Mụn cóc sinh dục bao lâu thì khỏi?

3 năm trước 27

Mặc dù mụn cóc sinh dục có thể tự khỏi nhưng virus HPV vẫn tồn tại trong cơ thể. Các phương pháp điều trị sẽ loại bỏ mụn cóc và giảm các đợt bùng phát trong tương lai nhưng vấn đề này có thể tái phát bất cứ lúc nào.

Mụn cóc sinh dục là gì?

Mụn cóc sinh dục hay sùi mào gà là những nốt mụn mềm, màu hồng nâu hoặc màu da và sần sùi hình thành xung quanh vùng sinh dục.

Nguyên nhân gây mụn cóc sinh dục là do HPV (virus u nhú ở người). Nhiễm HPV là bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục phổ biến nhất. HPV gây ra nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có cả ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ và ung thư dương vật.

Có chữa khỏi được mụn cóc không?

Trong hầu hết các trường hợp, HPV đều biến mất sau một thời gian ở trong cơ thể do bị hệ miễn dịch tiêu diệt. Nếu không biến mất thì không có cách nào loại bỏ được virus nhưng có thể điều trị được mụn cóc sinh dục và giảm tần suất các đợt bùng phát. Tuy nhiên, vì virus vẫn còn trong cơ thể nên không thể chữa dứt điểm được mụn cóc. Vì vậy, ngay cả khi đã được điều trị thì vấn đề này vẫn có thể tái phát bất cứ lúc nào trong tương lai. Mụn cóc là một triệu chứng của nhiễm HPV.

Có hơn 150 chủng HPV khác nhau. Những người bị nhiễm HPV và tự khỏi vẫn có khả năng bị tái nhiễm cùng chủng virus đó hoặc nhiễm một chủng khác. Một người thậm chí có thể bị nhiễm nhiều chủng HPV cùng một lúc nhưng điều này ít khi xảy ra.

Nguy cơ bị mụn cóc sinh dục khi nhiễm HPV phụ thuộc vào việc đã tiêm phòng hay chưa, khả năng của hệ miễn dịch, chủng HPV bị nhiễm và lượng virus trong cơ thể (tải lượng virus).

HPV được chia thành hai nhóm là HPV nguy cơ cao và HPV nguy cơ thấp. Các chủng nguy cơ cao có thể gây ung thư và đa số mọi người đều không hề biết mình bị nhiễm các chủng virus này cho đến khi đi khám và phát hiện các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư.

Kết quả nghiên cứu

Một số nghiên cứu cho thấy rằng trong số những trường hợp nhiễm HPV thì có từ 80 đến 90% trường hợp là virus biến mất trong vòng 1 – 2 năm và 10 - 20% trường hợp còn lại thì virus vẫn tồn tại trong cơ thể. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số trường hợp mà cơ thể tự tiêu diệt virus là 90%.

Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ virus vẫn tồn tại trong cơ thể, gồm có quan hệ tình dục không an toàn, nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá và hệ miễn dịch bị suy yếu.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 12 năm 2017 đã chỉ ra rằng có hơn 200 chủng HPV khác nhau về gen. Nghiên cứu này đã đánh giá tình trạng nhiễm HPV ở những nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 70 chưa tiêm vắc-xin. Có tổng cộng 4.100 người tham gia và được theo dõi trong vòng 5 năm.

Nghiên cứu cho thấy những người bị nhiễm HPV có nguy cơ cao tái nhiễm cùng một chủng trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu tập trung cụ thể vào chủng HPV 16 - nguyên nhân gây ra hầu hết các ca ung thư liên quan đến HPV. Kết quả cho thấy việc bị nhiễm HPV một lần sẽ làm tăng xác suất tái nhiễm trong một năm tiếp theo lên 20 lần và xác suất tái nhiễm trong 2 năm sau đó lên 14 lần.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự gia tăng nguy cơ này xảy ra ở tất cả nam giới, bất kể có quan hệ tình dục hay không. Điều này có nghĩa là virus có thể lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể, virus vẫn còn sống bên trong cơ thể và bắt đầu hoạt động hoặc cả hai.

Tuy nhiên, có nhiều cách để giảm nguy cơ nhiễm HPV.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm HPV là quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng các biện pháp bảo vệ như đeo bao cao su, màng chắn miệng và không quan hệ với nhiều người. Ngoài ra, tổ chức này cũng khuyến nghị nên tiêm phòng vắc-xin ngừa HPV trước khi bắt đầu quan hệ tình dục, tốt nhất là ở độ tuổi 11 - 12 để bảo vệ cơ thể khỏi các chủng virus gây ra mụn cóc và ung thư.

