Nhiễm HPV không phải lúc nào cũng gây mụn cóc

3 năm trước 27

Có hơn 150 chủng HPV khác nhau. Nhiều chủng không hề gây ra bất kỳ triệu chứng nào và thường sẽ biến mất khỏi cơ thể mà không cần điều trị.

Ý chính trong bài:

  • Một số chủng HPV gây mụn cóc sinh dục trong khi một số chủng lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
  • Nhiều người nhiễm HPV không hề có bất kỳ triệu chứng nào.
  • Nhiễm HPV ở miệng thường có các triệu chứng khác ngoài mụn cóc, ví dụ như khó nuốt và khàn giọng.

Có phải lúc nào nhiễm HPV cũng có triệu chứng không?

HPV hay virus u nhú ở người (human papillomavirus) là một nhóm virus lây truyền qua đường tình dục. Virus này rất phổ biến. Gần như tất cả những người có quan hệ tình dục đều bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời và đa số đều không hề hay biết mình bị nhiễm virus.

Có hơn 150 chủng HPV khác nhau. Nhiều chủng không hề gây ra bất kỳ triệu chứng nào và thường sẽ biến mất khỏi cơ thể mà không cần điều trị. Chỉ có một số chủng HPV gây ra mụn cóc. Tuy nhiên, kể cả khi bị nhiễm các chủng HPV này mà có hệ miễn dịch khỏe mạnh thì có thể sẽ không bị mụn cóc.

Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp khi bị nhiễm HPV, những gì cần thực hiện khi được chẩn đoán nhiễm virus và các biện pháp điều trị.

Các triệu chứng nhiễm HPV

Hầu hết những người nhiễm HPV đều không gặp bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào. Uớc tính trong 10 trường hợp nhiễm HPV thì có 9 trường hợp là virus biến mất sau một thời gian mà không cần can thiệp. Thời gian để hệ miễn dịch tiêu diệt thường là trong vòng 2 năm kể từ khi bị nhiễm. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà virus vẫn tồn tại trong cơ thể và gây ra các vấn đề.

Điều này chủ yếu phụ thuộc vào chủng HPV bị nhiễm. Một số chủng HPV có thể gây ra mụn cóc mà chủ yếu là 2 chủng HPV 6 và HPV 11. Các chủng khác, chẳng hạn như HPV 16 và HPV 18, không gây mụn cóc nhưng lại làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

Mụn cóc

Mụn cóc là một triệu chứng phổ biến khi nhiễm HPV nhưng không phải lúc nào cũng xuất hiện ngay sau khi nhiễm virus. Có thể phải vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm sau khi nhiễm virus thì mới nổi mụn cóc. Loại mụn cóc và vị trí chúng xuất hiện trên cơ thể phụ thuộc vào chủng HPV. Các loại mụn cóc thường gặp gồm có:

Mụn cóc thông thường

Mụn cóc thông thường hình thành đơn lẻ, có bề mặt thô ráp, màu đỏ hoặc màu da và thường xuất hiện ở khuỷu tay, ngón tay và bàn tay. Mụn cóc thông thường có thể gây đau và chảy máu.

Mụn cóc sinh dục

Đúng như tên gọi, mụn cóc sinh dục là loại mụn cóc hình thành ở bộ phận sinh dục. Ở phụ nữ, mụn cóc sinh dục xuất hiện phổ biến nhất ở âm hộ nhưng cũng có thể xuất hiện ở gần hậu môn, trong âm đạo hoặc trên cổ tử cung. Loại mụn cóc này tạo thành cụm, trông giống như súp lơ, gồm có những nốt sần nhỏ nhô lên bề mặt da hoặc những tổn thương phẳng giống như vết bầm. Mụn cóc sinh dục thường chỉ gây ngứa chứ hiếm khi gây đau.

Mụn cóc phẳng

Loại mụn cóc này xuất hiện dưới dạng những vùng da nhỏ sẫm màu nổi trên da với bề mặt phẳng, mịn. Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể.

