Mỗi năm Việt Nam có khoảng 14000 ca bệnh ung thư đại trực tràng- Bệnh viện K

3 năm trước 26

Ngày 7/12, bệnh viện K đã tổ chức Hội thảo“Ứng dụng phương pháp ICG trong phẫu thuật nội soi đại trực tràng”. Tham dự hội nghị có chuyên gia GS.Luigi Boni, Khoa Phẫu thuật tổng quát, Bệnh viện The Circolo Hospital and Macchi Foundation (Italia) và hơn 100 đại biểu là các bác sĩ ngoại khoa, tiêu hóa, dạ dày đến từ các bệnh viện tại Hà Nội, các tỉnh thuộc miền Bắc và miền Trung.

Ca  bệnh phẫu thuật ung thư đại tràng 

Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã tổ chức mổ trình diễn phẫu thuật nội soi đại trực tràng – cho người bệnh đang điều trị tại bệnh viện K, ca mổ được truyền hình trực tiếp từ phòng mổ đến hội trường. Bệnh nhân Phạm Văn T. 65 tuổi là nông dán ở Thường Tín Hà Nội, vào Bệnh viện K ngày 22/11 trong tình trạng đi ngoài ra máu, tiền sử sức khoẻ trước đó bình thường, tiền sử gia đình không có ai bị ung thư, trong một tháng bị sụt 2 kg, không có cảm giác buồn nôn, nôn, mất cảm giác thèm ăn hay sốt. Bệnh nhân được sinh thiết nhiều lần để chẩn đoán bệnh. Hình ảnh chụp CT phát hiện khối u kích thước 32x33 mm ở đại tràng.

Theo TTUT.PGS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K, ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư thường gặp. Theo GLOBOCAN 2012 (ghi nhận ung thư thế giới), ung thư đại trực tràng là loại ung thư thường mắc thứ 3 ở nam giới (chiếm 10% các loại bệnh ung thư ở nam)  và thứ 2 ở nữ giới ( chiếm 9,2% các loại bệnh ung thư ở nữ).

Theo ước tính của WHO, trên toàn thế giới mỗi năm có khoảng 14,1 triệu ca  ung thư mắc mới trong đó là 1,36 triệu ca ung thư đại trực tràng và 8,2 triệu ca triệu ca tử vong do ung thư trong đó gần 700.000 ca ung thư đại trực tràng. Số liệu tại Mỹ ước tính năm 2016 nước Mỹ có trên 134.000 ca ung thư đại trực tràng mới mắc và khoảng 49.000 ca tử vong do bệnh này.

“Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ 4 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới với số mắc mỗi năm khoảng 8.000 ca, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn 13.000. Ung thư đại trực tràng cũng đứng thứ 2 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới, với khoảng hơn 6.000 ca mắc mỗi năm, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn 11.000”- PGS.TS Trần Văn Thuấn nói.

Điều trị ung thư đại trực tràng là điều trị đa mô thức: Phẫu thuật, hoá chất, tia xạ, trong đó Phẫu thuật đã và đang đóng vai trò quan trọng nhất trong điều trị ung thư đại trực tràng. Phẫu thuật ung thư đại trực tràng cũng có 2 phương pháp chính: mổ mở truyền thống và phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật nội soi ung thư đại trực tràng với các ưu điểm là mổ sang chấn tối thiểu, phẫu tích tỉ mỉ, giảm đau sau mổ tốt và bệnh nhân hồi phục nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo kết quả về mặt ung thư học.

Giám đốc Bệnh viện K cũng cho hay, tại Việt Nam những năm gần đây phẫu thuật nội soi ung thư đại trực tràng cũng được phát triển tại các bệnh viện lớn. Bệnh viện K đã triển khai một cách thường quy mổ nội soi ung thư đại trực tràng kết hợp với các phương pháp điều trị đa mô thức hoàn chỉnh, đây chính là thế mạnh của Bệnh viện K, bệnh viện ung thư đầu ngành của Việt Nam.

Bệnh viện K đã đẩy mạnh hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Italia, Hoa Kỳ….. về việc hỗ trợ, nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ điều trị ung thư nói chung, ung thư đại trực tràng nói riêng góp phần phát triển y tế Việt Nam trong tương lai.

Vào năm 1959, cơ quan Quản lí an toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép lưu hành và sử dụng chất Indocyanine Green (ICG) trên cơ thể người. Sau nhiều năm, việc ứng dụng ICG gần như dậm chân tại chỗ. Chỉ đến khi thế hệ camera và nguồn sáng nội soi thế hệ mới ra đời mà điển hình là loại Image1S full HD kết hợp nguồn sáng D-Light P của Karl Storz với khả năng bắt màu xanh tím của ICG dưới ánh sáng huỳnh quang, việc ứng dụng ICG trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân mới có những bước tiến dài.

Theo đó, những chuyên khoa có thể ứng dụng công nghệ ICG gồm có: tiêu hóa, gan mật, hô hấp, tim mạch, phụ khoa,.. và đặc biệt ngành ung thư học. Nhờ khả năng khuếch tán theo đường máu và bạch mạch, không hấp thu mà thải trừ nhanh không gây độc cho cơ thể, ICG có tác dụng như một chất đánh dấu lí tưởng dùng trong y khoa.

Nhờ khả năng phát sáng dưới ánh sáng huỳnh quang (cận hồng ngoại), các tổ chức có tưới máu trong cơ thể đều được hiện rõ khi quan sát bằng camera ICG.

Bằng một công tắc điều khiển chân (pedal) phẫu thuật viên sẽ chỉ mất 1/10 giây để chuyển đổi giữa hai chế độ: ánh sáng thông thường và ánh sáng huỳnh quang, do vậy khi tiến hành phẫu thuật, các tổ chức ung thư di căn như hạch bạch huyết có thể được cắt bỏ triệt để mà vẫn bảo tồn những vùng chưa bị xâm nhiễm. Có thể nói, ICG mở ra một thời kì mới trong phẫu thuật nội soi điều trị ung thư tiêu hóa nói riêng và ngoại khoa nói chung.

Nguồn tham khảo: Bệnh viện K

Đọc toàn bộ bài viết