Uống rượu gây tăng huyết áp, vữa xơ động mạch. Ngoài ra, uống rượu nhiều trong thời gian dài có thể gây tổn thương gan, suy gan gây rối loạn đông máu. Do vậy, người uống rượu nhiều có nguy cơ cao bị đột quỵ chảy máu não. Đồng thời, khi đột quỵ thường rất nặng nề
Yếu tố nguy cơ đột quỵ là những đặc điểm của một cá thể hoặc một nhóm cá thể, có liên quan đến khả năng mắc bệnh đột quỵ cao hơn các cá thể hoặc nhóm cá thể khác không có các đặc điểm đó. Có khoảng hơn 20 yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não, chúng được chia vào 2 nhóm:
1. Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
Tuổi (đa số gặp trên 45 tuổi), giới tính (nam gặp nhiều hơn nữ), chủng tộc, di truyền… Chúng ta không thể thay đổi được các yếu tố này. Tuy nhiên, việc nhận thức về vấn đề này cung cấp thông tin về những đối tượng cần đề cao công tác dự phòng.
2. Các yếu tố nguy cơ thay đổi được
Có 4 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ não là tăng huyết áp; đái tháo đường; béo thể trung tâm (béo bụng) và rối loạn lipid máu. Ngoài ra còn nhiều yếu tố nguy cơ có thể thay đổi khác như: nghiện rượu, hút thuốc lá, cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, các bệnh lý tim mạch, căng thẳng tâm lý…
2.1. Tăng huyết áp
- Gọi là tăng huyết áp nếu huyết áp ≥ 140/90mmHg
- Việc phát hiện tăng huyết áp khá đơn giản bằng thao tác đo huyết áp mà bất kỳ nhân viên y tế nào cũng thực hiện được. Mọi người cũng có thể tự kiểm tra huyết áp bằng một máy đo huyết áp tự động có trên thị trường.
- Tuy nhiên, một tỷ lệ khá cao dân chúng lại không có ý thức quan tâm đến vấn đề này. Hậu quả là nhiều người để huyết áp tăng cao một thời gian dài không điều trị, đến khi gây biến chứng (ví dụ đột quỵ não) thì hậu quả rất nặng nề.
2.2. Đái tháo đường
Đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ não từ 2-6,5 lần, tăng tỷ lệ tử vong lên 2 lần. Đường máu của người bình thường 3,9-6,0mmol/l. Một người được chẩn đoán đái tháo đường khi:
- Mức Glucose máu ở thời điểm bất kì >11mmol/l
- Hoặc mức Glucose máu lúc đói > 7mmol/l
Chẩn đoán tiền đái tháo đường (tức là chưa bị đái tháo đường thực thụ nhưng có dấu hiệu báo động):
- Rối loạn dung nạp glucose: glucose máu thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống 7,8-11mmol/l
- Suy giảm dung nạp glucose máu lúc đói: glucose máu lúc đói tăng dưới 7mmol/l và glucose máu thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống tăng dưới 7,8mmol/l
Triệu chứng biểu hiện bệnh đái tháo đường giai đoạn sớm thường rất mờ nhạt hoặc hầu như không có gì. Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có biểu hiện ăn nhiều, uống nhiều, gầy sút cân nhanh.
Mọi người cần định kỳ khám xét nghiệm kiểm tra đường máu. Bệnh nhân đái tháo đường có thể tự xét nghiệm đường máu tại nhà bằng các loại máy xét nghiệm đường máu.
2.3. Rối loạn lipid máu
Khi hàm lượng lipid trong máu quá cao là điều kiện thuận lợi để lipid “ngấm” vào và lắng đọng ở thành mạch máu. Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành mảng vữa xơ động mạch.
2.4. Vữa xơ động mạch
Mảng vữa xơ hình thành trong lòng động mạch sẽ làm chít hẹp dần lòng mạch có thể gây tắc mạch. Nhiều trường hợp mảng vữa xơ bong ra, trôi theo dòng máu, đến gây tắc ở vị trí mạch máu khác
2.5. Béo phì
Béo phì là yếu tố thuận lợi góp phần làm tăng huyết áp, rối loạn lipid và tăng glucose máu. Tất cả các yếu tố này kết hợp lại sẽ làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch. Trong các thể béo phì, thể béo bụng có liên quan với hội chứng chuyển hóa chặt chẽ hơn cả
2.6. Hút thuốc lá
Hút thuốc lá gây nhiều tác hại đối với sức khỏe, trong đó có nguy cơ gây các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, rối loạn nhịp tim… và đột quỵ não. Nên khuyến cáo bỏ thuốc lá đối với những trường hợp đang hút thuốc.
2.7. Uống rượu nhiều
Uống rượu gây tăng huyết áp, vữa xơ động mạch. Ngoài ra, uống rượu nhiều trong thời gian dài có thể gây tổn thương gan, suy gan gây rối loạn đông máu. Do vậy, người uống rượu nhiều có nguy cơ cao bị đột quỵ chảy máu não. Đồng thời, khi đột quỵ thường rất nặng nề
2.8. Một số yếu tố nguy cơ khác
Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua: phình động mạch não : dị dạng động-tĩnh mạch não,.. sẽ được trình bày trong các phần tiếp theo của loạt bài “Đột Quỵ Não”.
Nguồn: Bệnh viện 103