Mụn cóc lây lan như thế nào và cần làm gì để ngăn ngừa?

3 năm trước 26

VIrus gây mụn cóc có thể lây qua nhiều con đường khác nhau, từ người sang người, từ đồ vật sang người và lây từ bộ này sang bộ phận khác của cơ thể.

Mụn cóc là gì?

Mụn cóc là những khối mô lành tính, không phải ung thư, hình thành trên da. Nguyên nhân gây mụn cóc là do một số chủng HPV (virus u nhú ở người) xâm nhập vào lớp trên cùng của da và khiến cho các tế bào nhân lên một cách mất kiểm soát.

Các chủng virus gây mụn cóc có thể lây truyền từ người này sang người khác hoặc từ bề mặt của các đồ vật vào cơ thể người. Mụn cóc cũng có thể lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể.

Có một số loại mụn cóc khác nhau như:

  • Mụn cóc thông thường
  • Mụn cóc phẳng
  • Mụn cóc Plantar (mụn cóc ở lòng bàn chân)
  • Mụn cóc dạng sợi mảnh
  • Mụn cóc sinh dục (do các chủng HPV khác gây ra)

Tất cả các loại mụn cóc đều có thể lây.

Mụn cóc có thể hình thành ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là ở ngón tay, bàn tay và bàn chân. Mụn cóc dạng sợi mảnh thường mọc trên mặt.

Mụn cóc đa phần là vô hại và không đau. Tuy nhiên, chúng sẽ gây khó chịu nếu hình thành ở những vị trí như lòng bàn chân hoặc ngón tay.

Mụn cóc lây từ người sang người

Mụn cóc có thể dễ dàng lây từ người này sang người khác qua sự tiếp xúc da. Mặc dù không phải khi nào chạm vào mụn cóc của người khác cũng sẽ bị vấn đề này nhưng đây là một con đường lây truyền HPV rất phổ biến.

Nguy cơ bị mụn cóc khi nhiễm HPV tùy thuộc vào hệ miễn dịch của mỗi người. Hệ miễn dịch bị suy yếu sẽ có nguy cơ bị mụn cóc cao hơn.

Các chủng HPV gây mụn cóc rất phổ biến và gần như tất cả mọi người đều từng bị nhiễm vào một thời điểm nào đó trong đời nhưng ở nhiều người, virus bị hệ miễn dịch tiêu diệt và không bao giờ bị mụn cóc. Nếu có thì khoảng thời gian kể từ khi bị nhiễm cho đến khi xuất hiện mụn cóc ở mỗi người là khác nhau, thường là từ 1 – 3 tháng hoặc lâu hơn.

Việc có vết thương hở tại khu vực tiếp xúc với mụn cóc sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Đó là lý do tại sao mụn cóc lại xảy ra phổ biến hơn ở trẻ nhỏ - nhóm đối tượng hiếu động nên thường có vết trầy xước hoặc vết cắt trên da.

Một số chủng HPV gây mụn cóc sinh dục chỉ lây lan qua đường tình dục. Virus có thể lây truyền khi quan hệ qua đường âm đạo, đường hậu môn, đường miệng hoặc chỉ cần tiếp xúc da ở bộ phận sinh dục.

Những chủng virus này không phải các chủng gây mụn cóc ở những bộ phận khác nên một người sẽ không thể bị mụn cóc sinh dục nếu tiếp xúc với mụn cóc ở tay.

Cũng chính vì thế mà các loại vắc-xin hiện nay chỉ bảo vệ cơ thể khỏi các chủng HPV gây mụn cóc sinh dục chứ không có tác dụng đối với các chủng gây ra mụn cóc ở bộ phận khác.

Mụn cóc lây lan giữa các bộ phận trên cơ thể

Mụn cóc có thể lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể, tương tự như cách lây truyền từ người sang người. Khi đụng vào mụn cóc rồi sau đó lại chạm tay lên một khu vực khác thì virus sẽ được di chuyển đến vị trí mới và gây hình thành mụn cóc.

Dùng dao cạo là một hình thức lây truyền HPV phổ biến. Virus sẽ theo dao cạo bám vào những vùng khác nhau của cơ thể và hơn nữa, vì dao cạo gây trầy xước da nên virus sẽ dễ dàng xâm nhập hơn.

Mụn cóc lây từ đồ vật sang người

Không chỉ lây qua sự tiếp xúc da trực tiếp với người bị mụn cóc, HPV còn có thể lây từ đồ vật sang cơ thể người. Khi chạm vào những món đồ, bề mặt có dính HPV thì virus sẽ xâm nhập vào cơ thể. Điều này có thể xảy ra khi dùng chung những vật dụng cá nhân như khăn tắm hay dao cạo với người bị mụn cóc. Lý do là bởi HPV có thể tồn tại dược một thời gian ở bên ngoài cơ thể và khó bị tiêu diệt bằng các chất khử trùng thông thường.

