Một số nét cơ bản về ung thư dạ dày giai đoạn sớm - bệnh viện 103

3 năm trước 26

Thế nào là ung thư dạ dày giai đoạn sớm?

Ung thư dạ dày sớm được định nghĩa là mức độ xâm lấn ung thư dạ dày chưa vượt qua lớp hạ niêm mạc, không kể đến tình trạng di căn hạch hay không .

Cụm từ ung thư dạ dày sớm có nguồn gốc từ Nhật bản vào năm 1962, tại thời điểm đó, ung thư dạ dày sớm được cho là một tổn thương có tính chất ác tính có thể được điều trị thành công bởi phẫu thuật.

Ung thư dạ dày sớm hiện nay được định nghĩa rõ ràng hơn, là ung thư biểu mô tuyến giới hạn ở lớp niêm mạc và hạ niêm mạc, không kể đến tình trạng di căn hạch hay không (T1, N bất kỳ). Loại ung thư này có tiên lượng tốt hơn nhiều so với ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển (90% sống sót sau 5 năm).

Dịch tễ ung thư dạ dày giai đoạn sớm

  • Ung thư dạ dày (UTDD) sớm có tỷ lệ khác nhau theo từng vùng địa lý, những vùng có tỷ lệ cao bao gồm: Mỹ latinh, Đông Nam Á, một phần châu Âu và Trung Đông.
  • Theo hội nghiên cứu Ung thư trên thế giới, có 56% bệnh nhân mới mắc ung thư dạ dày trên thế giới ở các nước Đông Á năm 2002, số bệnh nhân ung thư dạ dày ở Nhật bản cao hơn tổng số các ca ở phía bắc, miền trung và miền nam của nước Mỹ.
  • Tỷ lệ của UTDD sớm cũng thay đổi theo từng vùng, với 50% bệnh nhân UTDD sớm được điều trị ở Nhật bản, trong khi đó ở các nước phương Tây, tỷ lệ này là 5-10%.
  • Tại Hàn quốc, khi tỷ lệ phát hiện UTDD sớm cũng như ở Nhật bản, thì sự phát triển của kỹ thuật đã giúp tỷ lệ bệnh nhân UTDD được điều trị lên tới 40% ở giai đoạn sớm [1].
  • Có một vài chương trình tầm soát ung thư sớm ở những vùng có tỷ lệ cao như châu Á so với phương Tây, đặc biệt là ở Nhật bản thì chương trình này đã được triển khai rộng rãi trong vài thập kỷ gần đây. Tuổi đời trung bình tại thời điểm được chẩn đoán là 60, tỷ lệ nam giới cao hơn nữ giới [2].
  • Bệnh nhân UTDD sớm thường có tuổi đời trẻ hơn so với bệnh nhân UTDD giai đoạn tiến triển, thường ở độ tuổi 60 ở Nhật bản và các nước phương Tây.

Phân loại ung thư dạ dày

Theo Laurence (1965)

Năm 1965, sau khi nghiên cứu 1344 trường hợp ung thư dạ dày, Laurencerence đã phân loại thành 2 loại cơ bản:

  • Loại ruột (IT- intestinal type): nhóm các tế bào ung thư, có cấu trúc ống tuyến rõ rệt, biệt hóa cao, còn liên kết với nhau. Giống với bản chất của tế bào ung thư đại tràng.
  • Loại lan tỏa (DT- diffuse type): mô liên kết giữa các tế bào bị mất, các tế bào ung thư đơn độc xâm lấn thành dạ dày, không có cấu trúc tuyến, mất liên kết giữa các tế bào với nhau. Chủ yếu gặp ở nữ giới.

Loại lan tỏa có mức độ ác tính cao hơn loại ruột. Mặc dù được điều trị hóa chất nhưng tỷ lệ sống sau 5 năm điều trị của loại lan tỏa thấp hơn so với loại ruột. Do đó, việc chẩn đoán trước phẫu thuật về mặt mô bệnh học là vô cùng quan trọng để xác định chiến lược điều trị thích hợp.

Ung thư biểu mô tuyến dạ dày týp ruột, là một loại phổ biến, có quá trình tiến triển qua một loạt các biến đổi các giai đoạn về mô bệnh, từ niêm mạc bình thường, tới viêm dạ dày mạn tính, tới viêm teo dạ dày lan toả, dị sản ruột, và cuối cùng là loạn sản và ung thư biểu mô tuyến.

Nguyên nhân tiềm ẩn của viêm dạ dày mạn là nhiễm H.pylori, với sự tham gia của yếu tố vật chủ, ăn uống và yếu tố môi trường [3]. Loại ruột thường phổ biến ở vùng có tỷ lệ ung thư dạ dày cao, thường phát triển từ phần cuối dạ dày (vùng hang vị), xảy ra chủ yếu ở người cao tuổi.

