Câu hỏi:
Chào bác sĩ, nhà tôi có nuôi chó mèo và cũng hay ôm ấp chúng. Tôi nghe nhiều thông tin giun sán từ chó rất nguy hiểm và có thể lây nhiễm sang người. Tôi rất lo lắng bản thân và gia đình có thể mắc sán chó. Bác sĩ cho tôi hỏi xét nghiệm máu có phát hiện được bệnh không?
Trả lời:
Chào bạn, nhiễm ký sinh trùng là bệnh thường gặp ở chó, mèo. Hai loại ký sinh trùng thường gặp là giun tròn và sán (sán lá, sán dây).
Thông thường, trứng của giun, sán đi theo đường phân của thú cưng ra bên ngoài cơ thể, vào môi trường đất, nước phát triển thành ấu trùng. Các ấu trùng có thể tồn tại ngoài môi trường một thời gian dài, dính vào lông chó mèo, thực phẩm, nguồn nước.
Khi con người nuốt phải những thức ăn, nước uống có chứa ấu trùng sẽ nhiễm bệnh qua đường tiêu hóa.
Một số loại giun có thể lây qua đường da bị xây xát như giun móc. Một số ấu trùng sán có thể tồn tại trong mô của động vật (thịt, não).
Khi vào cơ thể, ký sinh trùng sống tại đường tiêu hóa hoặc có thể di chuyển đến các cơ quan khác gây ra các triệu chứng nguy hiểm (ở gan, phổi, não) và dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý.
Để chắc rằng bạn và gia đình có nhiễm giun hoặc sán, bạn có thể đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện khám và làm các xét nghiệm (máu, phân,) để chẩn đoán.
Dấu hiệu nhận biết
Người nhiễm sán chó có thể có một số triệu chứng điển hình như:
- Sút cân bất thường
- Ăn uống kém
- Rối loạn phân
- Trướng bụng, khó tiêu
- Ngứa da, kích ứng
- Khó ngủ,…
Cách phòng bệnh:
- Hạn chế tiếp xúc với thú cưng có nguy cơ nhiễm bệnh
- Thực hiện tắm, tẩy giun và kiểm tra phân cho thú cưng định kỳ
- Không cho chó mèo đi vào nhà thường xuyên. Hạn chế ôm, ngủ chung với chúng.
- Không để trẻ chơi với chó, không để bé bò dưới đất (nhất là những nơi chó, mèo thường nằm)
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn chín, uống sôi
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với thú cưng.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn