Mụn rộp có lây khi hôn không?

3 năm trước 36

HSV chủ yếu lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp với người mang virus. Bạn có thể bị lây mụn rộp ở miệng khi tiếp xúc với nốt mụn rộp hoặc dịch miệng (ví dụ như nước bọt) của người mắc bệnh.

Mụn rộp có lây khi hôn không?

Câu trả lời là có. Bệnh mụn rộp ở miệng, hay còn gọi là mụn rộp môi (herpes môi) có thể lây truyền khi hôn.

Mụn rộp ở miệng là do virus herpes simplex loại 1 (HSV-1) gây ra và thường lây truyền khi hôn hoặc tiếp xúc với dịch miệng còn mụn rộp sinh dục là do virus herpes simplex loại 2 (HSV-2) gây ra, thường lây khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, đường hậu môn hoặc đường miệng. Cả HSV-1 và HSV-2 đều có thể gây mụn rộp sinh dục, nhưng đa số các trường hợp là do HSV-2.

Hôn lây truyền HSV như thế nào?

HSV chủ yếu lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp với người mang virus. Bạn có thể bị lây mụn rộp ở miệng khi tiếp xúc với nốt mụn rộp hoặc dịch miệng (ví dụ như nước bọt) của người mắc bệnh.

Rất nhiều trẻ nhỏ bị nhiễm HSV-1 từ nụ hôn của người lớn.

Mọi kiểu hôn đều có thể làm lây truyền HSV gây mụn rộp.

Mặc dù vậy nhưng đã có bằng chứng nghiên cứu cho thấy rằng nguy cơ mắc một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STD), bao gồm cả nhiễm HSV tăng cao hơn khi hôn mở miệng.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng không chỉ có hôn lên má hay lên miệng mà việc tiếp xúc giữa miệng với bộ phận sinh dục cũng có thể lây truyền virus.

Nguy cơ lây truyền khi có và không có triệu chứng

Nguy cơ lây truyền HSV sẽ cao hơn khi đang có mụn rộp hay vết loét nhưng virus vẫn có thể lây từ người này sang người khác kể cả khi không có triệu chứng.

Một khi đã bị nhiễm thì virus herpes simplex sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời.

Không phải ai bị nhiễm HSV cũng có triệu chứng nhưng tất cả mọi người sau khi nhiễm virus này đều trải qua các giai đoạn bệnh không biểu hiện triệu chứng. Khi không có triệu chứng, nhiều người sẽ vô tình tiếp tục lan truyền bệnh sang cho người khác.

Không thể đoán trước được thời điểm và tần suất bùng phát triệu chứng.

Bệnh có lây khi dùng chung dụng cụ ăn uống không?

Không nên ăn chung và dùng chung dụng cụ ăn uống với người khác khi bị mụn rộp môi, đặc biệt là khi đang ở trong giai đoạn có triệu chứng.

Có thể bị nhiễm HSV khi dùng chung bất kỳ đồ vật nào có tiếp xúc với nước bọt của người mang virus.

Mặc dù vậy nhưng HSV không thể sống lâu ở bên ngoài cơ thể nên nguy cơ lây nhiễm qua con đường này là khá thấp.

Tuy nhiên, tốt nhất vẫn nên sử dụng son môi và dụng cụ ăn uống của riêng mình để tránh lây hoặc nhiễm HSV.

Cần làm gì để giảm nguy cơ lây truyền mụn rộp môi?

Tránh tiếp xúc trực tiếp trong khoảng thời gian bùng phát mụn rộp, bao gồm cả hôn và quan hệ tình dục đường miệng.

Không ăn uống chung và dùng chung các đồ vật có tiếp xúc với nước bọt, chẳng hạn như thìa, dĩa, đũa, ống hút, son môi, và bàn chải đánh răng với người khác

Sử dụng các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như bao cao su và màng chắn miệng khi quan hệ tình dục.

Con đường lây truyền chính

Tiếp xúc da và tiếp xúc với nước bọt của người bị herpes môi là con đường lây truyền có nguy cơ cao nhất.

HSV-1 chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc da, tiếp xúc với mụn nước, vết loét và nước bọt.

HSV-2 là một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục nên chủ yếu lây qua sự tiếp xúc da khi quan hệ tình dục.

Quan hệ tình dục ở đây là tất cả các hình thực tiếp xúc thân mật, bao gồm cả hôn, đụng chạm, quan hệ bằng miệng và thâm nhập qua đường âm đạo hoặc đường hậu môn.

Hình thức quan hệ tình dục nào có nguy cơ cao hơn?

Nguy cơ lây nhiễm HSV-1 sẽ cao hơn khi quan hệ tình dục bằng miệng trong khi HSV-2 lại dễ lây truyền qua quan hệ tình dục đường âm đạo hoặc đường hậu môn.

Việc thâm nhập bằng đồ chơi tình dục cũng có thể làm lây truyền herpes. Đó là lý do tại sao các chuyên gia thường khuyên không nên dùng chung đồ chơi tình dục.

Nhiễm HSV có làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác không?

Nhiễm HSV sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người mang virus HSV-2 có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 3 lần bình thường.

