Polyp đại trực tràng là những khối u lành tính, còn ung thư đại trực tràng là những khối u ác tính phát triển ở đại trực tràng. Mối liên quan giữa Polyp và ung thư đại trực tràng thực sự là gì?
1. Polyp và ung thư đại trực tràng là gì?
Polyp đại trực tràng là sự tăng trưởng trên niêm mạc đại trực tràng. Đa phần polyp không gây hại. Tuy nhiên một số polyp đại trực tràng có thể chuyển thành ung thư đại trực tràng. Chính vì lý do này mà khi phát hiện polyp đại trực tràng bác sĩ sẽ yêu cầu loại bỏ chúng ngay.
Ung thư đại trực tràng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cả cả nam và nữ. Ung thư có thể bắt đầu trong niêm mạc ruột già, các khối u cũng có thể bắt đầu trong lớp lót của trực tràng - phần cuối của đường tiêu hóa.
Ung thư đại trực tràng hầu hết là những khối u “thầm lặng”, chúng phát triển chậm và bạn không thể nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi các khối u đã to.
Song bạn có thể thực hiện một số biện pháp để ngăn ngừa ung thư đại trực tràng, và nếu phát hiện sớm bạn có thể được chữa khỏi. Điều quan trọng đó là bạn phải thường xuyên kiểm tra để có thể phát hiện ung thư hoặc các yếu tố tiền ung thư, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
2. Các loại ung thư đại trực tràng
Có nhiều cách phân loại ung thư đại trực tràng khác nhau, cách phân loại dựa trên vị trí khởi phát chia ung thư đại trực tràng thành các loại sau:
- Ung thư biểu mô tuyến: đây là loại ung thư đại trực tràng phổ biến nhất, chiếm đến 96% các trường hợp. Các tế bào ung thư phát triển từ các tế bào tạo chất nhầy cho đại tràng và trực tràng.
- Khối u carcinoid: các tế bào ung thư bắt nguồn từ các tế bào tạo ra hormone, đây là một loại dạng ung thư đặc biệt.
- Khối u mô đệm đường tiêu hóa: khôi u hình thành trong các tế bào của thành đại tràng.
- Ung thư hạch: các tế bào ung thư phát triển từ các tế bào của hệ thống miễn dịch.
- Sarcoma: các tế bào ung thư phát triển từ các mô liên kết như mạch máu hoặc các lớp cơ của đại trực tràng.
3. Nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng
Gần như tất cả các bệnh ung thư đại trực tràng đều bắt đầu như một polyp - các khối u phát triển trên bề mặt bên trong của đại tràng. Mặc dù về bản chất polyp thường không gây ung thư.
Các loại polyp đại trực tràng phổ biến nhất bao gồm:
- Polyp tăng sản và viêm: loại polyp này thường không có khả năng gây ung thư. Nhưng các khối polyp tăng sản lớn, đặc biệt là ở phía bên phải của đại tràng có thể gây ra một vấn đề nguy hiểm hơn và bác sĩ cần loại bỏ chúng.
- Adenomas hoặc polyp adenomatous: là những khối polyp tiền ung thư. hầu hết ung thư đại trực tràng bắt nguồn từ loại này. Tuy nhiên không phải tất cả các khối polyp adenoma đều sẽ trở nên có hại. Các khối polyp adenoma càng lớn thì càng có nguy cơ chuyển thành ung thư.
4. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng
Bất kỳ ai cũng có thể bị ung thư đại trực tràng. Nhưng bệnh trở nên phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi. Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng bao gồm:
- Tiền sử bản thân hoặc gia đình tường bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại trực tràng;
- Ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn;
- Bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng;
- Các bệnh lý di truyền như polyp tuyến thượng thận và ung thư đại trực tràng;
- Béo phì;
- Hút thuốc;
- Lười vận động;
- Sử dụng rượu nặng;
- Bệnh tiểu đường type 2;
- Ung thư vú;
- Ung thư buồng trứng hoặc ung thư tử cung được chẩn đoán trước 50 tuổi.
Polyp đại trực tràng có khả năng chứa tế bào ung thư hoặc có nguy cơ mắc ung thư cao hơn nếu như có các đặc điểm sau đây:
- Polyp lớn hơn 1cm;
- Có nhiều hơn hai khối polyp;
- Khối polyp có dấu hiệu loạn sản.
5. Triệu chứng ung thư đại trực tràng
Bạn có thể không nhận thấy bất kỳ một dấu hiệu nào của ung thư đại trực tràng cho đến khi chúng phát triển đủ lớn. Khi đó bạn có thể có các triệu chứng sau đây:
- Đại tiện bị táo bón hoặc tiêu chảy;
- Sau khi đại tiện có cảm giác trong đại trực tràng vẫn còn gì đó, không thực sự trống rỗng;
- Chảy máu từ trực tràng;
- Máu ở trên hoặc trong phân;
- Hình dáng phân bé hơn hoặc mỏng hơn bình thường;
- Cảm giác khó chịu ở bụng;
- Co thắt dạ dày;
- Giảm cân không có nguyên nhân rõ ràng;
- Số lượng tế bào hồng cầu thấp bất thường (thiếu máu);
- Yếu hoặc mệt mỏi;
- Một khối u trong bụng hoặc trực tràng.