Mụn cóc ở lòng bàn chân

Loại mụn cóc này cứng và sần sùi, thường hình thành ở gót chân hoặc những khu vực có vết chai của lòng bàn chân. Những vị trí này thường phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể nên mụn cóc mọc vào bên trong, gây ra cảm giác khó chịu.

Các triệu chứng khác

Các chủng HPV gây mụn cóc ở bộ phận sinh dục cũng có thể gây hình thành mụn cóc ở miệng và cổ họng. Tình trạng này được gọi là mụn cóc miệng.

Một số triệu chứng có thể gặp phải khi nhiễm HPV ở miệng gồm có:

  • Đau nhức tai
  • Khàn tiếng
  • Đau họng mãi không khỏi
  • Đau khi nuốt
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Sưng hạch bạch huyết

HPV và ung thư

Một vài chủng HPV làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), HPV là nguyên nhân của hơn 31.000 ca ung thư mỗi năm.

Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phổ biến nhất liên quan đến HPV. Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung gồm có:

  • Chảy máu âm đạo bất thường, ví dụ như chảy máu ngoài kỳ kinh nguyệt, chảy máu sau mãn kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục
  • Dịch tiết dịch âm đạo (khí hư) thay đổi bất thường
  • Khó tiểu và đại tiện
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Sụt cân

Ngoài ung thư cổ tử cung, các bệnh ung thư khác mà HPV có thể gây ra còn có:

  • Ung thư âm đạo và âm hộ
  • Ung thư dương vật và bìu
  • Ung thư hậu môn
  • Ung thư khoang miệng

Xét nghiệm HPV và sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác sẽ giúp phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Con đường lây nhiễm HPV

HPV là loại virus lây truyền qua tiếp xúc da, chủ yếu là khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc hậu môn.

Khi có vết thương hở trên da, ví dụ như vết cắt, vết xước hoặc vết loét thì sẽ càng dễ nhiễm virus này hơn nữa. Virus có thể thâm nhập qua những vết thương có kích thước siêu nhỏ do sự ma sát trong khi quan hệ tình dục tạo ra.

Nếu không có mụn cóc thì có thể lây truyền HPV không?

HPV có thể lây truyền ngay cả khi không có mụn cóc hoặc các triệu chứng khác. Nhưng khi chạm vào bất kỳ loại mụn cóc nào thì nguy cơ nhiễm HPV sẽ cao hơn.

Không giống như một số loại virus khác, HPV có thể sống bên ngoài cơ thể trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này có nghĩa là có thể bị nhiễm HPV khi chạm vào bất cứ thứ gì có dính virus.

Mặc dù không phổ biến nhưng những phụ nữ mang thai và bị nhiễm HPV có thể lây truyền virus sang cho con trong thời gian mang thai hoặc trong quá trình sinh nở.

Tìm hiểu thêm về những rủi ro khi nhiễm HPV ở phụ nữ mang thai.

Các yếu tố nguy cơ

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), gần như tất cả những người có quan hệ tình dục đều bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời. Mặc dù HPV có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm virus gồm có:

  • Quan hệ tình dục không an toàn
  • Có hệ miễn dịch suy yếu

Quan hệ tình dục an toàn là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc tất cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả nhiễm HPV. Nếu như có quan hệ tình dục thì nên khám sàng lọc các bệnh này để phát hiện, điều trị kịp thời và ngăn ngừa các biến chứng. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy có sự hiện diện các chủng HPV nguy cơ cao thì sẽ cần tái khám định kỳ để theo dõi, phát hiện sớm những thay đổi bất thường và ngăn ngừa ung thư phát triển.

Hệ miễn dịch suy yếu cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Nguyên nhân làm suy yếu hệ miễn dịch có thể là do dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch hoặc mắc một số bẹnh lý, vấn đề sức khỏe.

Phát hiện nhiễm HPV bằng cách nào?

