Rối loạn cương dương có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó có cả sức khỏe tim mạch kém mà nồng độ cholesterol cao chính là một thủ phạm làm suy giảm sức khỏe tim mạch.
Cholesterol cao và rối loạn cương dương
Rối loạn cương dương hay bất lực là một vấn đề về chức năng tình dục phổ biến ở nam giới. Đây là tình trạng mà nam giới khó cương cứng hoặc có thể cương cứng nhưng không giữ được trong thời gian đủ lâu để quan hệ tình dục.
Hầu hết nam giới đều thi thoảng gặp phải hiện tượng này nhưng khi tình trạng tiếp diễn liên tục thì đó là rối loạn cương dương.
Rối loạn cương dương có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó có cả sức khỏe tim mạch kém mà nồng độ cholesterol cao chính là một thủ phạm làm suy giảm sức khỏe tim mạch. Cholesterol là một loại chất béo có trong máu hay còn gọi là lipid.
Vậy giảm mức cholesterol có thể điều trị rối loạn cương dương hay không? Hãy cùng tìm hiểu xem các nghiên cứu nói gì.
Kết quả nghiên cứu
Một trong những nguyên nhân về thể chất phổ biến nhất dẫn đến rối loạn cương dương là xơ vữa động mạch - tình trạng mà lòng mạch máu bị thu hẹp.
Có nhiều nguyên nhân gây xơ vữa động mạch và nồng độ cholesterol cao là một trong số đó. Nồng độ cholesterol trong máu cao sẽ gây tích tụ cholesterol bên trong động mạch và khiến cho lòng các mạch máu này bị hẹp lại.
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa rối loạn cương dương và mức cholesterol cao, hay còn được gọi là tăng cholesterol máu. Mặc dù mối liên hệ này hiện vẫn chưa được làm rõ nhưng nó đã tiếp tục mở ra hướng nghiên cứu mới về việc sử dụng thuốc giảm cholesterol để điều trị rối loạn cương dương.
Statin và rối loạn cương dương
Statin là một loại thuốc được dùng để giảm nồng độ cholesterol trong máu. Trong một nghiên cứu vào năm 2017 được tiến hành trên chuột, các nhà khoa học đã nhận thấy chức năng cương dương có sự cải thiện sau khi điều trị cholesterol cao bằng atorvastatin (Lipitor) còn nồng độ lipid máu không thay đổi.
Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng chức năng cương dương được cải thiện không phải là kết quả của việc giảm nồng độ cholesterol mà là nhờ sự thay đổi ở lớp nội mạc – lớp bề mặt bên trong của các mạch máu.
Một bản đánh giá trước đó vào năm 2014 cũng đã tìm thấy bằng chứng cho thấy rằng statin có thể cải thiện chứng rối loạn cương dương theo thời gian.
Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2009 lại chỉ ra rằng các loại thuốc hạ lipid máu có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng rối loạn cương dương. Hơn một nửa số nam giới tham gia nghiên cứu đã phục hồi chức năng cương dương bình thường sau khi ngừng dùng statin.
Một phân tích tổng hợp vào năm 2015 lại không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa statin và nguy cơ rối loạn cương dương hay rối loạn chức năng tình dục. Rối loạn cương dương cũng không hề được liệt kê trong danh sách các tác dụng phụ phổ biến của statin. Như vậy là sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa statin và rối loạn cương dương.
Chế độ ăn uống, cholesterol và rối loạn cương dương
Ăn các loại thực phẩm giàu cholesterol chưa hẳn sẽ ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol trong máu. Tuy nhiên, những gì bạn ăn hàng ngày lại có thể có ảnh hưởng đến chức năng cương dương. Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng một chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt là chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải, có thể giúp cải thiện các triệu chứng bất lực.
Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải là chế độ ăn tập trung vào các loại thực phẩm như:
- Cá và các loại hải sản khác, như tôm và sò
- Đa dạng các loại trái cây
- Nhiều loại rau củ, chẳng hạn như cà chua, bông cải xanh và hành tây
- Ngũ cốc nguyên hạt, như lúa mạch và yến mạch
- Các nguồn chất béo lành mạnh, chẳng hạn như dầu ô liu
- Các loại hạt như hạnh nhân và quả óc chó
Bên cạnh đó thì nên tránh các loại thực phẩm như:
- Thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa, chẳng hạn như bơ thực vật, pizza và đồ ăn nhanh
- Thực phẩm có chứa đường bổ sung (added sugar)
- Một số loại dầu thực vật, ví dụ như dầu hạt cải
- Các loại thịt hay thực phẩm chế biến sẵn, ví dụ như thịt xông khói
Thiếu hụt vitamin B-12 cũng có thể góp phần gây rối loạn cương dương, vì vậy nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu vitamin B-12 vào chế độ ăn uống hàng ngày hoặc có thể dùng viên uống bổ sung vitamin B-12.
