Nguyên nhân nào gây kháng insulin?

1 năm trước 23

Insulin là một loại hormone có vai trò kiểm soát nhiều quá trình quan trọng trong cơ thể và các vấn đề với hormone này là nguồn gốc dẫn đến nhiều căn bệnh khác nhau.

Một trong những vấn đề rất phổ biến là kháng insulin – tình trạng mà các tế bào của cơ thể ngừng phản ứng với insulin. Theo một thống kê, hơn 32,2% dân số Hoa Kỳ bị kháng insulin.Tùy thuộc vào tiêu chuẩn chẩn đoán mà con số này có thể tăng lên 44% ở phụ nữ béo phì và hơn 80% ở một số nhóm dân số. Khoảng 33% trẻ em và thanh thiếu niên béo phì cũng bị kháng insulin. (1) Tuy nhiên, những thay đổi đơn giản về lối sống có thể giúp cải thiện đáng kể tình trạng kháng insulin.

Dưới đây là những điều cơ bản mà mỗi người nên biết về insulin và kháng insulin.

Insulin là gì?

Insulin là một loại hormone được tạo ra bởi tuyến tụy.

Vai trò chính của hormone này là điều hòa lượng chất dinh dưỡng lưu thông trong máu.

Mặc dù insulin được biết đến chủ yếu với vai trò kiểm soát lượng đường trong máu nhưng ngoài ra hormone này cũng có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa chất béo và protein.

Sau khi chúng ta ăn thực phẩm có chứa carb, carb sẽ được chuyển hóa thành glucose, sau đó đi vào máu và làm tăng lượng đường trong máu.

Các tế bào beta trong tuyến tụy phát hiện sự gia tăng này và giải phóng insulin vào máu. Insulin sau đó sẽ lưu thông theo máu và báo cho các tế bào lấy đường vào từ máu. Nhờ đó nên lượng đường trong máu sẽ lại giảm về mức bình thường.

Lượng đường trong máu cao hay tăng đường huyết gây hại sức khỏe, thậm chí có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, đôi khi các tế bào phản ứng kém nhạy với insulin và lấy đường từ máu không hiệu quả. Tình trạng này được gọi là kháng insulin.

Lúc này, tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn để giảm lượng đường trong máu. Điều này dẫn đến nồng độ insulin cao trong máu, được gọi là tăng insulin máu.

Theo thời gian, các tế bào ngày càng phản ứng kém với insulin, dẫn đến sự gia tăng cả lượng insulin và lượng đường trong máu.

Cuối cùng, các tế bào beta của tuyến tụy bị tổn hại và giảm sản xuất insulin.

Khi lượng đường trong máu vượt quá một ngưỡng nhất định thì có nghĩa là đã mắc bệnh tiểu đường type 2.

Kháng insulin là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý này. Có khoảng 9% dân số trên toàn thế giới hiện đang sống chung với tiểu đường type 2.

Kháng insulin và nhạy insulin

Kháng insulin trái ngược với nhạy insulin. Kháng insulin có nghĩa là độ nhạy insulin thấp. Ngược lại, nhạy insulin có nghĩa là mức độ kháng insulin thấp. Trong khi kháng insulin có hại cho sức khỏe thì nhạy insulin lại có lợi.

Nguyên nhân gây ra tình trạng kháng insulin

Có nhiều yếu tố góp phần gây ra tình trạng kháng insulin.

Một trong các nguyên nhân được cho là do mỡ máu cao.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng lượng axit béo tự do trong máu cao khiến các tế bào không còn phản ứng nhạy với insulin.

Nguyên nhân chính khiến nồng độ axit béo tự do tăng cao là do chế độ ăn có quá nhiều calo và có nhiều mỡ thừa trong cơ thể. Trên thực tế, ăn quá nhiều, thừa cân và béo phì đều có liên quan mật thiết đến tình trạng kháng insulin. (2)

Mỡ nội tạng - loại mỡ tích tụ xung quanh các cơ quan trong ổ bụng - có thể giải phóng nhiều axit béo tự do vào máu cùng với các hormone gây viêm dẫn đến kháng insulin.

Mặc dù tình trạng này phổ biến hơn ở những người thừa cân nhưng những người có cân nặng bình thường hoặc thấp cũng có thể gặp phải.

Các nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến kháng insulin gồm có:

  • Fructose: Ăn nhiều fructose (từ đường bổ sung, không phải đường tự nhiên trong trái cây) có liên quan đến tình trạng kháng insulin. Điều này đã được phát hiện trong cả các nghiên cứu trên chuột và trên người.
  • Phản ứng viêm: Gia tăng stress oxy hóa và phản ứng viêm trong cơ thể có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin.
  • Lối sống ít vận động: Hoạt động thể chất làm tăng độ nhạy insulin và ngược lại, quá ít vận động có thể gây ra kháng insulin.
  • Hệ vi sinh vật đường ruột: Bằng chứng cho thấy rằng sự mất cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột có thể gây ra phản ứng viêm và điều này làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin cũng như các vấn đề về chuyển hóa khác.

Ngoài ra, yếu tố di truyền và xã hội cũng có thể là những yếu tố góp phần dẫn đến kháng insulin. Một số chủng tộc như người da đen, người gốc Latinh và Tây Ban Nha và người châu Á có nguy cơ kháng insulin đặc biệt cao.

Các dấu hiệu của kháng insulin

Có một số phương pháp được sử dụng để chẩn đoán kháng insulin.

Ví dụ, mức insulin cao lúc đói là dấu hiệu rõ rệt chỉ ra tình trạng này.

Một chỉ số giúp phát hiện kháng insulin khá chính xác là HOMA-IR. Chỉ số này cho biết mức độ kháng insulin dựa trên lượng đường và insulin trong máu.

