SUCKHOE+ | Xưa nay, người Việt Nam vẫn chuộng hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, nhiều người lại đang lo lắng vì Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm (ATTP), thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP, lại mở toang cho hàng thực phẩm nhập khẩu, chỉ kiểm nghiệm mẫu khi sản phẩm bị cảnh báo nguy cơ từ nước ngoài hoặc khi bị phát hiện không an toàn trong khi đang lưu thông trên thị trường, còn đa số các trường hợp bình thường thì chỉ bị kiểm tra hồ sơ, thậm chí miễn kiểm tra nhà nước (KTNN) và được thông quan ngay.
- 31/05/2018 10:57
Nghị định 15 đưa ra những quy định mới về thực phẩm nhập khẩu
Miss Soi: Thưa ông, là một nhà kinh doanh thực phẩm nhập khẩu, ông có thể cho biết NĐ 15 cho phép các trường hợp nào thì sản phẩm nhập khẩu được miễn KTNN về ATTP?
Mr Lách: Điều 13 của NĐ 15 quy định như sau: Các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu (trừ các trường hợp có cảnh báo về an toàn thực phẩm)
1. Sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.
2. Sản phẩm mang theo người nhập cảnh, gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi của người nhập cảnh để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hoặc mục đích chuyến đi; quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế.
3. Sản phẩm nhập khẩu dùng cho cá nhân của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.
4. Sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan.
5. Sản phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu có số lượng phù hợp với mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu có xác nhận của tổ chức, cá nhân.
6. Sản phẩm sử dụng để trưng bày hội chợ, triển lãm.
7. Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước.
8. Sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế.
9. Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các thực phẩm nhập khẩu sẽ được kiểm tra khi có cảnh báo về an toàn thực phẩm
Miss Soi: Thế những trường hợp nào chỉ kiểm tra hồ sơ, không phải kiểm nghiệm mẫu thực tế?
Mr Lách: Tất cả các sản phẩm đã qua thủ tục tự công bố hoặc đăng ký bản công bố sản phẩm, không thuộc diện được miễn KTNN nêu ở trên, đều thuộc diện này. Các sản phẩm qua 3 lần kiểm tra như vậy sẽ được chuyển sang phương thức kiểm tra giảm, tức là kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 01 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên và doanh nghiệp không phải đăng ký KTNN tại cơ quan kiểm tra chuyên ngành được Bộ quản lý chuyên ngành chỉ định. Các thực phẩm thuộc diện kiểm tra giảm được quy định tại Khoản 1, Điều 17 như dưới đây:
1. Kiểm tra giảm áp dụng đối với lô hàng, mặt hàng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đã được xác nhận đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước đã ký kết Điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm mà Việt Nam là thành viên; có kết quả kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu đối với lô hàng, mặt hàng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Đã có 03 (ba) lần liên tiếp trong vòng 12 tháng đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường;
c) Được sản xuất trong các cơ sở áp dụng một trong các hệ thống quản lý chất lượng GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương.
2. Kiểm tra thông thường áp dụng đối với tất cả mặt hàng của lô hàng nhập khẩu, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.
3. Kiểm tra chặt áp dụng đối với lô hàng, mặt hàng nhập khẩu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lô hàng, mặt hàng không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó;
b) Lô hàng, mặt hàng không đạt yêu cầu trong các lần thanh tra, kiểm tra (nếu có);
c) Có cảnh báo của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất.
4. Chuyển từ phương thức kiểm tra chặt sang phương thức kiểm tra thông thường trong các trường hợp sau đây:
a) Đối với trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều này, nếu sau khi áp dụng phương thức kiểm tra chặt 03 (ba) lần liên tiếp mà kết quả đạt yêu cầu nhập khẩu;
b) Đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều này, khi có văn bản thông báo ngừng kiểm tra chặt của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Bộ Công Thương của Việt Nam.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe bắt buộc phải được cấp giấy xác nhận công bố sản phẩm tại cơ quan chức năng
Miss Soi: Theo ông, quy định như thế thì doanh nghiệp có thể lách luật được không? Cụ thể là những trường hợp nào?
Mr Lách: Các sản phẩm thuộc quy định tại Khoản 1 và 7, Điều 13 của nghị định dễ bị lợi dụng nhất. Các trường hợp phải được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, được quy định tại Điều 6, bao gồm:
1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
2. Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
3. Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.
Nên đọc
Miss Soi: Theo ông, những nguy cơ đối với người tiêu dùng là gì?
Mr Lách: Nguy cơ cao nhất là các nguyên liệu nhập khẩu dùng để sản xuất nội bộ vì chúng được miễn cả thủ tục tự công bố (theo Khoản 2, Điều 4) lẫn KTNN. Mặt khác là tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, tức là lúc công bố kiểm nghiệm mẫu hàng đại diện một đằng nhưng khi nhập khẩu lại nhập hàng không đúng như đã tự công bố hay đăng ký. Thứ đến là việc không kiểm soát chất lượng thực phẩm trong khâu công bố và KTNN có thể để lọt nhiều loại sản phẩm kém chất lượng về dinh dưỡng, hàng giả và hàng rác (mất chất) ra thị trường.
Thiện Chí H+