3 tháng đầu năm 2024, BVĐK Tâm Anh TP.HCM điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân nam bị ung thư tuyến giáp, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, trong đó, 30% trường hợp thừa cân, béo phì.
Nhậu nhiều, ít tập thể dục
Ông N.H.V. (50 tuổi, Bình Dương) cao 150cm, nặng 72 kg, chỉ số khối cơ thể (BMI) là 32, thuộc nhóm béo phì, cổ ngấn mỡ nên không sờ thấy u, trong khi ăn uống, nói chuyện bình thường.
Mới đây, ông khám tổng quát ở BVĐK Tâm Anh TP.HCM, bác sĩ phát hiện có 3 ổ u ở cổ, ổ lớn nhất có kích thước 26 mm ở thùy phải, xâm nhập mô quanh tuyến giáp và mạch bạch huyết. Ung thư tuyến giáp của ông V. di căn hạch chi chít hai bên cổ. Nếu đến bệnh viện trễ hơn, tế bào ác tính di căn xa tới phổi, não, xương… gây đau tức, ê nhức, khó thở, thậm chí tử vong.
Ông V. cho biết, ông phụ vợ bán tạp hóa tại nhà. 3 năm nay, sức mua giảm nên những khi rảnh rỗi, ông thường nhậu cho đỡ chán. Mỗi ngày ống uống khoảng 4-5 lon bia cùng các món nhậu. 10 giờ đêm, ông đóng cửa quán, đi ngủ, hiếm khi đi bộ, tập thể dục nên cân nặng tăng dần.
Cũng đi khám sức khỏe tổng quát, anh H.V.T. (34 tuổi, TP.HCM) phát hiện bướu giáp đa nhân 2 thùy, di căn hạch 2 bên. Ổ di căn lớn nhất có kích thước 12 mm, xâm lấn ra ngoài hạch, nguy cơ cao di căn phổi, gan, não… khiến quá trình điều trị khó khăn, chất lượng cuộc sống suy giảm, nguy cơ tử vong.
Anh T. cho biết, 4 năm nay, do căng thẳng nên anh ăn nhiều, thường xuyên uống bia nên tăng cân. Mỗi ngày, ngoài 2-3 chén cơm cùng thức ăn trong các bữa chính, anh còn ăn vặt thêm các loại bánh, kẹo ngọt… Buổi tối, anh uống 5-7 lon bia với bạn bè. Chỉ số BMI của anh lúc khám bệnh là 30. Khi đi khám, anh làm việc, ăn uống bình thường, không có triệu chứng đau họng, khó nuốt, nói khó…
Ông V. và anh T. được phẫu thuật cắt tuyến giáp, nạo vét hạch cổ. Cuộc phẫu thuật gặp khó khăn vì bướu cứng, bám chặt vào động mạch và tĩnh mạch cảnh (mạch đưa máu lên nuôi não), dây thần kinh quặt ngược thanh quản (dây thần kinh nói), ống ngực (mạch bạch huyết lớn nhất cơ thể, chịu trách nhiệm vận chuyển chất béo từ ruột).
Thạc sĩ bác sĩ CKII Đoàn Minh Trông, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, BVĐK Tâm Anh TP.HCM khéo léo bóc tách khối u, tránh tổn thương các cơ quan, bảo tồn các chức năng nói, nuốt… cho người bệnh. Người bệnh được tiếp tục uống i-ốt phóng xạ để tiêu diệt hết tế bào ung thư.
Ung thư tuyến giáp ở nam giới tiến triển nhanh, dễ di căn hạch, phổi, xương, não… và nguy cơ tái phát cao. Đáng lưu ý, phần lớn nam giới phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn trễ, tiên lượng xấu nếu không điều trị kịp thời.
Béo phì tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp
Thạc sĩ bác sĩ CKII Đoàn Minh Trông cho biết ung thư tuyến giáp thường xảy ra ở nữ giới, thường gấp 3 lần nam. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ nam giới bị ung thư tuyến giáp ngày càng gia tăng. Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) ghi nhận năm 2002, thế giới có 37,424 trường hợp nam giới ung thư tuyến giáp. Đến năm 2020, nam giới ung thư tuyến giáp tăng lên 137,287 ca, gấp khoảng 4 lần. Điều này tương tự tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, tỷ lệ ung thư tuyến giáp ở nam giới tăng trong 3 tháng đầu năm 2024 đã gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Bác sĩ Trông cho biết nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp ở nam giới gia tăng chưa chính xác nhưng bệnh có một số yếu tố nguy cơ: thừa cân, béo phì, lượng iốt thấp, tiếp xúc với bức xạ, di truyền…
Như trường hợp ông V. và anh T. đều bị thừa cân béo phì là yếu tố nguy cơ. Tình trạng béo phì kích hoạt hệ thống miễn dịch, viêm mạn tính, kháng insulin, thay đổi nội tiết tố (mất cân bằng estrogen-progesterone và tăng hormone kích thích tuyến giáp)… là những yếu tố góp phần vào sự xuất hiện và phát triển của ung thư tuyến giáp.
Một phân tích từ Thư viện Y tế toàn cầu (Mỹ) thực hiện trên 12.199 trường hợp ung thư tuyến giáp cho thấy những người thừa cân (BMI từ 25 – 29,9) có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp 25% và nguy cơ này là 55% với những người béo phì (BMI từ 30 – 34,9) so với người cùng tuổi có cân nặng bình thường. Mỗi lần chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng 5 điểm sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp 30%.
Thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2016, thế giới có hơn 1 tỉ người bị béo phì. Trong đó, có 650 triệu người lớn, 340 triệu thanh thiếu niên và 39 triệu trẻ em. Dự kiến con số này sẽ tăng thêm khoảng 167 triệu người vào năm 2025.
Sự phát triển của y học hiện đại và nhận thức của người dân về khám sức khỏe định kỳ được nâng cao. Nhiều nam giới vô tình phát hiện ung thư tuyến giáp khi khám tầm soát.
Đáng lưu ý, nam giới ung thư tuyến giáp có tiên lượng xấu hơn phụ nữ. Nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ trên 61.523 người bệnh ung thư tuyến giáp cho kết quả nam giới mắc bệnh tiến triển nặng hơn: kích thước u lớn, tỷ lệ ung thư lây lan ra ngoài tuyến giáp (tuyến cận giáp, dây thần kinh thanh quản (chi phối cho giọng nói) và hạch bạch huyết ở cổ, di căn phổi, xương…
Tuy nhiên, nhiều nam giới còn chủ quan, khi phát hiện bướu không đi khám ngay để chẩn đoán, điều trị kịp thời. Đồng thời, vùng cổ nam giới có cấu tạo nhiều cơ chắc, nên khó nhìn thấy u. Do vậy, nam giới thường phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ, tiên lượng xấu hơn.
Dù tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp tăng lên ở nhiều quốc gia, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức thấp nhờ phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm, kích thước nhỏ, tỷ lệ sống trên 5 năm có thể lên đến hơn 90%, có thể xem như điều trị khỏi.
Bệnh không thể hiện triệu chứng ở các giai đoạn sớm, thậm chí ở giai đoạn di căn như trường hợp của ông V. và anh T. Bác sĩ Minh Trông khuyên người dân nên khám tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh (nếu có) và điều trị kịp thời bởi hiện nay phương tiện tầm soát đã hiện đại, dễ dàng và thuận tiện nhanh chóng để phát hiện bệnh sớm hơn.