc sinh nở.

Tuy nhiên, đôi khi, mụn cóc lớn sẽ gây chảy máu khi sinh. Thậm chí, trong một số trường hợp hiếm gặp, mụn cóc sinh dục còn có thể phát triển lớn đến mức bít cửa âm đạo và khiến việc sinh nở trở nên khó khăn. Với những trường hợp như vậy thì sẽ cần mổ lấy thai.

HPV có thể lây sang con không?

Ở những phụ nữ mang thai, HPV thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé. Mặc dù vi-rút có thể lây sang thai nhi trong thời gian mang thai hoặc trong quá trình sinh nở nhưng khả năng này là rất thấp.

Các nghiên cứu cho kết quả khác nhau về tỷ lệ lây truyền HPV từ mẹ sang con. Một nghiên cứu vào năm 2016 đã phát hiện ra rằng khoảng 11% trẻ sơ sinh được sinh ra từ các bà mẹ dương tính với HPV cũng mang vi-rút này. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ được thực hiện trên một nhóm nhỏ và cần được thực hiện trên phạm vi rộng hơn thì mới có thể xác nhận kết quả này.

Ở hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm HPV khi còn trong bụng mẹ, cơ thể đều tự tiêu diệt vi-rút mà không gặp phải bất kỳ vấn đề về lâu dài nào.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, mụn cóc sinh dục có thể lây sang em bé trong khi sinh. Mụn cóc có thể hình thành trên thanh quản của trẻ. Khi mụn cóc phát triển ở vị trí này thì được gọi là u nhú tái phát ở đường hô hấp và cần làm phẫu thuật để loại bỏ các khối u.

HPV có ảnh hưởng gì đến việc cho con bú không

Nhiễm HPV đa phần không ảnh hưởng đến khả năng con bú. Mặc dù vi-rút có thể truyền từ mẹ sang con qua sữa mẹ nhưng hình thức lây truyền này rất hiếm khi xảy ra.

Vắc-xin phòng ngừa HPV và mang thai

Hai cách tốt nhất để tránh bị nhiễm HPV là quan hệ tình dục an toàn và tiêm vắc-xin.

Các hướng dẫn trước đây khuyến nghị nên tiêm vắc-xin HPV Gardasil cho phụ nữ trong độ tuổi từ 11 đến 26 và cho nam giới đến 21 tuổi. Tuy nhiên, các hướng dẫn mới hiện nay đã mở rộng độ tuổi có thể tiêm vắc-xin HPV. Theo đó, cả nam giới và phụ nữ trong độ tuổi từ 27 đến 45 nếu chưa từng tiêm tiêm vắc-xin trước đây thì có thể tiêm vắc-xin Gardasil 9. Có hai loại vắc-xin là loại hai mũi và loại ba mũi:

  • Loại hai mũi: được khuyến nghị cho những người dưới 15 tuổi. Mũi thứ hai được tiêm cách mũi thứ nhất từ 6 đến 12 tháng.
  • Loại ba mũi: được khuyến nghị cho người từ 15 đến 26 tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Cần tiêm đủ số mũi theo quy định để được bảo vệ toàn diện.

Nếu chưa tiêm phòng trước khi mang thai hoặc chưa tiêm đủ số mũi thì sẽ cần phải đợi cho đến sau khi sinh mới được tiêm. Các hướng dẫn đều khuyến cáo không tiêm vắc-xin HPV cho phụ nữ đang mang thai.

Tại sao phụ nữ mang thai không nên tiêm vắc-xin phòng HPV?

Mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy vắc-xin phòng HPV gây ra tác động tiêu cực hay nguy hiểm cho phụ nữ mang thai nhưng các nghiên cứu về tính an toàn của việc tiêm chủng trong thai kỳ vẫn còn hạn chế. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên hoãn việc tiêm vắc-xin lại cho đến khi sinh con xong.

Những phụ nữ trên 30 tuổi nên làm xét nghiệm HPV cùng với xét nghiệm Pap định kỳ. Nếu phát hiện bị nhiễm HPV thì sẽ cần được theo dõi đặc biệt trong suốt thời gian mang thai.

Cần nhớ rằng gần như tất cả những người trưởng thành có quan hệ tình dục đều sẽ bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời. Do đó, cần quan hệ tình dục an toàn và làm xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục để phát hiện bệnh kịp thời.

Đọc toàn bộ bài viết