6. Chẩn đoán polyp hoặc ung thư đại trực tràng
Để chẩn đoán polyp hoặc ung thư đại trực tràng, bác sĩ cần phải tiến hành một hoặc nhiều công việc sau đây:
- Khám trực tràng: khi nghi ngờ bạn bị polyp hoặc ung thư đại trực tràng thì việc trước tiên là bác sĩ cần phải tiến hành thăm khám trực tràng, tìm kiếm các khối u bất thường nếu có;
- Nội soi đại tràng: đây là xét nghiệm sàng lọc cơ bản mà hầu hết các bác sĩ đều sử dụng. Phương pháp này cho phép bác sĩ quan sát toàn bộ trực tràng và đại tràng của bạn. Nếu phát hiện có polyp, các bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ luôn và gửi đi xét nghiệm;
- Soi đại tràng sigma: đây là phương pháp cho phép bác sĩ quan sát trực tràng và phần cuối của đại tràng. Phương pháp này cũng cho phép bác sĩ lấy mẫu sinh thiết nếu cần.
- DNA phân: xét nghiệm này nhằm tìm kiếm những thay đổi gen nhất định có thể là dấu hiệu của ung thư đại tràng.
- Chụp cắt lớp CT: phương pháp này cho phép quan sát đại tràng nhưng ít xâm lấn hơn các xét nghiệm khác. Tuy nhiên nếu phát hiện một polyp trên phim chụp, bạn vẫn cần phải tiến hành nội soi.
- Chụp X-quang có thuốc cản quang: phương pháp này cho phép phát hiện những bất thường trong đại trực tràng. Nếu có bất thường, bạn cũng cần phải tiến hành nội soi.
- Các xét nghiệm hình ảnh khác: MRI hoặc siêu âm có thể giúp bác sĩ nhìn rõ hơn về các cơ quan của bạn.
Các khối u có thể gây chảy máu với số lượng nhỏ đến mức chỉ có các xét nghiệm đặc biệt mới có thể tìm thấy chúng. Tình trạng này được gọi là chảy máu âm thầm, có nghĩa là bạn có thể không nhìn thấy máu bằng mắt thường. Những xét nghiệm có thể tìm kiếm máu trong phân gồm có:
- Xét nghiệm miễn dịch phân (FIT): xét nghiệm dựa trên phản ứng với một phần của huyết sắc tố - một loại protein trong các tế bào hồng cầu.
- Xét nghiệm máu phân (FOBT): xét nghiệm này sử dụng một hóa chất để tìm kiếm sự có mặt của máu trong phân.
7. Các giai đoạn ung thư đại trực tràng
- Giai đoạn 0: ung thư chưa đi qua lớp bên trong của đại tràng hoặc trực tràng;
- Giai đoạn I: ung thư đã phát triển đến các cơ của đại tràng hoặc trực tràng;
- Giai đoạn IIA: Ung thư lay lan qua đại trạng hoặc thành trực tràng;
- Giai đoạn IIB: Ung thư phát triển đến thành niêm mạc bụng (phúc mạc);
- Giai đoạn IIC: ung thư đã lan qua đại tràng hoặc thành trực tràng và vào các mô gần đó;
- Giai đoạn IIIA: tế bào ung thư lan đến ≤ 3 hạch bạch huyết hoặc đến các mô xung quanh đại tràng hoặc trực tràng;
- Giai đoạn IIIB: tế bào ung thư phát triển qua thành ruột của bạn hoặc vào các cơ quan lân cận. Các tế bào ung thư cũng lan đến ≤ 3 hạch bạch huyết hoặc đến các mô xung quanh;
- Giai đoạn IIIC: Ung thư đã lan đến ≥ 4 hạch bạch huyết;
- Giai đoạn IVA: ung thư đã lan đến một phần cơ thể xa hơn như gan hoặc phổi của bạn;
- Giai đoạn IVB: các tế bào ung thư đã lan đến nhiều phần trên cơ thể bạn;
- Giai đoạn IVC: các tế bào ung thư đã phát triển trong niêm mạc bụng của bạn và có thể đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan ở xa hơn.
8. Điều trị ung thư đại trực tràng
Điều trị ung thư đại trực tràng sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư và những phần bộ phận có liên quan. Bệnh nhân có thể được điều trị bằng một hoặc nhiều phương pháp sau đây:
- Phẫu thuật: nếu các khối u nhỏ không lan rộng, bác sĩ có thể cắt bỏ trong khi nội soi. Nếu ung thư đã lan rộng, bạn có thể cần phải phẫu thuật để cắt bỏ một phần ruột già;
- Xạ trị: sử dụng tia X hoặc hạt phóng xạ mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư;
- Hóa trị: sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển;
- Trị liệu nhắm mục tiêu: sử dụng các loại thuốc tập trung vào những yếu tố cụ thể trong các tế bào ung thư như gen hoặc protein để tiêu diệt hoặc giữ cho chúng không phát triển;
- Liệu pháp miễn dịch: đây là liệu pháp sinh học, một loại thuốc có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn để giúp cơ thể tụ chống lại ung thư.
9. Phòng chống ung thư đại trực tràng
Một lối sống lành mạnh là điều quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư dưới bất kỳ hình thức nào.
- Luyện tập thể dục thường xuyên và giữ cân nặng khỏe mạch;
- Ăn chế độ ăn ít thịt đỏ và nhiều trái cây, rau quả;
- Không hút thuốc lá;
Đây là những việc làm đơn giản giúp phòng chống ung thư đại trực tràng.
Cùng với đó việc khám sàng lọc là rất quan trọng. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo mọi người nên đi khám sàng lọc thường xuyên từ 45 - 75 tuổi nếu có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng ở mức trung bình. Có nghĩa là bạn không có triệu chứng và cả người thân trong gia đình đều không bị polyp đại trực tràng hoặc ung thư hay bệnh viêm ruột.
Việc khám sàng lọc ung thư đại trực tràng gồm có:
- Xét nghiệm máu trong phân mỗi năm một lần;
- Xét nghiệm DNA phân 3 năm một lần;
- Soi đại tràng sigma 5 năm 1 lần;
- Chụp cắt lớp CT 5 năm 1 lần;
- Nội soi đại tràng 10 năm 1 lần;