Có hai phương pháp được sử dụng để phát hiện nhiễm HPV:

  • Khám lâm sàng: Nếu có mụn cóc thì bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán dựa trên quan sát trực quan. Đôi khi có thể cần sinh thiết. Đây là thủ thuật lấy một mẫu mô nhỏ và đem đi phân tích trong phòng thí nghiệm để phát hiện sự hiện diện của virus.
  • Xét nghiệm ADN: Xét nghiệm này giúp xác định các chủng HPV có thể gây ung thư bằng cách phân tích các tế bào từ cổ tử cung. Mẫu tế bào có thể được lấy trong quá trình làm xét nghiệm Pap smear.

Phương pháp xét nghiệm HPV được thực hiện trên mẫu bệnh phẩm thu được khi làm xét nghiệm Pap và nhằm mục đích phát hiện HPV. Phương pháp này chỉ được khuyến nghị cho phụ nữ từ 30 tuổi trở lên. Ở phụ nữ dưới 30 tuổi nhưng có kết quả xét nghiệm Pap bất thường thì sẽ cần thực hiện tiếp phương pháp xét nghiệm HPV để xác định có bị nhiễm HPV hay không. Theo CDC, phương pháp xét nghiệm HPV hiện không được khuyến nghị cho nam giới, thanh thiếu niên và phụ nữ dưới 30 tuổi.

Nếu xét nghiệm HPV cho kết quả dương tính thì sẽ cần đi kiểm tra thường xuyên để theo dõi, phát hiện sớm những thay đổi bất thường và có biện pháp can thiệp.

Phụ nữ nên làm xét nghiệm Pap định kỳ để phát hiện các tế bào tiền ung thư hoặc ung thư ở cổ tử cung. Đối với những người dự định mang thai thì sẽ càng phải theo dõi sát sao hơn nữa.

Bác sĩ sẽ tư vấn tần suất khám sàng lọc phù hợp cho từng cá nhân.

Điều trị nhiễm HPV

Thông thường, không cần thiết phải điều trị khi bị nhiễm HPV. Đa phần virus đều sẽ biến mất khỏi cơ thể sau một thời gian nhất định.

Do đó, hiện không có phương pháp nào để tiêu diệt HPV. Tuy nhiên, khi có các triệu chứng thì có thể điều trị bằng những biện pháp dưới đây.

Mụn cóc sinh dục

Các phương pháp để loại bỏ mụn cóc gồm có:

  • Dùng hóa chất, ví dụ như axit
  • Phẫu thuật lạnh
  • Đốt bằng laser
  • Đốt bằng điện

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào vị trí, số lượng và kích thước của mụn cóc. Lưu ý, tất cả các phương pháp trên đều chỉ loại bỏ mụn cóc chứ không tiêu diệt được virus. Kể cả khi không còn mụn cóc thì vẫn có thể lây truyền HPV sang cho người khác khi tiếp xúc.

Các bệnh ung thư do HPV

Nếu phát hiện sớm, các bệnh ung thư do HPV gây ra đều đáp ứng tốt với điều trị và tiên lượng rất khả quan.

Cách ngăn ngừa nhiễm HPV

Không có cách nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ nhiễm HPV nhưng quan hệ tình dục an toàn, ví dụ như dùng bao cao su hay màng chắn miệng sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục, gồm có cả nhiễm HPV.

Hiện nay đã có vắc-xin để bảo vệ cơ thể chống lại một số chủng HPV gây mụn cóc và ung thư. CDC khuyến nghị nên tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV ở độ tuổi 11 đến 12 ở cả nam và nữ.

Những điều cần biết

  • Vắc-xin phòng ngừa HPV hiện được khuyến nghị cho tất cả trẻ em 11 và 12 tuổi.
  • Có hai loại vắc-xin: loại 2 mũi dành cho trẻ từ 11 đến 14 tuổi và loại 3 mũi dành cho người từ 15 đến 45 tuổi.
  • Phải tiêm đủ số mũi quy định để có hiệu quả chống lại virus một cách tối đa.

Vắc xin HPV cho hiệu quả cao nhất khi được tiêm trước khi bắt đầu quan hệ tình dục hoặc nhiễm virus. Tuy nhiên, tất cả những người dưới 27 tuổi đều được khuyến khích tiêm vắc-xin.

Đọc toàn bộ bài viết