Nguy cơ bị nhiễm HPV sẽ cao hơn khi tiếp xúc với các bề mặt ẩm ướt, chẳng hạn như sàn xung quanh hồ bơi, nhà tắm, vòi hoa sen hoặc khăn mà người bị mụn cóc đã sử dụng.

Sẽ rất dễ bị mụn cóc Plantar hay mụn cóc lòng bàn chân nếu như thường xuyên khi đi chân trần ở những nơi công cộng như nhà tắm ở phòng gym hay hồ bơi.

    Điều trị mụn cóc

    Cần đi khám nếu như:

    • Đã dùng các loại thuốc không kê đơn nhưng không hiệu quả
    • Có nhiều mụn cóc
    • Mụn cóc đau hoặc ngứa dữ dội
    • Nghi ngờ đó không phải mụn cóc mà là một vấn đề khác
    • Có hệ miễn dịch yếu

    Bác sĩ sẽ loại bỏ mụn cóc bằng một trong những cách dưới đây:

    • Đông lạnh mụn cóc hay còn được gọi là liệu pháp áp lạnh: sử dụng nitơ lỏng để phá hủy mô mụn cóc. Đây là phương pháp loại bỏ mụn cóc phổ biến nhất,
    • Đốt mụn cóc bằng điện
    • Bôi hóa chất khiến mụn cóc bong ra khỏi vùng da khỏe mạnh
    • Loại bỏ mụn cóc bằng laser
    • Phẫu thuật cắt bỏ mụn cóc. Phương pháp này không phổ biến và chỉ được sử dụng khi mụn cóc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

    Lưu ý, tất cả các phương pháp này đều chỉ loại bỏ mụn cóc chứ không tiêu diệt được HPV. Vì virus vẫn còn trong cơ thể nên mụn cóc có thể xuất hiện trở lại ở cùng một vị trí hoặc ở một vị trí khác. Ở nhiều người, hệ miễn dịch tiêu diệt virus HPV nhưng vẫn có thể tái nhiễm và tiếp tục bị mụn cóc trong tương lai.

    Ngăn ngừa mụn cóc

    Không có cách nào có thể ngăn ngừa được hoàn toàn nguy cơ nhiễm HPV và hình thành mụn cóc nhưng có một số cách để giảm nguy cơ nhiễm và lây lan virus.

    Để tránh lây truyền virus từ người sang người thì cần:

    • Rửa tay thường xuyên
    • Sát trùng và giữ cho vết thường hở luôn sạch sẽ, khô ráo
    • Băng kín vết thường hở
    • Không chạm vào mụn cóc hay những nốt sần đáng ngờ ở trên cơ thể người khác

    Để ngăn ngừa mụn cóc lây lan giữa các bộ phận của cơ thể thì cần:

    • Không gãi hay cậy mụn cóc
    • Giữ cho mụn cóc luôn khô ráo
    • Dùng băng keo dán lên mụn cóc
    • Rửa tay ngay sau khi chạm vào mụn cóc
    • Không sử dụng các đồ vật đã chạm vào mụn cóc cho những vùng khác của cơ thể
    • Để ngăn ngừa lây nhiễm HPV từ đồ vật sang người:
    • Không đi chân trần ở những nơi đông người như hồ bơi, phòng thay đồ và phòng tắm công cộng
    • Làm sạch bất kỳ bề mặt nào đã tiếp xúc với mụn cóc, dù là của mình hay của người khác.
    • Không dùng chung khăn tắm hoặc các vật dụng cá nhân với người khác.
    • Rửa tay thường xuyên

    Tóm tắt bài viết

    VIrus gây mụn cóc có thể lây qua nhiều con đường khác nhau, từ người sang người, từ đồ vật sang người và lây từ bộ này sang bộ phận khác của cơ thể.

    Hầu hết mụn cóc đều tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, có thể phải mất khoảng 6 tháng đến 2 năm thì mụn mới biến mất hoàn toàn.

    Nếu mụn cóc gây đau đớn, khó chịu và cản trở các hoạt động hàng ngày hoặc cảm thấy chúng ảnh hưởng đến vẻ ngoài thì có thể điều trị. Có nhiều biện pháp để trị mụn cóc, ví dụ như dùng kem bôi axit salicylic. Đây là một phương pháp đơn giản nhưng thường phải sử dụng liên tục vài tuần thì mới thấy kết quả.

    Đọc toàn bộ bài viết