Cục máu đông là một vấn đề không thể xem nhẹ. Mặc dù không phải lúc nào cũng đe dọa đến tính mạng nhưng cục máu đông có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm.
Những cục máu đông này hình thành ở sâu bên trong tĩnh mạch, đặc biệt là ở chân và thường được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (deep vein thrombosis).
Vậy tại sao cục máu đông lại nguy hiểm? Lý do là bởi chúng có thể vỡ ra, di chuyển theo máu đến phổi và mắc kẹt trong phổi, dẫn đến thuyên tắc phổi - một tình trạng có thể gây tử vong nếu không can thiệp kịp thời.
Có nhiều điều mà chúng ta vẫn thường hay làm trong cuộc sống làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông và một số hậu quả đi kèm khác nhưng mặt khác, chỉ cần một vài thay đổi nhỏ là có thể ngăn ngừa, giảm thiểu được nguy cơ này.
Dưới đây là 5 cách đơn giản mà bạn có thể áp dụng trong cuộc sống để tránh hình thành cục máu đông ở chân.
1. Vận động thường xuyên
Khi ngồi liên tục trong thời gian dài thì thi thoảng nên đứng lên và đi lại vài phút để máu có thể lưu thông trở lại.
Việc ngồi trong thời gian dài mà không vận động là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây hình thành cục máu đông ở chân. Điều này xảy ra ngay cả trong những lúc ngồi thư giãn, ví dụ như xem phim hay lướt điện thoại. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ này bằng cách đơn giản là cứ sau 30 phút lại đứng lên và đi lại loang quanh.
Ngoài ra, cũng nên nâng cao chân. Đây là một biện pháp rất hữu hiệu để giữ cho sự tuần hoàn máu diễn ra bình thường, đặc biệt là khi đang có vấn đề về tĩnh mạch như suy giãn tĩnh mạch.
2. Uống đủ nước khi đi du lịch
Khi ngồi trên ôtô hay máy bay, không khí lạnh của điều hòa khiến cho cơ thể bị mất nước rất nhanh.
Những lúc này, đa số mọi người đều hạn chế uống nước vì sợ phải dừng xe lại giữa đường để đi vệ sinh hay không muốn phải dùng toilet trên máy bay.
Tuy nhiên, khi đang đi du lịch thì nên uống nhiều nước hơn. Mục đích không chỉ là để bù lại lượng nước bị mất mà còn để ngăn ngừa những tác hại của việc phải ngồi nhiều.
Nếu ngồi trên 2 tiếng trong ô tô hoặc trên máy bay thì nguy cơ hình thành cục máu đông sẽ tăng cao. Do đó, ngoài uống đủ nước thì khi di chuyển bằng ô tô, hãy cố gắng dừng xe sau mỗi một tiếng đến một tiếng rưỡi, xuống xe và đi lại xung quanh. Khi ngồi trên máy bay thì hãy đứng dậy và đi lại dọc theo lối đi có thể đôi chân được cử động và lưu thông máu bình thường.
Ngoài ra, khi đi du lịch thì cũng nên tránh xa những đồ uống khiến cho cơ thể bị mất nước nhiều hơn, chẳng hạn như caffeine, rượu và các loại đồ uống có đường như nước ngọt có ga.
Một vật dụng nên mang theo khi đi du lịch, đặc biệt là khi đang có những vấn đề về tĩnh mạch là một đôi tất nén. Tất nén có tác dụng hỗ trợ lưu thông máu trong tĩnh mạch về tim và từ đó giúp tránh hình thành cục máu đông.
3. Tích cực vận động mang thai
Khi mang thai, đặc biệt là vào những tháng cuối, mẹ bầu thường sẽ không muốn đi lại do cơ thể nặng nề và cảm giác mệt mỏi, uể oải. Tuy nhiên, mang thai và những thay đổi nồng độ nội tiết tố trong thai kỳ là một trong những yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu. Vì vậy đây là thời điểm cần đặc biệt tăng cường vận động. Mang thai làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở vùng chậu và chân. Khi chân không cử động trong thời gian dài, chẳng hạn như khi nằm trên giường thì cơ bắp chân không thể co thắt để giúp máu lưu thông và điều này sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Hãy cố gắng đi bộ thường xuyên và hạn chế tối thời gian ngồi, nằm một chỗ.
Nếu có thể thì hãy nằm nghiêng bên trái để giúp thúc đẩy sự tuần hoàn máu vì khi mang thai, máu thường khó lưu thông ở bên phải cơ thể.
4. Kê cao chân khi ngủ
Nếu ngủ đủ giấc, tương đương với khoảng 7 - 8 tiếng mỗi đêm thì chân sẽ không cử động trong suốt một thời gian dài. Và điều này không hề tốt cho quá trình lưu thông máu.
Để giúp thúc đẩy sự lưu thông máu trong khi ngủ thì nên kê cao chân bằng cách đặt một vài chiếc gối bên dưới chân. Không cần phải nâng quá cao, chỉ cần một vài cm là đủ để hỗ trợ rất nhiều cho sự tuần hoàn máu và giảm nguy cơ đông máu. Chỉ cần đảm bảo chân cao hơn hông là có thể ngăn ngừa được vấn đề này.
5. Nhận biết các dấu hiệu
Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Tim mạch ngay. Cục máu đông nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Một số dấu hiệu cục máu đông ở chân gồm có:
- Sưng phù, thường chỉ ở một chân
- Đau chân hoặc chân trở nên nhạy cảm
- Da chuyển màu đỏ hoặc hơi xanh
- Da có cảm giác nóng ấm khi chạm