Có cần thiết phải điều trị mụn cóc không?

Phải sau một thời gian kể từ khi nhiễm HPV thì các triệu chứng mới xuất hiện. Vì vậy có thể sẽ không bị mụn cóc trong vài tuần hoặc vài tháng đầu sau khi nhiễm virus. Trong một số trường hợp, thời gian để mụn cóc xuất hiện có thể lên đến nhiều năm.

Mụn cóc có thể hình thành trong hoặc xung quanh âm đạo hoặc hậu môn, trên cổ tử cung, ở vùng bẹn, đùi, trên dương vật hoặc bìu. HPV cũng có thể gây mụn cóc trên cổ họng, lưỡi, miệng hoặc môi.

Ở một số người, mụn cóc sinh dục tự hết trong vòng 2 năm nhưng có thể điều trị để loại bỏ mụn cóc nhanh hơn, giảm tình trạng ngứa ngáy, đau và khó chịu. Những mụn cóc này khó vệ sinh và sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Các phương pháp điều trị còn giúp giảm nguy cơ lây truyền HPV cho người khác và ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe khác do HPV gây ra.

Biện pháp điều trị mụn cóc sinh dục

Mụn cóc sinh dục có thể được điều trị bằng nhiều cách, gồm có các loại thuốc bôi và thủ thuật loại bỏ mụn cóc.

Thuốc bôi

Các loại thuốc trị mụn cóc không kê đơn thông thường không có tác dụng với mụn cóc sinh dục và có thể gây ra các vấn đề không mong muốn ở vùng da mỏng manh của vùng kín. Để trị mụn cóc sinh dục thì sẽ cần dùng các loại thuốc riêng theo đơn của bác sĩ. Những loại thuốc này gồm có:

Podofilox

Podofilox là một loại thuốc bôi có chứa thành phần nguồn gốc thực vật và được sử dụng để điều trị mụn cóc sinh dục bên ngoài cũng như là ngăn chặn các tế bào mụn cóc phát triển. Cần bôi podofilox trực tiếp lên mụn cóc ít nhất 2 lần mỗi ngày trong 3 ngày, sau đó dừng 4 ngày để vùng da đó có thời gian lành lại.

Có thể phải lặp lại chu kỳ điều trị này khoảng 4 lần.

Podofilox là một trong những loại thuốc bôi ngoài da hiệu quả trong việc điều trị mụn cóc. Theo một nghiên cứu, trong số những người dùng podofilox thì có đến gần một nửa nhận thấy tình trạng mụn cóc cải thiện từ 50% trở lên và 30% hết hoàn toàn mụn cóc.

Nhưng giống như tất cả các loại thuốc khác, podofilox cũng đi kèm với các tác dụng phụ như:

  • Nóng rát
  • Đau đớn
  • Viêm
  • Ngứa
  • Nổi mụn nước, loét và đóng vảy

Imiquimod

Imiquimod là một loại thuốc bôi kê đơn được sử dụng để trị mụn cóc sinh dục bên ngoài và một số bệnh ung thư da. Cần bôi thuốc trực tiếp lên mụn cóc ít nhất 3 ngày một tuần trong khoảng 4 tháng.

Mặc dù imiquimod không phải lúc nào cũng có hiệu quả nhưng một nghiên cứu đã chỉ ra rằng mụn cóc đã hết ở 37 đến 50% người sử dụng loại thuốc này. Imiquimod còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch để chống lại HPV.

Các tác dụng phụ của imiquimod gồm có:

  • Đỏ
  • Sưng tấy
  • Nóng rát
  • Ngứa ngáy
  • Da nhạy cảm
  • Đóng vảy và bong tróc

Sinecatechins

Sinecatechins là một loại thuốc bôi có thành phần chiết xuất trà xanh được sử dụng để trị mụn cóc sinh dục bên ngoài và mụn cóc ở hậu môn. Cần bôi thuốc 3 lần mỗi ngày trong thời gian lên đến 4 tháng.

Nhiều thử nghiệm đã chứng minh sinecatechins là thuốc bôi hiệu quả nhất để điều trị mụn cóc. Theo một nghiên cứu, thuốc này đã loại bỏ được hoàn toàn mụn cóc ở 56 đến 57% người tham gia.

