Ngủ quá nhiều hay quá ít đều có hại cho tim

5 năm trước 23

Những người có nguy cơ mắc bệnh tim cao do di truyền vẫn có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách ngủ đủ giấc. Từ 6 đến 9 tiếng là thời lượng giấc ngủ vừa đủ cho hầu hết mọi người. Ngủ quá nhiều hoặc quá ít lại đều có thể gây nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

Các chuyên gia y tế từ lâu đã chứng minh những lợi ích của việc ngủ đủ giấc đối với sức khỏe.

Ngủ khoảng 8 tiếng một đêm sẽ giúp cải thiện sự tập trung và hiệu suất làm việc trong suốt cả ngày dài. Giấc ngủ còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, khả năng vận động và tâm trạng.

Mặc dù giấc ngủ có những lợi ích lớn như vậy nhưng rất nhiều người không ngủ đủ giấc mỗi đêm.

Mới đây, một nghiên cứu từ Đại học Colorado Boulder đã phát hiện ra rằng ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, kể cả ở người khỏe mạnh.

Ngoài ra, theo một nghiên cứu trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ thì bất cứ ai, bao gồm cả những người có khuynh hướng di truyền mắc bệnh tim cũng có thể giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim bằng cách ngủ khoảng 6 đến 9 tiếng mỗi đêm.

Nếu bạn đang muốn nâng cao chất lượng sống và cải thiện sức khỏe thì nên xem lại mình có ngủ đủ giấc không hay ngủ quá nhiều hoặc quá ít vì thời gian ngủ mỗi ngày là một trong những yếu tố quyết định sức khỏe tim mạch.

Giấc ngủ có thể giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim

Một nhóm các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá bệnh sử trong vòng 7 năm của hơn 461.000 người từ UK Biobank. Đây là những người ở độ tuổi từ 40 đến 69 và chưa bao giờ bị nhồi máu cơ tim.

Nhóm nghiên cứu đã so sánh những người ngủ 6 đến 9 tiếng mỗi đêm với những người ngủ ít hơn 6 tiếng và nhiều hơn 9 tiếng.

Những người ngủ ít hơn 6 tiếng có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao hơn 20% còn ở những người ngủ nhiều hơn 9 tiếng thì nguy cơ này cao hơn 34% so với những người ngủ từ 6 – 9 tiếng.

Thời gian ngủ mỗi đêm càng xa khỏi phạm vi 6 đến 9 tiếng thì nguy cơ lại càng tăng cao.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã xem xét hồ sơ di truyền để hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của giấc ngủ đến nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Và họ phát hiện ra rằng kể cả những người có khuynh hướng di truyền mắc bệnh tim thì vẫn có thể giảm khoảng 18% nguy cơ nhồi máu cơ tim nếu ngủ từ 6 đến 9 tiếng mỗi đêm.

Giấc ngủ và nguy cơ nhồi máu cơ tim di truyền

Mặc dù chúng ta vẫn chưa biết rõ lý do chính xác tại sao giấc ngủ lại giảm được nguy cơ nhồi máu cơ tim nhưng hầu như ai cũng biết rằng giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và tâm trạng.

Thói quen ngủ đủ giấc sẽ làm tăng hiệu suất học tập, làm việc, cải thiện tâm trạng và trí nhớ. Mặt khác, giấc ngủ kém sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể và tổn hại nghiêm trọng đến tim.

Theo tiến sĩ Meir Kryger –chuyên gia về giấc ngủ và hô hấp của đại học Yale (Mỹ), việc ngủ không đủ giấc có thể gây nên những bất thường trong quá trình trao đổi chất và dẫn đến những hậu quả như béo phì, hơn nữa còn gây phản ứng viêm, căng thẳng, làm thay đổi chức năng miễn dịch và ảnh hưởng đến chức năng của thành mạch máu. Tất cả những điều này đều làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim ở cả những người bình thường và những người vốn đã có khuynh hướng di truyền mắc bệnh tim.

Như vậy, những người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim do di truyền vẫn có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ bằng cách quan tâm nhiều hơn đến giấc ngủ của mình.

Làm gì khi khó ngủ?

Tất nhiên, không phải ai cũng có thể đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng. Nhìn chung, việc bị khó ngủ trong thời gian ngắn sẽ không có ảnh hưởng gì lớn nhưng rối loạn giấc ngủ mãn tính, liên tục trong một thời gian lại có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe và làm cho các vấn đề hiện có trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tim.

Tiến sĩ Guy Mintz, giám đốc khoa tim mạch của bệnh viện đại học North Shore cho biết, trái tim giống như một động cơ bơm liên tục 24 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần và cũng cần có thời gian nghỉ ngơi. Giống như động cơ ô tô, nếu phải hoạt động liên tục 24/7, trái tim cũng sẽ bị hỏng.

Tất nhiên, nhu cầu ngủ của mỗi một người là khác nhau. Một người có thể chỉ cần ngủ 6 tiếng trong khi những người khác lại phải ngủ đến 9 tiếng mỗi đêm.

Những người thường hay bị khó ngủ nên nói chuyện với chuyên gia về giấc ngủ để tìm ra nguyên nhân đến từ đâu và có các biện pháp khắc phục.

Ví dụ, liệu pháp nhận thức - hành vi có thể giúp cải thiện chứng mất ngủ. Ngoài ra, đôi khi lối sống và thời gian của một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như tập luyện, ăn uống, uống cà phê hay rượu đều có thể khiến giấc ngủ bị gián đoạn.

Nói chung, tất cả mọi người, dù có nguy cơ mắc bệnh tim do di truyền hay không thì vẫn nên ngủ đủ để đảm bảo sức khỏe cho trái tim.

Đọc toàn bộ bài viết