Đọc thêm về chế độ ăn uống dành cho người bị rối loạn cương dương
Các yếu tố nguy cơ rối loạn cương dương
Các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ rối loạn cương dương còn có:
- Thừa cân, béo phì
- Tiểu đường tuýp 2
- Bệnh thận mãn tính
- Bệnh đa xơ cứng
- Bựa dương vật – tình trạng tích tụ mảng bám trong dương vật
- Từng phẫu thuật điều trị ung thư bàng quang
- Từng tiếp nhận các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt
- Tổn thương dương vật, tủy sống, bàng quang, vùng chậu hoặc tuyến tiền liệt
- Nghiện rượu, hút thuốc hoặc sử dụng chất kích thích
- Căng thẳng, lo âu
- Trầm cảm
Suy giảm chức năng cương dương cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc như:
- Thuốc điều trị cao huyết áp
- Thuốc điều trị ung thư tuyến tiền liệt
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc an thần kê đơn
- Thuốc ức chế cảm giác thèm ăn để giảm cân
- Thuốc trị viêm loét
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Bạn cần đến bác sĩ ngay khi nhận thấy bất kỳ vấn đề nào về chức năng cương dương. Rối loạn cương dương thường là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, vì vậy nên cần xác định nguyên nhân và điều trị trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Cần theo dõi các triệu chứng rối loạn cương dương như:
- Không thể cương cứng khi quan hệ tình dục, dù vẫn có thể cương cứng vào những lúc khác
- Có thể cương cứng nhưng không duy trì được đủ lâu để quan hệ tình dục
- Hoàn toàn không thể cương cứng
Cholesterol cao thường không biểu hiện các triệu chứng rõ rệt, vì vậy cách duy nhất để phát hiện vấn đề này là làm xét nghiệm máu. Bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ chẩn đoán và điều trị các vấn đề bất ổn ngay từ sớm.
Ngoài xét nghiệm máu thông thường thì có thể sẽ còn cần làm một số xét nghiệm khác như kiểm tra nồng độ testosterone và đánh giá trạng thái tâm lý để chẩn đoán rối loạn cương dương.
Phương pháp điều trị rối loạn cương dương
Có nhiều phương pháp khác nhau để cải thiện chứng rối loạn cương dương, từ thay đổi lối sống hàng ngày cho đến dùng thuốc. Các phương pháp điều trị rối loạn cương dương phổ biến gồm có:
- Trị liệu tâm lý
- Đổi thuốc nếu rối loạn cương dương là tác dụng phụ của các loại thuốc đang dùng
- Liệu pháp thay thế testosterone
- Sử dụng máy hút chân không dương vật
- Dùng thuốc uống, thuốc đặt hoặc thuốc tiêm
- Phẫu thuật
Các loại thuốc thường được dùng để kiểm soát triệu chứng rối loạn cương dương gồm có:
- Thuốc uống: avanafil (Stendra), sildenafil (Viagra), tadalafil (Cialis), và vardenafil (Levitra, Staxyn)
- Thuốc tiêm: alprostadil (Caverject, edex)
- Thuốc đặt alprostadil (MUSE)
Ngoài chế độ ăn uống ra thì còn có những thay đổi về lối sống khác cũng giúp giảm nồng độ cholesterol và cải thiện rối loạn cương dương.
Vận động nhiều hơn
Theo tạp chí Harvard Health Publishing, đi bộ 30 phút mỗi ngày sẽ giúp giảm 41% nguy cơ mắc rối loạn cương dương.
Giữ cân nặng khỏe mạnh
Béo phì là một yếu tố làm tăng đáng kể nguy cơ rối loạn cương dương. Một nghiên cứu vào năm 2014 đã chỉ ra rằng 79% nam giới thừa cân hoặc béo phì đều gặp vấn đề về chức năng cương dương.
Tăng cường hoạt động thể chất và duy trì cân nặng khỏe mạnh sẽ giúp ngăn ngừa hoặc cải thiện tình trạng bất lực.
Bỏ hút thuốc và hạn chế uống rượu
Hút thuốc lá và uống nhiều rượu đều là những thói quen có hại cho sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tình dục.
Luyện tập cơ sàn chậu
Các bài tập Kegel để tăng cường cơ sàn chậu sẽ giúp duy trì trạng thái cương cứng trong thời gian lâu hơn.
Tóm tắt bài viết
Hiện các nghiên cứu vẫn chưa xác nhận rằng cholesterol cao là nguyên nhân trực tiếp gây chứng bất lực, nhưng tình trạng này có thể góp phần gây ra các vấn đề về chức năng cương dương. Duy trì lối sống lành mạnh là cách hữu hiệu để làm giảm nồng độ cholesterol và từ đó làm giảm nguy cơ xảy ra các vấn đề này.
Nếu bạn nghi ngờ mình có nồng độ cholesterol cao hoặc gặp các triệu chứng rối loạn cương dương thì nên đi khám bác sĩ để xác định đúng vấn đề và có kế hoạch điều trị phù hợp.