Các tác dụng phụ của sinecatechin cũng tương tự như các loại thuốc bôi khác, gồm có:

  • Nóng rát
  • Đau đớn
  • Khó chịu
  • Ngứa
  • Đỏ

Liệu pháp áp lạnh

Liệu pháp áp lạnh là phương pháp loại bỏ mụn cóc bằng cách sử dụng nitơ lỏng. Điều này gây hình thành những mụn nước xung quanh mụn cóc. Khi mụn nước lành lại, vùng tổn thương sẽ bong ra và hình thành da mới thay cho mụn cóc.

Liệu pháp áp lạnh cho hiệu quả rất cao trong việc loại bỏ mụn cóc nhưng sẽ cần điều trị nhiều lần để có được kết quả lâu dài.

Có thể sinh hoạt bình thường ngay sau khi làm thủ thuật nhưng hiện tượng tiết dịch có thể kéo dài lên đến 3 tuần do khu vực được điều trị đang lành lại.

Một số tác dụng phụ của liệu pháp áp lạnh gồm có:

  • Đau đớn
  • Sưng tấy
  • Nóng rát nhẹ

Đốt bằng điện

Đốt điện là phương pháp điều trị cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ sử dụng dòng điện để đốt và phá hủy mô mụn cóc sinh dục bên ngoài, sau đó loại bỏ vùng mô đã khô.

Thủ thuật sẽ gây đau đớn nên cần gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân.

Tuy nhiên, phương pháp này lại cho hiệu quả cao. Một nghiên cứu cho thấy khi điều trị 6 buổi một tuần thì 94% người tham gia đã sạch mụn cóc sinh dục. Thời gian lành lại có thể mất từ ​​4 đến 6 tuần.

Các vấn đề có thể gặp phải sau khi đốt điện mụn cóc gồm có:

  • Chảy máu
  • Nhiễm trùng
  • Hình thành sẹo
  • Thay đổi màu da ở vùng điều trị

Đốt bằng laser

Đốt bằng laser cũng là một thủ thuật cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sử dụng tia laser để đốt mô mụn cóc. Sẽ cần gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân tùy thuộc vào kích thước và số lượng mụn cóc.

Phương pháp đốt bằng laser có thể được sử dụng để loại bỏ những mụn cóc sinh dục cỡ lớn hoặc mụn cóc ở vị trí khó tiếp cận, không thể điều trị bằng các phương pháp khác. Quá trình phục hồi sau thủ thuật sẽ mất một vài tuần.

Các vấn đề có thể xảy ra sau khi đốt bằng laser gồm có:

  • Đau đớn
  • Sưng đỏ
  • Chảy máu
  • Hình thành sẹo

Điều gì xảy ra nếu mụn cóc sinh dục không được điều trị?

Hầu hết các trường hợp bị mụn cóc sinh dục do nhiễm HPV đều tự khỏi sau từ ​​vài tháng đến 2 năm. Tuy nhiên, dù mụn cóc tự biến mất hay cần phải điều trị thì đều có thể quay trở lại nếu virus vẫn còn trong cơ thể.

Khi không được điều trị, mụn cóc sinh dục có thể to lên hoặc tạo thành cụm lớn và có nguy cơ tái phát cao hơn.

Ngăn ngừa lây truyền HPV

Sau khi hết mụn cóc thì cần chờ ít nhất 2 tuần mới quan hệ tình dục trở lại và phải nói chuyện với đối phương về tình trạng nhiễm HPV của mình trước khi quan hệ.

Ngay cả khi không có triệu chứng nào thì vẫn có thể lây truyền HPV qua tiếp xúc da. Do đó cần sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục như bao cao su và màng chắn miệng để giảm nguy cơ lây truyền virus.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù mụn cóc sinh dục có thể tự khỏi nhưng virus HPV vẫn tồn tại trong cơ thể. Các phương pháp điều trị sẽ loại bỏ mụn cóc và giảm các đợt bùng phát trong tương lai nhưng vấn đề này có thể tái phát bất cứ lúc nào.

Quá trình điều trị mụn cóc đôi khi kéo dài lên tới vài tháng nhưng có thể nhiều năm sau đó sẽ không bị lại. Cần đeo bao cao su khi quan hệ tình dục vì HPV có thể lây truyền mà không có mụn cóc.

Đọc toàn bộ bài viết