SUCKHOE+ | Gặp mặt với lãnh đạo một số cơ quan báo chí nhân ngày lễ 21/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá báo chí là vũ khí sắc bén trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.
- 19/06/2022 09:18
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các nhà báo nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 (Ảnh VGP)
Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam ( 21/6 /1925 – 21/6/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có lời biểu dương và chúc mừng các thành tựu mà báo chí cách mạng Việt Nam đạt được thời gian vừa qua, ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp của báo chí vào những thành tựu chung của đất nước, vào việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
Đặc biệt, như Cổng Thông tin Chính phủ dẫn lời, trong cuộc gặp mặt với lãnh đạo một số cơ quan báo chí nhân ngày lễ trọng của giới báo chí, Thủ tướng đánh giá báo chí là vũ khí sắc bén trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng khẳng định, người làm báo là một trong những lực lượng trên tuyến đầu của các "mặt trận”
Trong phát biểu tại cuộc gặp mặt ở Văn phòng Chính phủ ngày 17/6, một lần nữa Thủ tướng khẳng định: Trong các thành tựu chung của đất nước, có đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam, các nhà báo, các cơ quan báo chí, với thông tin khách quan, trung thực, kịp thời, đúng hướng, tạo chia sẻ, tạo cảm hứng và động lực cho người dân, góp phần để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”. “Người làm báo là một trong những lực lượng trên tuyến đầu của các "mặt trận”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ mong muốn và tin tưởng với truyền thống, bản lĩnh, trí tuệ, “mắt sáng - lòng trong - bút sắc”, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân vượt qua những khó khăn, thách thức, phát huy các thành tựu, kết quả đã đạt được, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nhà báo, các cơ quan báo chí tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, hạnh phúc, ấm no của nhân dân và sự phát triển của báo chí cách mạng.
Tự hào về những đóng góp của giới báo chí vào thành tựu chung như lời biểu dương của Thủ tướng, thay mặt cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước, song ngẫm lại mình trên tinh thần “tự phê bình và phê bình” theo như Bác Hồ dạy, là nhằm để học cái hay, tránh cái dở, thì cũng thấy rằng còn có những việc chưa thực sự là “mắt sáng” để góp phần làm cho “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm” như lời Thủ tướng!
Có khi mình vẫn còn mắc cái bệnh "cả tin" nên mới đưa tin ngay mà không suy xét, ví dụ như vụ Việt Á (ảnh Dân trí)
Đấy là cũng có khi mình còn mắc cái bệnh “cả tin” - tin ngay một cách dễ dãi mà không suy xét, nhất là trong một bối cảnh có tính đặc trưng điển hình. Vụ đại án Việt Á đang diễn ra là một ví dụ.
Ngược dòng thời gian, từ tháng 3/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức họp báo công bố Học viện Quân y và Công ty CP Công nghệ Việt Á nghiên cứu sản xuất thành công Kit test COVID-19. Cho biết bộ kit này sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và realtime RT-PCR), sản xuất trên dây chuyền tiêu chuẩn ISO 13485, Labo kiểm định tiêu chuẩn ISO Class 8. Cuộc họp báo cũng công bố, kinh phí nghiên cứu do Bộ KH&CN tài trợ và Công ty Việt Á được chọn làm doanh nghiệp sản xuất vì “có dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO13485, phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu đạt tiêu chuẩn ISO Class 8”. Tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt cho biết năng lực sản xuất của công ty khoảng 10.000 bộ kit/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần. Công ty Việt Á còn quảng bá là đơn vị tư nhân chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, sở hữu đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm cùng khách hàng gồm nhiều bệnh viện lớn.
Còn nữa, Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 26/4/2020 thì đăng tải: “Bộ Kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận”. Trong đó cho hay, ngày 24/4, Tổ chức Y tế Thế giới đã chấp thuận bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00.
Nhớ lại khi đó, ở cương vị công tác của mình, đã cả tin vào những thông tin được tổ chức công bố chính thức từ các cơ quan chức năng và phát ngôn từ các cán bộ có chức trách, thẩm quyền, với niềm vui và cả tự hào rằng, đã có sản phẩm made in Vietnam phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Có lẽ, đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều đồng nghiệp khác. Bây giờ dùng từ “giá mà” ở đây thì chỉ mang tính biện bạch, nhưng nếu thực sự chúng ta có “con mắt sắc” để nhận thức rõ về những thông tin mang tính khoa học này và tổ chức ngay việc tìm hiểu để phản ánh “chân giá trị” của những thông tin được chủ động cung cấp đó thì nhất định đã góp phần vào việc tránh được một đại án tham nhũng mưu mô đang làm xói mòn những thành quả của công cuộc phòng chống đại dịch COVID-91 với sự nỗ lực lớn lao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Hôm rồi nghe thông báo về giải báo chí quốc gia sắp trao, như đánh giá của hội đồng giải thì các tác phẩm tham dự giải phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị của đất nước năm 2021. Đặc biệt, mảng đề tài liên quan đến đại dịch COVID-19 chiếm tỷ lệ cao ở tất cả loại hình báo chí. Nhiều tác phẩm chân thực, xúc động, lay động lòng người, thể hiện sự dấn thân của phóng viên, nhà báo có tính lan tỏa cao trong xã hội. Trong số đó tác phẩm nào đã có “con mắt sắc” sớm vạch ra chân tướng vụ việc hẳn là phải được trao giải cao!
Vụ Việt Á đã dạy cho chúng ta nhiều bài học về công khai, minh bạch (ảnh Vietnamnet)
Ngoài bài học về căn bệnh “cả tin”, vụ đại án Việt Á còn cho chúng ta nhiều bài học lớn khác. Đó là các vụ việc sai phạm đều thiếu sự công khai, minh bạch. Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội, đã nhận xét: Trong vụ đại án kit test Công ty Việt Á, nếu chúng ta thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai minh bạch để mọi người biết sẽ tránh được những vi phạm phải xử lý thời gian qua. Tất cả các vụ việc sai phạm đều giống nhau một điểm là thiếu công khai minh bạch. Nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai minh bạch để người dân được biết thông tin thì chắc chắn sẽ nhận được các ý kiến tham gia đóng góp, phản biện của người dân, mang lại kết quả tốt nhất. Không để khi đã lún sâu vào các sai phạm mới được phát hiện và xử lý.
Trở lại vai trò của báo chí, để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, báo chí đòi hỏi phản ánh nhanh chóng, kịp thời những vấn đề thời sự của đất nước, những vấn đề dư luận đang quan tâm. Tuy nhiên, khi trình độ phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, trình độ dân trí ngày càng cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thì báo chí cũng đòi hỏi phải giàu kiến thức, hiểu biết, có sự thận trọng trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Chưa điều tra, chưa tìm hiểu, chưa biết rõ thì chưa nên nói, chưa nên viết. Cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, hấp dẫn nhưng phải chính xác, có độ tin cậy cao, chứ không phải thụ động, nghe một chiều, chờ thông tin hoặc chạy theo sau, hay chủ quan duy ý chí trong định hướng thông tin…
Đó là những bài học luôn phải ghi nhớ để báo chí chúng ta thực sự là vũ khí sắc bén, bản lĩnh và trí tuệ, được nhân dân tin tưởng… đáp ứng yêu cầu như sứ mệnh được giao phó.
Diệu Vi