Khoảng 60 đến 90% người nhiễm HIV cũng bị nhiễm HSV- 2.

Triệu chứng nhiễm HSV

Đa số mọi người đều không hề biết mình bị nhiễm HSV cho đến khi triệu chứng mụn rộp bùng phát.

Trong nhiều trường hợp, HSV-1 không hề biểu hiện triệu chứng hoặc nếu có thì cũng chỉ gây ra các triệu chứng rất nhẹ nên dễ bị bỏ qua.

Vào những đợt bùng phát triệu chứng mụn rộp miệng, người bệnh sẽ bị nổi mụn nước ở trong và xung quanh miệng. Có thể sẽ có cảm giác châm chích, nóng rát và ngứa ở vị trí sắp hình thành mụn nước. Sau một vài ngày, những mụn nước này sẽ vỡ ra và hình thành vết loét.

Khi bị mụn rộp sinh dục do HSV-1 thì sẽ có triệu chứng hình thành mụn nước hoặc vết loét ở quanh cơ quan sinh dục hoặc hậu môn.

Mụn rộp sinh dục do HSV-2 gây ra cũng có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc gây ra các triệu chứng nhẹ nên người bệnh không nhận thấy. Khi có triệu chứng thì đợt bùng phát đầu tiên thường nghiêm trọng nhất rồi sẽ nhẹ hơn vào những lần tiếp theo.

Người bệnh sẽ gặp những hiện tượng như:

  • Nổi một hoặc nhiều mụn nước ở bộ phận sinh dục hoặc hậu môn
  • Mụn nước vỡ ra và tạo thành vết loét
  • Sốt
  • Đau đầu
  • Nhức mỏi khắp cơ thể
  • Đau khi đi tiểu
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Châm chích hoặc đau nhói ở hông, mông và chân trước khi xuất hiện mụn nước

Biện pháp chẩn đoán

Nên đi khám bác sĩ nếu nghi ngờ mình bị nhiễm HSV.

Bác sĩ có thể chẩn đoán mụn rộp bằng cách thăm khám lâm sàng và làm một số phương pháp xét nghiệm sau:

  • Nuôi cấy virus: lấy mẫu dịch từ vết loét để phân tích và tìm sự hiện diện HSV
  • Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR): nhằm xác định loại HSV bị nhiễm
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra các kháng thể mà cơ thể tạo ra do bị nhiễm HSV trước đây

Có thể chữa khỏi được không?

Hiện tại chưa có cách nào có thể tiêu diệt HSV và chữa khỏi dứt điểm các vấn đề do virus này gây ra nhưng có nhiều phương pháp điều trị để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa hoặc rút ngắn thời gian các đợt bùng phát.

Trung bình, mỗi người bị bệnh mụn rộp phải trải qua 4 đợt bùng phát triệu chứng mỗi năm. Mức độ nghiêm trọng và thời gian của các đợt bùng phát như vậy ở mỗi người là khác nhau.

Biện pháp điều trị

Có thể điều trị các triệu chứng của bệnh herpes bằng thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn kết hợp với một số biện pháp khắc phục tại nhà và thay đổi thói quen, lối sống. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào loại HSV bị nhiễm.

Mục tiêu của việc điều trị là giảm số đợt bùng phát, giúp các triệu chứng nhanh khỏi và giảm nguy cơ lây truyền virus.

Phương pháp điều trị chính khi bị mụn rộp là dùng thuốc kháng virus, chẳng hạn như valacyclovir (Valtrex) và acyclovir (Zovirax). Những loại thuốc này giúp giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện mụn rộp ở miệng hoặc bộ phận sinh dục.

Thường thì chỉ cần dùng thuốc khi bắt đầu có triệu chứng. Nhưng trong những trường hợp mà các đợt bùng phát xảy ra thường xuyên hoặc có những triệu chứng nghiêm trọng thì bác sĩ sẽ kê thuốc dùng hàng ngày.

Người bệnh có thể dùng thêm thuốc giảm đau để làm dịu cảm giác đau đớn, khó chịu. Ngoài ra còn có nhiều loại thuốc bôi để điều trị mụn rộp.

Dưới đây là một số biện pháp khác để giảm bớt triệu chứng và ngăn ngừa các đợt bùng phát:

  • Ngâm trong nước ấm pha một chút muối khi có mụn rộp và vết loét ở bộ phận sinh dục
  • Chườm lạnh lên mụn rộp
  • Tránh các tác nhân kích hoạt triệu chứng, ví dụ như căng thẳng, uống rượu và tiếp xúc với ánh nắng
  • Tăng cường hệ miễn dịch bằng một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để ngăn ngừa các triệu chứng bệnh.

Tóm tắt bài viết

Có thể lây truyền bệnh mụn rộp và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục khác khi hôn. Ngoài ra, virus gây mụn rộp còn có thể lây qua nhiều con đường khác như quan hệ tình dục hay dùng chung vật dụng. Mặc dù hiện tại chưa có cách chữa khỏi bệnh này nhưng có nhiều loại thuốc và biện pháp có thể điều trị triệu chứng cũng như là ngăn ngừa các đợt bùng phát.

Đọc toàn bộ bài viết