Ngoài ra còn có nhiều cách giúp đánh giá trực tiếp khả năng kiểm soát đường huyết, chẳng hạn như nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống nhưng quá trình thực hiện phải mất vài giờ.

Nguy cơ kháng insulin sẽ tăng lên đáng kể nếu bị thừa cân hoặc béo phì, đặc biệt là những người có nhiều mỡ thừa ở vùng bụng.

Bệnh gai đen – một bệnh về da có triệu chứng là các mảng da dày sẫm màu - cũng có thể chỉ ra tình trạng kháng insulin.

Mức HDL cholesterol (cholesterol tốt) thấp và triglyceride trong máu cao cũng là hai dấu hiệu có liên quan đến tình trạng kháng insulin.

Các vấn đề liên quan đến kháng insulin

Kháng insulin là đặc trưng của hai vấn đề sức khỏe rất phổ biến là hội chứng chuyển hóa và bệnh tiểu đường type 2.

Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim mạch và một số vấn đề sức khỏe khác. Hội chứng chuyển hóa còn được gọi là hội chứng kháng insulin do có liên quan chặt chẽ đến tình trạng này.

Các triệu chứng của hội chứng chuyển hóa gồm có mức triglyceride cao, cao huyết áp, nhiều mỡ bụng, lượng đường trong máu cao và mức HDL cholesterol thấp.

Phòng ngừa kháng insulin sẽ có thể ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa và bệnh tiểu đường type 2.

Kháng insulin và sức khỏe tim mạch

Kháng insulin có liên quan chặt chẽ đến bệnh tim mạch - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu.

Trên thực tế, những người bị kháng insulin hoặc hội chứng chuyển hóa có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 93% so với người không bị những tình trạng này.

Nhiều bệnh lý khác, gồm có gan nhiễm mỡ không do rượu, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh Alzheimer và ung thư cũng có liên quan đến kháng insulin.

Ngoài ra, kháng insulin còn làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng (major depressive disorder).

Điều trị kháng insulin

Có thể cải thiện hoặc thậm chí đảo ngược hoàn toàn tình trạng kháng insulin bằng cách thay đổi lối sống:

  • Tập thể dục: Hoạt động thể chất là một trong những cách đơn giản nhất để làm tăng độ nhạy insulin. Tập thể dục có thể mang lại hiệu quả gần như ngay lập tức.
  • Giảm mỡ bụng: Có nhiều cách để giảm lượng mỡ tích tụ xung quanh các cơ quan nội tạng, chẳng hạn như điều chỉnh chế độ ăn và tập thể dục.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá có thể gây ra kháng insulin và bỏ thuốc sẽ giúp làm giảm nguy cơ.
  • Giảm lượng đường: Cố gắng cắt giảm tối đa lượng đường bổ sung trong chế độ ăn uống, đặc biệt là đường bổ sung từ các loại đồ uống có đường như nước ngọt, nước tăng lực.
  • Ăn uống lành mạnh: Ăn chủ yếu các loại thực phẩm toàn phần (thực phẩm không qua chế biến, xử lý), chẳng hạn như rau củ quả tươi. Ăn nhiều quả hạch và cá béo.
  • Bổ sung axit béo omega-3: Loại chất béo tốt này có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và nồng độ triglyceride trong máu.
  • Dùng thực phẩm chức năng: Berberine có thể giúp tăng cường độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu. Uống bổ sung magiê cũng sẽ giúp ích cho tình trạng kháng insulin.
  • Ngủ đủ giấc: Một số bằng chứng cho thấy ngủ không đủ giấc có thể góp phần gây ra kháng insulin. Vì vậy nên cải thiện chất lượng giấc ngủ sẽ giúp phòng ngừa và điều trị tình trạng này.
  • Giảm căng thẳng: Căng thẳng là điều khó tránh khỏi nhưng hãy cố gắng kiểm soát mức độ căng thẳng. Có thể thử các biện pháp giúp thư giãn tinh thần như thiền, tập yoga hay tập thể dục.
  • Hiến máu: Lượng sắt trong máu cao có liên quan đến tình trạng kháng insulin. Đối với nam giới và phụ nữ sau mãn kinh, hiến máu có thể cải thiện độ nhạy insulin.
  • Nhịn ăn gián đoạn: Chế độ ăn này có thể giúp làm tăng độ nhạy insulin.

Hầu hết những cách nêu trên còn có lợi cho sức khỏe tổng thể, phòng ngừa nhiều bệnh tật và giúp tăng tuổi thọ.

Chế độ ăn low-carb

Chế độ ăn low-carb hay ít carb được thực hiện chủ yếu nhằm mục đích giảm cân nhưng chế độ ăn này còn giúp phòng ngừa hội chứng chuyển hóa và bệnh tiểu đường type 2. Lý do một phần là bởi chế độ ăn low-carb giúp giảm đề kháng insulin. (3)

Tuy nhiên, khi chế độ ăn có quá ít carb, chẳng hạn như chế độ ăn Keto (ketogenic), cơ thể sẽ tạo ra trạng thái kháng insulin nhằm để dành lượng đường trong máu cho não.

Trạng thái này được gọi là kháng insulin sinh lý và không có hại.

Tóm tắt bài viết

Kháng insulin là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết các bệnh mãn tính ngày nay.

Tuy nhiên, có thể cải thiện tình trạng kháng insulin bằng các thay đổi lối sống đơn giản, chẳng hạn như giảm mỡ thừa, ăn uống lành mạnh và tập thể dục.

Ngăn ngừa kháng insulin là một trong những cách hiệu quả nhất để sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn.

Đọc toàn bộ bài viết