Nếu bị rụng tóc nhiều bất thường dù đã điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt thì có thể nguyên nhân là do một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Một trong những nguyên nhân đó là mức ferritin thấp.
Mối liên hệ giữa ferritin và rụng tóc
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua về chất sắt nhưng không nhiều người biết về “ferritin”. Sắt là một khoáng chất thiết yếu có vai trò quan trọng và một phần sắt trong cơ thể được dự trữ ở dạng ferritin.
Ferritin là một loại protein trong máu, có chức năng dự trữ sắt để cơ thể sử dụng khi cần. Nếu có mức ferritin thấp thì có nghĩa là cơ thể cũng đang bị thiếu sắt.
Mức ferritin thấp còn có thể đi kèm với tình trạng rụng tóc. Bài viết dưới đây sẽ lý giải nguyên nhân và các biện pháp điều trị.
Tại sao ferritin thấp gây rụng tóc?
Một phần ferritin được tích trữ trong các nang tóc. Có ý kiến cho rằng lượng ferritin trong cơ thể giảm khi bị rụng tóc. Tuy nhiên, trên thực tế, sự sụt giảm ferritin có thể xảy ra từ trước khi một người bị rụng tóc.
Bất cứ khi nào bị thiếu sắt, cơ thể sẽ lấy ferritin từ các nang tóc và các nguồn khác ít quan trọng hơn.
Do đó, cần phải cung cấp đủ sắt cho cơ thể từ thực phẩm hoặc chế phẩm bổ sung để duy trì đủ lượng ferritin. Ngoài thiếu sắt, mức ferritin thấp còn có thể là do:
- Bị mất nhiều máu
- Bệnh celiac
- Không dung nạp gluten hay bệnh celiac
- Theo chế độ ăn chay
- Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)
- Kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài
- Mang thai
Các dấu hiệu của mức ferritin thấp
Khi lượng ferritin ở mức thấp, quá trình sản xuất hồng cầu sẽ không thể diễn ra bình thường. Hồng cầu là các tế bào màu có chức năng rất quan trọng, đó là vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Nếu không có đủ hồng cầu, các cơ quan và hệ thống chính sẽ không thể hoạt động hiệu quả.
Các dấu hiệu của mức ferritin thấp cũng tương tự như triệu chứng thiếu sắt và rụng tóc chỉ là một trong số đó. Ngoài ra còn có các dấu hiệu, triệu chứng khác như:
- Chóng mặt
- Mệt mỏi rã rời
- Ù tai
- Móng tay dễ gãy
- Khó thở
- Đau đầu
- Khó tập trung
- Chân không yên
Ferritin và bệnh suy giáp
Rụng tóc thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh suy giáp – một bệnh lý khiến cơ thể sản xuất lượng hormone tuyến giáp thấp hơn bình thường. Ngoài ra, thiếu hormone tuyến giáp có thể gây ra tình trạng lờ đờ, uể oải, khô da, không chịu được lạnh và dễ tăng cân.
Trong một số trường hợp suy giáp, nguyên nhân trực tiếp gây rụng tóc không phải do thiếu hụt hormone tuyến giáp mà là do thiếu sắt. Điều này khiến cho suy giáp và mức ferritin thấp xảy ra cùng một lúc.
Khi không có đủ lượng ferritin dự trữ trong cơ thể, tuyến giáp không thể sản xuất đủ hormone tuyến giáp.
Trong một số trường hợp, mặc dù có các triệu chứng điển hình của bệnh suy giáp nhưng xét nghiệm lại cho thấy lượng hormone tuyến giáp ở mức bình thường. Những trường hợp này có thể cần làm xét nghiệm kiểm tra nồng độ ferritin.
Điều trị rụng tóc do ferritin thấp
Cách tốt nhất để điều trị rụng tóc trong những trường hợp có mức ferritin thấp là tăng lượng sắt. Nếu không thể ăn nhiều thực phẩm giàu sắt thì sẽ cần dùng các chế phẩm bổ sung sắt.
Mặc dù các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt và nội tạng chứa hàm lượng sắt cao hơn so với thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật nhưng các loại thực phẩm từ thực vật như ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và các loại đậu cũng là nguồn cung cấp chất sắt dồi dào. Nên kết hợp các loại thực phẩm giàu sắt với thực phẩm giàu vitamin C để giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn.
Nếu nghi ngờ nguyên nhân gây thiếu sắt là do nhạy cảm với thực phẩm thì bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra.
Không dung nạp gluten là một trong những nguyên nhân có thể gây hấp thụ sắt kém, điều này sẽ dẫn đến lượng ferritin thấp và rụng tóc.
Thiếu vitamin D cũng là một nguyên nhân có thể gây rụng tóc. Cơ thể tổng hợp vitamin D khi tiếp xúc với tia cực tím trong ánh nắng mặt trời và ngoài ra nên kết hợp thêm với các loại thực phẩm giàu vitamin D như trứng, phô mai và các loại cá béo như cá hồi.
Rụng tóc còn có thể là do thiếu hụt kẽm. Khoáng chất này có trong nhiều loại thực phẩm như thịt đỏ, thịt gà, các loại đậu, hạt, một số loại hải sản, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa.
Tóc có mọc trở lại sau khi điều trị không?
Nếu rụng tóc có liên quan đến mức ferritin thấp thì tóc sẽ mọc trở lại sau khi tình trạng thiếu sắt được điều trị. Tuy nhiên, có thể phải mất vài tháng để tóc mọc lại nên cần phải kiên nhẫn.
Những trường hợp rụng tóc nhiều có thể cần kết hợp thêm minoxidil (Rogaine) nhưng không nên sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị rụng tóc nào trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ.
Một nghiên cứu được thực hiện ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cho thấy gần 60% những người bị rụng tóc nhiều cũng bị thiếu sắt. (1) Trong những trường hợp như vậy, có thể kích thích tóc mọc lại bằng cách khắc phục tình trạng thiếu sắt để thúc đẩy dự trữ nhiều ferritin hơn trong cơ thể.
Lưu ý khi bổ sung sắt
Mặc dù bổ sung đủ sắt là điều rất cần thiết đối với sức khỏe nhưng quá nhiều sắt lại có thể gây hại.
Theo khuyến nghị, nồng độ ferritin bình thường ở phụ nữ là 20 - 200 ng/mL, còn đối với nam giới là 20 đến 500 ng/mL. (2)
Ngay cả khi có lượng ferritin thấp, việc bổ sung quá nhiều sắt cũng có thể gây ra vấn đề. Và cũng có những người dù chỉ số ferritin thấp nhưng nồng độ sắt lại ở mức bình thường.
Các triệu chứng thường gặp khi bổ sung sắt quá liều (ngộ độc sắt) gồm có:
- Đau bụng
- Phân đen hoặc có lẫn máu
- Nôn mửa
- Cáu gắt
- Tim đập nhanh
- Tụt huyết áp
Ngộ độc sắt có thể dẫn đến suy gan và thậm chí còn có thể gây tử vong. Vì vậy, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống bổ sung sắt để điều trị mức ferritin thấp.
Xét nghiệm máu là cách duy nhất để chẩn đoán mức ferritin thấp. (Mức ferritin cao hơn bình thường không gây rụng tóc).
Một số bệnh lý có thể khiến cơ thể tích trữ nhiều sắt hơn bình thường, ví dụ như bệnh gan, cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) và các bệnh lý do viêm.
Tóm tắt bài viết
Nếu bị rụng tóc nhiều bất thường dù đã điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt thì có thể nguyên nhân là do một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và cần đi khám để được chẩn đoán.
Một trong những nguyên nhân đó là mức ferritin thấp. Trong những trường hợp này, bổ sung đủ lượng sắt sẽ giúp khắc phục vấn đề. Có thể tăng lượng sắt bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu sắt hoặc dùng các chế phẩm bổ sung sắt. Ngoài ra nên kết hợp với các thay đổi về lối sống như hạn chế căng thẳng, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc. Những điều này đều có tác động tích cực đến mái tóc.