Biểu hiện lâm sàng

  • Thường thì một tổn thương ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm có kích thước rất nhỏ, cỡ vài mm đến không quá 5-7cm, nên tổn thương đó không ảnh hưởng đến chức năng tiêu hoá thức ăn của dạ dày, và hoàn toàn không gây triệu chứng khó chịu hay đau bụng cho người bệnh.
  • Muốn phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm phải dựa vào các chương trình tầm soát ung thư.
  • Một triệu chứng không rõ ràng của đường tiêu hoá trên có thể xuất hiện 6-12 tháng trước khi được chẩn đoán UTDD sớm và có thể có ở 90-95% bệnh nhân không xác định được qua sàng lọc.
  • Tổn thương loét có thể là dấu hiệu báo trước có giá trị hơn là tổn thương nhô cao.Với chương trình tầm soát ung thư dạ dày tích cực tại các nước Đông Á, rất nhiều bệnh nhân được phát hiện UTDD sớm khi không có triệu chứng.
  • Với bệnh nhân giai đoạn muộn có thể có dấu hiệu cảnh báo hoặc triệu chứng gợi ý là thiếu máu hay sụt cân, với tỷ lệ tương ứng từ 5-15% và 4-40%. Với ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển thì sụt cân có tỷ lệ hơn 60%. Lúc này thì ung thư không còn ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt để hoàn toàn nữa.
  • Triệu chứng khó tiêu có thể xảy ra ở bất cứ trường hợp nào, đặc biệt tỷ lệ bệnh nhân ung thư dạ dày trong các bệnh nhân mắc chứng khó tiêu rất thấp ở Mỹ cũng như phương Tây, do đó không có triệu chứng lâm sàng hay xét nghiệm nào cho phép phân biệt khó tiêu lành tính với khó tiêu ác tính.

Vậy tầm soát ung thư dạ dày như thế nào?

Ở các nước với tỷ lệ ung thư dạ dày cao như Nhật bản và Hàn Quốc, rất nhiều phương pháp điều trị từ cơ bản đến nâng cao nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân UTDD sớm, đã có rất nhiều bệnh nhân EGC ngày nay được điều trị mà không cần phẫu thuật.

Chẩn đoán

  • Để chẩn đoán EGC thì nội soi dạ dày là phương pháp duy nhất và đồng thời cũng có giá trị nhất cùng với việc sinh thiết những tổn thương nghi ngờ hoặc sinh thiết theo hệ thống.
  • Với nội soi ánh sáng thường (các phương tiện máy nội soi phổ biến ở nước ta hiện nay) thì độ chính xác có thể đạt tới 90-96%. Các tổn thương trên nội soi có thể là: dạng polyp lồi lên, hay là 1 bản phẳng bề mặt, thay đổi màu sắc niêm mạc, có lõm ở trung tâm, hoặc là tổn thương loét [4].
  • Việc phát hiện những tổn thương nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí với những bác sỹ nội soi có kinh nghiệm. Do đó cần khảo sát toàn bộ dạ dày một cách cẩn thận, tỷ mỷ, và sinh thiết những vị trí nghi ngờ.

Phương pháp

  • Đây là phương pháp được đánh giá cao nhất trong nội soi dạ dày. Với mỗi vùng của dạ dày đòi hỏi các bác sỹ nội soi quan sát và chụp ảnh theo phương pháp ¼: chia vi trường nội soi làm 4 và mỗi lần chụp ảnh thì chỉ tập trung vào chụp và quan sát ¼ vi trường mà thôi.
  • Nếu có dấu hiệu của loét dạ dày, vị trí và số lượng mảnh sinh thiết vô cùng quan trọng, càng sinh thiết nhiều mảnh thì khả năng bắt được tổn thương ung thư càng cao, nhưng thực sự thì vẫn không có sự đồng thuận về số lượng mảnh sinh thiết.
  • Với tổn thương loét dạ dày đã sinh thiết không bắt được tế bào ung thư thì vai trò hàng đầu là theo dõi qua nội soi, số lượng mảnh sinh thiết và thời gian phụ thuộc vào đặc điểm của tổn thương loét đó, đặc điểm bệnh nhân.

Các phương pháp nội soi khác:

Nội soi có dải ánh sáng hẹp có hoặc không có phóng đại, nội soi nhuộm màu, nội soi huỳnh quang [6]. Các phương pháp này bổ sung cho phương pháp nội soi thông thường, làm tăng mức độ chính xác của chẩn đoán, nhưng kết quả cuối cùng của chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn sớm vẫn phải dựa vào sinh thiết làm mô bệnh học.

Nguồn: Bệnh viện 103

Đọc toàn bộ bài viết